Một đội ngũ các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích những thiên thạch cổ xưa, nhằm tìm ra câu trả lời về diện mạo của hệ mặt trời trong giai đoạn sơ khai, cũng như nguồn gốc của sự sống.
(Trái) Mô phỏng một tiểu hành tinh của hệ mặt trời, và hình ảnh chụp trên kính hiển vi khi phân tích thiên thạch Hồ Tagish. Ảnh: REUTERS / NASA/PNAS |
Nhóm chuyên gia quốc tế do Viện Bảo tàng Hoàng gia Ontario (ROM) dẫn đầu đã công bố phát hiện mới trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.
Họ đã tiến hành phân tích từng nguyên tử trên thiên thạch Hồ Tagish, lao xuống vùng hồ ở tây bắc tỉnh bang British Columbia (Canada) vào đầu năm 2000.
Nhờ vào công cụ kính hiển vi đầu dò nguyên tử 3 chiều (APT), đội ngũ nghiên cứu phát hiện các chất kết tủa nước còn sót lại bên trong các hạt khoáng sắt của thiên thạch.
“Trước đó, chúng tôi biết được nước có mặt dồi dào vào thời điểm hệ mặt trời còn non trẻ”, trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Lee White giải thích.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn thiếu chứng cứ trực tiếp về tính chất hóa học hoặc tính a xít của những dạng chất lỏng này, vốn được cho là đóng vai trò then chốt cho sự hình thành và tiến hóa của các axít amino, trước khi dẫn đến sự sống ở dạng vi khuẩn.
Thiên thạch Hồ Tagish đã bị phân rã phần lớn trong quá trình tiến nhập khí quyển Trái đất, nhưng các chuyên gia vẫn tìm cách thu thập được khoảng 10 kg số thiên thạch này.
Cuộc nghiên cứu cho thấy dung dịch có trong thiên thạch giàu muối và kiềm, có nghĩa là đạt gần đến điều kiện cho phép axít amio tổng hợp được.
Dựa trên kết quả thu được, nhóm chuyên gia kết luận các axít amino nhiều khả năng đã hình thành trên thiên thạch Hồ Tagish, cho phép hình thành những hạt giống của sự sống dưới dạng vi khuẩn cách đây khoảng 4,5 tỉ năm.
Theo Hạo Nhiên (Thanh Niên)