(GLO)- Mang Yang (Gia Lai) là địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tới 60,15% dân số. Huyện cũng có đến 54 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II và khu vực III. Những năm qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Giai đoạn 2014-2019, huyện Mang Yang chú trọng đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân tộc như giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cấp phát các mặt hàng chính sách cùng các chương trình hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS. Đặc biệt, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS được chú trọng đẩy mạnh. Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ gần 642 tỷ đồng, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan hỗ trợ gần 1.350 con bò, hơn 2.110 con heo cùng nhiều loại gia súc, gia cầm khác và trên 200 ngàn cây giống các loại cho các hộ đồng bào DTTS. Đồng thời, huyện triển khai xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất... giúp đồng bào DTTS tiếp cận và áp dụng khá hiệu quả vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang-cho biết: “MTTQ Việt Nam huyện và các đoàn thể đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, gắn với phát huy sự chủ động của cộng đồng dân cư, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng làng nông thôn mới; quan tâm hướng dẫn đồng bào DTTS cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, chi tiêu hợp lý và tiết kiệm. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn hỗ trợ xây dựng 3 mô hình thực hiện cuộc vận động này và trao hơn 20 con bò sinh sản cho các hộ dân xã Đak Jơ Ta, Hà Ra, Lơ Pang, giúp bà con phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống”.
Đồng bào DTTS huyện Mang Yang trao đổi về kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: T.N |
Cùng với đó, Hội Nông dân huyện đã tổ chức dạy nghề cho hơn 1.000 học viên là người DTTS, giải quyết việc làm cho hơn 500 người DTTS. Đồng thời, Hội tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, hội thảo về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, phòng-chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho hơn 25.000 lượt hội viên, trong đó có hơn 10.000 lượt hội viên DTTS; phát động phong trào thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững. Riêng Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện với hơn 1,9 tỷ đồng đã giải ngân cho 125 hộ vay. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngân hàng giải ngân vốn vay cho hộ DTTS đầu tư sản xuất, tạo việc làm, vệ sinh môi trường... Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ giống bò, dê Bách Thảo và giống bời lời cho gần 50 hộ tại xã Hà Ra, Đak Ta Ley; triển khai dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả khá tốt.
Ông Đinh Búi-Chủ tịch UBND xã Lơ Pang-phấn khởi cho biết: “Các ngành, các đơn vị của huyện cùng với hệ thống chính trị xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ sản xuất, kết hợp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất và đời sống người dân. Nhờ thụ hưởng các chính sách dân tộc, nhiều hộ đồng bào Bahnar của xã đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ sản xuất giỏi, qua đó góp phần giảm hộ nghèo tại địa phương”.
Tại xã Kon Chiêng, địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhờ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, người dân có điều kiện phát triển nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng cây công nghiệp và cây ăn quả để cho thu nhập cao. Đồng thời, bà con cũng chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, ổn định đời sống. Chị Hà Thị Hừng (dân tộc Mường, làng Gít, xã Kon Chiêng) cho biết: “Gia đình mình từ miền Bắc vào định cư tại xã được 5 năm. Ban đầu khó khăn lắm nhưng được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất sản xuất và giúp đỡ về nhiều mặt, gia đình mình cố gắng lao động sản xuất theo hướng lấy ngắn nuôi dài, trồng bơ, mì, đậu và chăn nuôi bò nên đến nay cuộc sống đã ổn định. Mình rất mong địa phương tiếp tục quan tâm giúp đồng bào về vốn và hướng dẫn kỹ thuật để sản xuất hiệu quả hơn”.
Trao đổi với P.V, ông Krung Dam Đoàn-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho hay: “Những năm qua, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất tăng, góp phần vào sự phát triển kinh tế vùng DTTS của huyện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện hiện đạt hơn 27 triệu đồng/năm, trong đó vùng DTTS đạt bình quân 20,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân 4,5%/năm. Toàn huyện đã có 2 xã là Đak Yă, Đak Djrăng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và làng Brêp (xã Đak Djrăng) đạt chuẩn làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Tình hình an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội ổn định, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của huyện. Các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ra sức lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.
THANH NHẬT