Xã hội

Đời sống

Mang Yang hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn vốn hỗ trợ của Tiểu dự án 1-Dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Mang Yang đang tập trung triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả để giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Đê Kôn khởi sắc

Làng Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) có 54 hộ đồng bào dân tộc Bahnar, trong đó có 23 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư làm tuyến đường bê tông kết nối quốc lộ 19 với trung tâm xã và huyện. Bên cạnh đó, thực hiện Tiểu dự án 1, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp 10 con bò sinh sản cho 10 hộ nghèo trong làng.

Gia đình ông Yui là 1 trong 10 hộ nghèo tại làng Đê Kôn vừa được hỗ trợ bò sinh sản để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.D

Ông Yui-Trưởng nhóm cộng đồng nuôi bò sinh sản làng Đê Kôn-cho biết: Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Hàng ngày, vợ chồng ông đi làm thuê, mùa mưa vào rừng tìm măng, còn mùa khô thì đi bẻ đót mang về bán kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ. “Vừa rồi, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ bò sinh sản. Tôi sẽ chăm sóc thật tốt để bò sớm sinh sản, giúp gia đình có sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Yui phấn khởi nói.

Còn ông Hriu-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đê Kôn thì cho hay: “Tuyến đường bê tông được Nhà nước đầu tư xây dựng từ làng ra quốc lộ 19 giúp bà con đi lại và vận chuyển hàng nông sản an toàn, thuận lợi. Mới đây, 10 hộ nghèo còn được hỗ trợ bò sinh sản, giúp bà con phát triển chăn nuôi. Đây là bước tạo đà giúp bà con thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no”.

Theo ông Yũng-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ra: Sau khi được hỗ trợ bò, các hộ dân đã chủ động làm chuồng, thường xuyên cắt cỏ, chăn dắt để vật làm quen với môi trường mới. “Để phát huy nguồn lực của Nhà nước giúp bà con thoát nghèo, UBND xã thường xuyên nhắc nhở nhân viên thú y và trưởng thôn cùng hệ thống chính trị của làng hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi bò, đặc biệt là cách phòng-chống các loại dịch bệnh”-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Ra chia sẻ.

Động lực vươn lên thoát nghèo bền vững

Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3, UBND huyện Mang Yang đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, phân công Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực; Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn đôn đốc triển khai; còn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện là chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Kiểm tra bò hỗ trợ tại làng Đê Kôn. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Tiểu dự án 1 năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 581 triệu đồng (trong đó, Trung ương hỗ trợ 528 triệu đồng, ngân sách huyện 53 triệu đồng) và người dân tham gia đóng góp hơn 29 triệu đồng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành xây dựng 6 mô hình phát triển chăn nuôi gồm: 3 mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại 2 xã Hà Ra, Đak Trôi; 2 mô hình nuôi ngan tại xã Lơ Pang, Đak Jơ Ta và 1 mô hình chăn nuôi dê tại xã Lơ Pang. Hiện nay, sau khi cấp 10 con bò sinh sản cho các hộ nghèo ở làng Đê Kôn, Trung tâm tiếp tục cấp bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng từ chương trình.

Năm 2023, huyện Mang Yang được phân bổ hơn 1,4 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án 1. Trong đó, vốn Trung ương hơn 1,3 tỷ đồng, ngân sách huyện 133 triệu đồng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tiến hành rà soát nhu cầu của người dân các xã đăng ký thực hiện các dự án. Qua đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện lựa chọn 3 làng gồm: Git (xã Kon Chiêng), Đôn Hyang và Ar Trớ (xã Đê Ar) chăn nuôi bò với quy mô 66 hộ/62 con bò sinh sản (trong đó có 4 hộ khá tham gia để hỗ trợ các hộ nghèo). Hiện UBND 2 xã Kon Chiêng và Đê Ar đang tiến hành chọn hộ, thành lập tổ nhóm dự án cộng đồng trình tổ thẩm định của UBND huyện xem xét phê duyệt.

Theo ông Trương Quang Viện-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: Để Tiểu dự án 1-Dự án 3 phát huy hiệu quả, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục bám sát văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; đồng thời, tổ chức họp làng và xây dựng dự án theo nhóm cộng đồng trình UBND huyện phê duyệt. Bên cạnh đó, thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật của Trung tâm phối hợp với cán bộ thú y các xã nhắc nhở, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi thật tốt, cố gắng triển khai chương trình mang lại hiệu quả cao giúp người dân được thụ hưởng thoát nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm