Phóng sự - Ký sự

Mang Trung thu lên đại ngàn Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cầm trên tay tờ phiếu nhận quà và dự tiệc Trung thu, chị Y Mó hối thúc chồng, anh A Rú: “Không lo mà đi sớm, đến trễ hết cái Tết Trung thu cho con thì sao…”. 

 Y Mơn (phải) đang thưởng thức món cà-ri trong bữa tiệc Trung thu
Y Mơn (phải) đang thưởng thức món cà-ri trong bữa tiệc Trung thu



Gặp chúng tôi tại sân vận động nhà văn hóa xã biên giới Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), chị Y Mó kể lại câu chuyện sáng nay, anh chị bỏ cái rẫy, con trâu, vượt qua 2 con suối và mấy con dốc dài từ làng Đắk Mế, xã Đắk Xú ra xã Bờ Y. Chị nói: “Muốn đi cho chị em Y Na biết cái Tết Trung thu. Mình cũng chưa biết đâu, mong từ mấy hôm trước rồi…”.

Lần đầu tiên biết đến Tết Trung thu

Sân vận động Nhà văn hóa xã Bờ Y hôm nay có hàng trăm người từ khắp nơi tụ họp về. Nhiều người ở tận các làng của xã Đắk An, Đắk Kan, Đắc Dục… dắt theo những đứa trẻ đến từ rất sớm. Ai cũng háo hức chờ đợi nghe đọc tên mình lên để các bác sĩ khám bệnh, phát thuốc. “Đi xem cái Tết Trung thu mà nhà mình còn được khám bệnh, nhận quà nữa, mừng lắm”, chị Y Mó vui vẻ nói. Cùng làng Đắk Mế với chị Y Mó, hôm nay ra xã Bờ Y còn có hơn 20 hộ đồng bào Brâu. Người mang quầy chuối chín, quả dưa, người mang theo bó rau rừng, nắm xôi. “Mình sợ chị em thằng Y Mơn đói cái bụng không có cái ăn”, chị Y Sơr, mẹ cậu bé Y Mơn, nói. Nhưng thấy các cô chú mặc áo xanh trong đoàn từ thiện TPHCM bưng ra những khay thức ăn to, nào là đùi gà, khoai tây chiên, xúc xích, mì xào, trái cây và cả nước ngọt nữa, chị Y Sơr không khỏi ngạc nhiên khi biết, đó là sự chuẩn bị cho mấy đứa nhỏ đến dự Tết Trung thu.

Nắm chặt lấy vạt áo của chị, Y Mơn tròn xoe đôi mắt nhìn những chiếc đùi gà giòn thơm được các cô chú áo xanh trao cho thằng Y Nhót, Y Phênh, chị em cái Y Na… Tới lượt nó, đưa cái đĩa nhựa lên đón lấy chiếc đùi gà chiên, rồi lùi lại phía sau chờ chị bước lên nhận tiếp bát cà-ri xong mới đi nhanh về phía cầu thang dẫn lên nhà rông, chọn cho mình một chỗ ngồi tốt nhất để có thể vừa ăn, vừa quan sát mọi người xung quanh. Lần đầu tiên Y Mơn đi dự tiệc Trung thu mà chỉ có đôi dép mới và chiếc áo sọc trắng được mẹ cài khuy cao tới sát cổ. “Lúc sáng mình giặt cái quần mà nó không chịu khô để Y Mơn mặc đi ăn Tết Trung thu đấy”, chị Y Sơr nói, khi thấy có người nhìn Y Mơn đang ăn với điệu bộ khép chặt hai đầu gối vào vạt áo, che đi phần đùi trên hở ra tận phía sau…

Không đủ bàn và ghế ngồi cho hơn 500 thực khách nhí đến dự tiệc Trung thu. Phần đông các em sau khi chọn món ăn, mang ra ngoài tìm cho mình chỗ ngồi để thưởng thức. Nhìn Y Mơn một tay nâng chiếc muỗng nhựa lên miệng húp cà ri, một tay đỡ hờ phía dưới như sợ rớt ra ngoài, chúng tôi ai nấy đều nghẹn lòng cảm thương cho những đứa trẻ vùng cao lần đầu được ăn cái Tết Trung thu. Đứng dậy, vỗ vỗ 2 tay lên bụng, Y Mơn ra hiệu nói với mẹ, no rồi không ăn nữa. Ở phía trong, chị Y Mơn đang cùng với Y Na đứng chờ tới lượt để nhận ly nước ngọt.

Trên sân khấu, các cô chú áo xanh đang xếp những chiếc lồng đèn, túi quà và chuẩn bị cho chương trình văn nghệ sắp diễn ra. Khi tiếng nhạc, lời ca của các ca sĩ Đội văn nghệ xung kích Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cất lên, khoảng sân rộng trước nhà văn hóa không còn một chỗ trống. Những tràng vỗ tay, tiếng reo hò không dứt của hàng trăm em nhỏ cổ vũ cho các tiết mục múa chú Cuội, chị Hằng Nga, ảo thuật, xiếc mà lần đầu tiên chúng được xem. Cuối cùng, phần phát lồng đèn Trung thu mà những đứa trẻ vùng cao chờ đợi suốt mấy ngày nay cũng đến. Dù đông nhưng rất trật tự, từng em sau khi được nhận phiếu, mới bước nhanh lên sân khấu đón lấy chiếc lồng đèn và túi quà to.

Thoáng thấy Y Mơn dáng thấp nhỏ, cầm chiếc lồng đèn ông sao khuất dần phía sau sân khấu, tôi thầm nghĩ đến đêm trăng rằm Trung thu ở làng Đắk Mế và nhiều ngôi làng người đồng bào Kdong, Brâu… trên đại ngàn Trường Sơn, sẽ lấp lánh ánh đèn ngôi sao của những đứa trẻ vùng cao đi đón chú Cuội, chị Hằng Nga và không quên nhớ về những món ăn ngon của bữa tiệc Trung thu mà lần đầu tiên chúng được thưởng thức.

Trao gửi yêu thương nơi biên cương Tổ quốc

Vượt quãng đường dài hơn 700 cây số từ TPHCM lên vùng biên giới Bờ Y, đoàn công tác Ủy ban MTTQ TPHCM gồm hơn 200 thành viên, là những bác sĩ, tình nguyện viên của nhóm từ thiện Tâm Việt, cán bộ MTTQ các quận huyện, mang theo những món quà chứa đựng tình cảm yêu thương gửi đến đồng bào các dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn.

Ai cũng háo hức, chờ đợi được trao tận tay các em nhỏ chiếc lồng đèn, gói quà, bữa ăn ngon… Chị Nguyễn Thị Thu, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Ủy ban MTTQ TPHCM, cho biết: Từ nhiều ngày qua, các anh chị trong nhóm từ thiện Tâm Việt và cán bộ MTTQ ở các quận huyện đã đi vận động mạnh thường quân góp từng chiếc lồng đèn, hộp sữa, gói kẹo… rồi gói ghém thành gần 1.000 phần quà tặng các em nhỏ mùa Trung thu. Để có bữa ăn ngon cho các em, công tác hậu cần cũng được chuẩn bị khá kỹ, từ việc lên thực đơn, chọn mua thực phẩm tươi, chế biến đến vận chuyển qua quãng đường dài và tổ chức nấu nướng. Dù vất vả nhưng ai cũng thấy vui và chờ đợi giây phút được gặp các em nhỏ vùng cao.

Cái Tết Trung thu yêu thương chứa đựng tình người của những tấm lòng ở thành phố mang tên Bác gửi đến các em nhỏ trên đại ngàn Trường Sơn rồi sẽ qua đi. Nhưng, chắc chắn một điều, những chiếc lồng đèn ông sao, những món ăn ngon trong bữa tiệc Trung thu và cả lời ca, điệu múa đón đêm trăng rằm là kỷ niệm đẹp khó quên, sẽ đi suốt cuộc đời của các em nhỏ nơi vùng biên cương Tổ quốc.


Dự tiệc Trung thu được tặng bò

 


Trong phiếu mời dự tiệc Trung thu và nhận quà gửi đến các hộ dân đều ghi số dự thưởng xổ số. Kết quả, ban tổ chức đã trao quà thưởng cho 20 giải khuyến khích, 1 giải ba, 1 giải nhì, 1 giải nhất và 1 giải đặc biệt. Anh A Má ở làng Đắk Rú, xã Bờ Y, đã may mắn trúng giải đặc biệt là con bò trị giá 17 triệu đồng. Nhận sợi dây con bò từ ban tổ chức, anh A Má xúc động nói: “Nhà mình không có bò, mà nay con bò nó lại về với mình, mừng lắm không biết nói sao đâu…”.

Hoài Nam (sggp)

Có thể bạn quan tâm