Mang Yang hàng chục giáo viên biệt phái chờ tiền hỗ trợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Biệt phái giáo viên từ vùng thuận lợi đến giảng dạy ở một số trường vùng sâu, vùng xa nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, huyện Mang Yang, Gia Lai vẫn chưa giải quyết tiền hỗ trợ cho số giáo viên này theo quy định của Nhà nước.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Năm học 2016-2017, UBND huyện Mang Yang ra quyết định biệt phái 13 giáo viên ở các trường vùng thuận lợi đến giảng dạy tại một số trường vùng khó khăn thuộc 5 xã: Kon Chiêng, Kon Thụp, Lơ Pang, Đak Trôi, Đê Ar. Theo khoản 5, Điều 36 Luật Viên chức thì: “Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ”. Thế nhưng đến nay, số giáo viên biệt phái này vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ theo quy định.
Trao đổi với P.V, cô Quách Thị Ngọc Huế-giáo viên Trường Tiểu học Đak Yă (xã Đak Yă) cho biết: “Năm học 2016-2017, tôi nhận quyết định của UBND huyện biệt phái vào giảng dạy ở Trường Tiểu học Đê Ar (xã Đê Ar), cách nhà hơn 40 km. Hơn 1 năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ theo quy định của Nhà nước”. Tương tự, cô Bùi Thị Cẩn-giáo viên Trường Tiểu học thị trấn số 2 (thị trấn Kon Dơng) cho hay, cô được cử vào dạy ở Trường Tiểu học THCS Đak Trôi (xã Đak Trôi) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Liên quan đến việc chậm chi trả tiền hỗ trợ đối với những giáo viên được biệt phái đến vùng khó khăn, ông Lê Văn Hoàn-Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Mang Yang-cho biết: Các giáo viên được biệt phái đến vùng khó khăn nhưng vẫn còn biên chế ở vùng thuận lợi. Tiền lương của số giáo viên này được chi trả theo vùng khó khăn nên thủ tục thanh toán ngân sách rất khó. Nếu điều chuyển hẳn số giáo viên trên đến công tác tại vùng khó khăn thì việc chi trả lương cho họ sẽ đúng quy định và dễ dàng hơn. “Ngay từ năm 2017, chúng tôi đã có văn bản tham mưu lên cấp trên nhưng vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện”-ông Hoàn nói. Giải thích về vấn đề tại sao không điều chuyển hẳn mà chỉ biệt phái số giáo viên trên, ông Trần Văn Bảng-Trưởng phòng Nội vụ huyện Mang Yang-cho rằng: “Biệt phái thì giáo viên công tác có thời hạn sau đó được về lại trường cũ và sẽ phải chi ngân sách ít hơn, thay vì trả lương trong cả năm học thì chỉ trả lương những tháng giáo viên đứng lớp”. 
Trước tình hình nợ tiền hỗ trợ cho số giáo viên biệt phái, ông Krung Dam Đoàn-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: Tại cuộc họp với Phòng Giáo dục và Đào tạo mới đây, Thường trực Huyện ủy Mang Yang đã có kết luận: “Yêu cầu giải quyết kinh phí biệt phái giáo viên năm học 2016-2017; giao cho UBND huyện chủ trì phối hợp với các phòng: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính-Kế hoạch đề xuất phương án giải quyết tiền hỗ biệt phái cho giáo viên theo quy định”. Kết luận của Thường trực Huyện ủy Mang Yang cũng xác định nguyên nhân chậm chi trả tiền hỗ trợ là do việc điều chuyển, phân bổ giáo viên từ đầu năm học 2016-2017 chưa hợp lý. Một số trường vùng khó khăn thiếu giáo viên trầm trọng nhưng không được ưu tiên bổ sung giáo viên ngay từ đầu năm, đến khi sang học kỳ II thì mới biệt phái giáo viên đến để giải quyết tình thế, dẫn đến nhiều bất cập.
Được biết, tổng số tiền hỗ trợ theo quy định của Nhà nước cho 13 giáo viên ở huyện Mang Yang được biệt phái trong năm học 2016-2017 là trên 253 triệu đồng (bình quân mỗi giáo viên khoảng 20 triệu đồng).
Ngọc Ánh

Có thể bạn quan tâm