Phóng sự - Ký sự

Manh áo bạc vì dịch: Quay cuồng trước 'bão'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người trẻ đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid-19. Với họ, Covid-19 là cú sốc không những ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp mà còn cả với tinh thần.
Nhiều lao động trẻ đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: SONG MAI
Nhiều lao động trẻ đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: SONG MAI
Chao đảo khoảng thời gian “chết”
Phạm Khải Ái (20 tuổi, quê Bạc Liêu) làm công nhân tại khu chế xuất Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Trong trí nhớ của cô gái trẻ, chẳng mấy lần cô ghé vào trung tâm thành phố chơi, hay lo nghĩ việc làm đẹp. Toàn thời gian, cô lo làm việc và chờ lương tháng tới để gửi về phụ giúp gia đình. Tự mình khăn gói lên TP.HCM tìm việc đến nay được 2 năm, Ái lại mất 1 năm chao đảo ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bị ngừng việc liên tục trong mấy tháng, Ái xin phụ việc ở quán cà phê gần khu trọ. Hiện nay, Ái đã đi làm lại nhưng công ty nơi Ái làm việc vẫn chưa tăng ca để có thêm thu nhập.
Khu nhà trọ Ái sống có 24 phòng trọ, toàn lao động tuổi sàn sàn như Ái thuê. Từ đợt bùng dịch, họ trả gần phân nửa số phòng để về quê. Hỏi Ái sao không về quê “tạm lánh”, Ái lắc đầu, bảo về cũng không được gì vì không có nghề nghiệp. Ba mẹ Ái làm nông, mấy vụ gần đây toàn thất bát. Ái kể: “Ba mẹ em dưới quê cũng điện thoại than thở, em thấy thương ba mẹ, nhưng năm nay em không có dư, không gửi được nhiều”.
Nhiều lao động trẻ mới tốt nghiệp, làm việc được một thời gian đã bị ngưng trệ. Nguyễn Hữu Nhân (23 tuổi, ngụ H.Cần Giờ, TP.HCM) là một nhân viên văn phòng. Công việc giúp Nhân tự lo được sinh hoạt hằng tháng. “Nhưng từ đầu năm nay, mình bị giảm giờ làm, thời gian trống không đủ để mình đi tìm công việc mới nên nó thành khoảng thời gian chết”, Nhân nói và cho biết thêm: “Từ đầu dịch đến nay, mình phải nhờ gia đình gửi thêm tiền, đồ ăn lên”. Covid-19 làm Nhân mang trong mình nỗi sợ hãi lớn hơn về tương lai, liệu tình trạng thất nghiệp tạm thời tái diễn hay sẽ còn phụ thuộc vào ba mẹ đến bao lâu...
Dương Đức Duy hiện phải làm trái ngành do mất việc trong mùa dịch. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Dương Đức Duy hiện phải làm trái ngành do mất việc trong mùa dịch. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Cạnh đó, nhiều sinh viên sau tốt nghiệp làm ở ngành du lịch, khách sạn đều trải qua một giai đoạn khốn khó vì mất việc. Dương Đức Duy (23 tuổi, quê An Giang) làm việc trong ngành du lịch chưa được 1 năm đã bị mất việc trong giai đoạn giãn cách xã hội. Duy cho biết: “Trong khoảng thời gian khó khăn đó, tôi tiêu hết số tiền mình tiết kiệm, không còn cách nào khác...”. Duy lao đao tìm việc mới, bảo dịch Covid-19 đã làm vỡ tan nhiều hoài bão mới chớm của cậu về sự nghiệp, làm giàu. Trong nhiều lần, Duy đối mặt với khủng hoảng tâm lý nặng nề vì ngưng trệ công việc hoặc làm việc không đúng sở thích. “Doanh nghiệp như vừa trải qua một căn bệnh vậy, giờ họ mới chỉ hồi phục nên chưa tuyển nhiều người. Ngành du lịch còn bị ảnh hưởng, giờ tôi làm một công việc trái ngành, trái sở thích, nhưng điều quan trọng là nó giúp tôi tạm sống qua thời gian nhiều khó khăn này”, Duy tâm sự.
Gián đoạn việc học tập
Dịch Covid-19 còn làm nhiều sinh viên tại TP.HCM dang dở việc tốt nghiệp, thực tập hay đi du học. Một nữ sinh viên ngành truyền thông tại Trường đại học Khoa học xã hội - nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết vì dịch, cô đã phải ngưng trệ việc học. Thậm chí, năm nay cô phải dời lịch thực tập từ tháng 6 sang tháng 10. Cô đã hoàn thành chương trình học ở trường nhờ học online, nhưng chưa thể tốt nghiệp vì chờ hoàn thành việc thực tập. Đa phần thời gian rảnh rỗi, cô về gia đình ở chừng 2 - 3 tuần hoặc cộng tác với một số trang thông tin để trang trải.
Phạm Khải Ái (trái) ngồi trò chuyện cùng những bạn trọ xung quanh. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Phạm Khải Ái (trái) ngồi trò chuyện cùng những bạn trọ xung quanh. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Với nhiều người sắp sửa đi du học, họ phải bỏ trống thời gian vì các trường ở nước ngoài hoãn lịch nhập học. N.H.M.L (25 tuổi) đã có được học bổng toàn phần học tiến sĩ ngành công nghệ sinh học tại Úc sau một thời gian dài nỗ lực. L. đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ hồi tháng 3 năm nay. Cô dự kiến sang Úc vào tháng 6 để nhập học, nhưng ai ngờ tình hình dịch ngày càng phức tạp, trường bên Úc dời lịch học đến cuối năm 2020. Gần đây, họ dời tiếp lịch học đến tháng 3.2021.
L. cho biết việc học của cô bị dời liên tục gần một năm, khoảng thời gian ấy khiến L. không thể tìm việc ổn định. Thậm chí, giờ cô vẫn không biết trong thời gian tới liệu trường có dời lịch nữa hay không.
L. cũng kể, nhiều bạn bè của cô sắp sửa du học cũng phải chịu cảnh tương tự. Một số trường ở Mỹ đã cho du học sinh đi học hồi tháng 9. Một số trường khác tại châu Âu đề xuất giảng dạy online, nhưng vì người đi du học không chỉ để tiếp thu kiến thức mà còn muốn trải nghiệm đời sống, công việc tại các nước, nên họ đồng ý đợi tới khi tình hình dịch lắng xuống hẳn. L. nói: “Tính chất ngành đặc thù của mình phải làm việc trong phòng thí nghiệm, không thể học trực tuyến nên mình đành chịu khoảng thời gian này ở nhà”. (còn tiếp)
ILO cảnh báo lao động trẻ có thể thành “thế hệ bị phong tỏa”
Trả lời Thanh Niên, bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho biết lao động trẻ dễ bị tổn thương khi kinh tế suy thoái, họ thường là “đối tượng cuối cùng được tuyển dụng và là đối tượng đầu tiên bị sa thải”. Họ thường làm các công việc có tính ổn định và tiền lương thấp hơn so với người trưởng thành. Hàng trăm triệu lao động trẻ (15 - 24 tuổi) là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do chưa có thâm niên trong công việc hoặc làm việc trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một nghiên cứu gần đây của ILO chỉ ra trong số thanh niên trên thế giới, hơn 70% những người đang học hay vừa học vừa làm từ khi dịch bùng phát phải chịu tình trạng trường học đóng cửa; khoảng 17% từng có việc làm (phần lớn trong độ tuổi từ 18 - 24, làm thư ký, dịch vụ, bán hàng...) trước đại dịch nay đã phải ngừng việc.
Theo bà Valentina Barcucci, tác động tiêu cực của dịch với thanh niên trên 3 phương diện: gián đoạn việc làm; gián đoạn việc học tập; khó khăn trong quá trình chuyển tiếp từ trường học đến việc làm.
Ở Việt Nam, tỷ lệ tham gia thị trường lao động của người trưởng thành giảm mạnh trong quý 2 và bắt đầu phục hồi trong quý 3 năm nay, nhưng với lao động trẻ thì không. Do tỷ lệ NEET (tình trạng lao động trẻ không có việc làm nhưng cũng không tham gia đào tạo) duy trì ở mức tiền khủng hoảng, phần lớn người trẻ được đào tạo đã rời khỏi lực lượng lao động trong quý 2.
ILO kêu gọi những chính sách cấp bách, quy mô lớn và chú trọng vào vấn đề việc làm kết hợp với các chính sách hỗ trợ về kinh tế, nhằm ngăn chặn tình trạng thanh niên thời kỳ này trở thành một “thế hệ bị phong tỏa”. Chính phủ cần đưa ra các biện pháp toàn diện như hỗ trợ học hành, học nghề và phát triển kỹ năng; trợ cấp tiền lương cho thanh niên, khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh; kêu gọi thanh niên tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và đối thoại xã hội...
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm