Tôi không mơ mình sẽ có dịp đến Iceland, Na Uy để săn cực quang hay thực hiện một tour du lịch ở sa mạc Atacama (Chile), núi Mauna Kea (Hawaii) hoặc Vườn quốc gia thung lũng Chết (Mỹ) để ngắm các vì sao, dải thiên hà nhưng ngay tại Hà Nội này thôi, tôi cũng có thể khám phá bầu trời đêm và kéo những ngôi sao, tinh vân vào trọn tầm mắt của mình.
Khung cảnh chụp sao Kim vào khoảng 3 giờ sáng ở Hà Nội. |
Để có thể thực hiện được khát vọng đó, tôi đã phải chờ đợi khoảnh khắc đó khá lâu, chính xác là hơn sáu tháng kể từ mùa đông 2021 khi tôi gặp Nguyễn Đức Hải Anh.
Một buổi săn sao
Phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) một ngày đầu tháng 7. Mặc dù lúc này đã hơn 22 giờ nhưng thời tiết vẫn rất oi, khó chịu vì độ ẩm cao. Tuy vậy, thế cũng tốt hơn những hôm thời tiết u ám của mùa đông hay mưa, se se lạnh kéo dài trong thời gian vừa qua và khiến chúng tôi bị lỡ biết bao cuộc hẹn.
Địa điểm Hải Anh đưa tôi đến nằm ngay sau một chung cư cao tầng và như cậu bé nói, em hay tới đây mỗi khi chụp trời đêm. Vì tôi muốn đi cùng nên Hải Anh hẹn sớm hơn bình thường, nếu không thì cậu bé hay bắt đầu vào lúc 0 giờ hay 1 giờ sáng, thậm chí có lúc là 3 giờ sáng. Và Hải Anh cho biết, cậu thích ngồi một mình dưới trời đêm để ngắm sao và không muốn ai quấy rầy nên cậu sẽ không dẫn ai đi cùng, kể cả khi vị trí đó không có đèn chung quanh, ít xe cộ đi lại. Tóm lại là chỗ nào càng vắng vẻ, ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng càng tốt. "Thế cháu không sợ khi ra ngoài một mình à?", tôi hỏi cậu bé đang học lớp 11 chuyên Anh-Nga của Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông (Hà Nội). "Những lần đầu chụp thì cháu cũng hơi sợ nhưng càng chụp nhiều thì cháu không còn thấy sợ nữa và muốn ở một mình hơn", Hải Anh trả lời.
Vừa trò chuyện, Hải Anh vừa bỏ chiếc tripod (chân máy ảnh) xuống, dỡ chiếc ghế xếp ra rồi lôi trong ba-lô chiếc máy tính xách tay đặt lên đó. Xong cậu bé lắp máy ảnh lên tripod và hướng ống kính lên trời. Tôi biết, thường thì mỗi lần đi chụp như thế này, Hải Anh sẽ không mang theo máy tính bởi chiếc ghế xếp là dành để cậu ngồi trong mấy tiếng đồng hồ liền. Thay vào đó, nhờ có chiếc máy tính, tôi đã hiểu tường tận hơn công đoạn chuẩn bị như thế nào, như việc cậu bé phải vào ứng dụng stellarium để xem hôm nay sẽ chụp cái gì, trời hoặc trăng hôm nay có sáng không, vật muốn chụp có nhỏ quá không, cách tìm vật thể đó trên trời,…
Thật sự thì tôi khá bất ngờ với ứng dụng stellarium mà những người chuyên chụp thiên văn như Hải Anh sử dụng, khi mà cả vũ trụ to lớn thế vẫn có thể được thu gọn và hiện rõ trên màn hình dài 34,7cm, rộng 19,5cm của chiếc máy tính. Và chỉ cần xác định hướng cần chụp hay tìm được một ngôi sao sáng ở gần vật thể muốn chụp qua những lần thử máy, Hải Anh đã xác định đó là ngôi sao gì, chòm sao gì, tinh vân gì… Khi đó, coi như bước khó nhất đã giải quyết xong trước lúc cậu bé bắt đầu chụp ảnh.
Để thí dụ, Hải Anh chỉ về hướng bắc cho tôi xem một ngôi sao sáng nhất khi đó, rồi em kéo chuột trên màn hình về vị trí tương ứng ở ứng dụng stellarium. Ngôi sao có tên gọi Vega (Fidis-Wega) hay tiếng Việt là Chức Nữ hiện ra với đầy đủ các thông số như khoảng cách tới Trái đất, kích thước, khối lượng, độ sáng, nhiệt độ, lớp quang phổ… Hải Anh cho biết, đây là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Cầm (Lyra) và là sao sáng thứ 5 trên bầu trời đêm. Đương nhiên, có sao Chức Nữ thì cũng có sao Ngưu Lang (Altair).
Lan man một chút trong lúc chờ Hải Anh chỉnh ISO, độ mở, thời gian phơi sáng sao cho vừa đủ (để ngôi sao không bị kéo thành vệt dài), tôi lại chăm chú xem cậu bé chụp ảnh, với 45 bức mỗi lần và cứ sau hai lần, cậu bé lại căn chỉnh để vật thể đấy không bị rời khỏi khung hình. Trên màn hình chiếc máy ảnh Canon 80D cũ của cậu bé, ngôi sao Vega mà tôi thấy rõ chỉ là một chấm sáng như đầu chiếc kim và để có được một bức ảnh hoàn chỉnh, Hải Anh phải chụp khoảng 900 bức như vậy. Trong chụp thiên văn gọi đây là ảnh thiên văn tua nhanh thời gian, với chế độ phơi sáng ngắn, để so sánh với ảnh thiên văn trường rộng, với chế độ phơi sáng dài và giúp người chụp khắc họa bầu trời đầy sao hoặc đường ánh sao trên nền phong cảnh.
Theo Hải Anh cho biết, số ảnh cậu bé chụp xong mỗi đêm sẽ được chuyển sang máy tính rồi cậu tiến hành bước stack ảnh, hiểu đơn giản là kỹ thuật kết hợp các tấm ảnh ở những khoảng cách tiêu điểm khác nhau để có được một độ sâu trường ảnh lớn hơn. Sau khi stack xong, cậu bé sẽ chỉnh sửa ảnh trong các ứng dụng photoshop, iris và topaz denoise AI để ra bức ảnh cuối cùng. Tính ra, tất cả công đoạn nêu trên sẽ mất khoảng bảy đến tám tiếng đồng hồ.
Lung linh trời đêm
Cộng đồng đam mê thiên văn học ở Việt Nam không phải là ít, bằng chứng là fanpage Tớ yêu thiên văn học có hơn 163.000 thành viên đăng ký và gần 150.000 người theo dõi, trong khi Hội những người yêu thiên văn học (SAL) có đến 228.000 thành viên. Vì thế, khi ngắm nhìn những bức ảnh chụp trời đêm của Hải Anh, cũng như nhiều bức ảnh khác trên hai trang Tớ yêu thiên văn học và Hội những người yêu thiên văn học (SAL) mà cậu bé cho xem, tôi thấy đấy không còn là những bức ảnh nữa mà là những bức tranh tuyệt đẹp mô tả mọi trạng thái, mọi sắc màu của bầu trời, ngôi sao, thiên hà, các tinh vân. Tất cả như trả lời cho tôi câu hỏi rằng, bầu trời ban đêm có gì huyền bí vậy và ẩn giấu đằng sau vẻ đẹp không gì sánh bằng mà tôi từng ít nhiều thấy ở những bức ảnh chụp bầu trời đầy sao phủ kín các dãy núi hay dải ngân hà rực sáng trên bầu trời là gì.
Nhờ khoa học-công nghệ phát triển, những bí ẩn của vũ trụ bao la dần dần được hé lộ, thật dễ hiểu khi các nhiếp ảnh gia dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư như Hải Anh đều nhanh chóng bị cuốn hút bởi thể loại nhiếp ảnh thiên văn, vừa thỏa mãn đam mê cá nhân, vừa trợ giúp cho khoa học. Và đúng là giống như vẻ huyền bí của bầu trời ban đêm, khả năng sáng tạo trong nhiếp ảnh thiên văn luôn mang đến những bất ngờ và mang lại cho người xem nhiều bức ảnh đầy kinh ngạc mà mắt thường không thể nhìn thấy.
Hải Anh cho biết cậu bắt đầu chụp ảnh thiên văn từ đầu năm lớp 8, lúc đó chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh bình thường. Đến khoảng cuối năm lớp 8, cậu bé xin bố mẹ mua cho máy ảnh và ống kính sau khi được điểm cao trong cuộc thi IELTS và được bố mẹ đồng ý. Tuy vậy thì niềm đam mê với thiên văn học đã được Hải Anh nuôi dưỡng từ khá lâu. Hồi nhỏ, mỗi lần cậu bé về quê ở Hải Dương, cậu thường ngồi ngoài sân ngắm sao. Đến khi học THCS, cậu đã bị mê hoặc bởi những bức ảnh mà kính thiên văn Hubble và những người nghiệp dư chụp. Lúc đó, cậu bé cũng muốn tự mình chụp một bức ảnh như vậy và quyết tâm tìm hiểu các kiến thức về thiên văn học, nhiếp ảnh...
Điều ngạc nhiên là như Hải Anh chia sẻ, nhiếp ảnh thiên văn lại không đòi hỏi quá nhiều kiến thức về thiên văn học và chụp ảnh. Về chụp ảnh thì chỉ cần có kiến thức cơ bản như khẩu độ, ISO, phơi sáng. Về thiên văn học thì chỉ cần kiến thức về các chòm sao, vị trí của nó trên bầu trời, và những điều này lại có các ứng dụng như star walk 2, stellarium hỗ trợ. Thế nhưng, nếu muốn đi sâu, chuyên nghiệp hơn trong việc chụp ảnh thiên văn thì người chụp cần đầu tư thiết bị từ thân máy ảnh, ống kính đến tracker (thiết bị bám nhật động) và điều này là không hề dễ dàng khi giá thành còn rất cao so với thu nhập của người Việt Nam. Do vậy, Hải Anh chỉ đang chụp untracked (có nghĩa là không có tracker), cộng với một tripod chắc chắn, một thân máy ảnh (Canon 80D) và ống kính (70-200mm F4L). Nếu tiết kiệm đủ tiền, cậu bé sẽ mua một cái tracker để cho việc chụp ảnh dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, như Hải Anh tâm sự, kỹ năng quan trọng vẫn là phần xử lý hậu kỳ bởi nếu không biết cách chỉnh sửa thì ảnh sẽ rất xấu, dù người chụp có sử dụng một số ứng dụng như deepskystacker, sequator, photoshop, lightroom,… hỗ trợ.
Ngược lại, nhiều khoảnh khắc kỳ diệu của trời đêm có thể xuất hiện nếu người chụp biết cách điều chỉnh độ tương phản, tông mầu…
Sau cùng thì theo đuổi niềm đam mê nào cũng tốn kém về thời gian và tiền bạc cả. Với chàng trai đang học lớp 11 này, mỗi ngày lên kế hoạch chụp trời đêm là mỗi ngày cậu bé phải thay đổi giờ sinh hoạt của mình. Dễ thấy nhất là buổi sáng đi học, cậu bé đôi lúc sẽ mệt mỏi và đôi khi việc chụp ảnh thiên văn sẽ lấy đi khá nhiều thời gian học của em. Nhưng khi chụp ảnh thiên văn đã trở thành niềm đam mê của cậu bé suốt bốn năm qua và cũng được gia đình ủng hộ, thật không dễ để em từ bỏ tất cả. Hải Anh vẫn mơ ước một ngày nào đó có thể chụp được những bức ảnh trời đêm thật đẹp và giúp em giành giải tại những cuộc thi nhiếp ảnh thiên văn hay chỉ trong tháng 7 này thôi, cậu bé đã đề nghị bố đưa tới Hòa Bình để săn sao trong thời gian các anh chị thi tốt nghiệp THPT.
Hiện nay, những chuyến đi chụp ảnh thiên văn như vậy vẫn chưa có nhiều trong chương trình của các hãng lữ hành du lịch Việt Nam, trong khi chúng ta có rất nhiều địa điểm lý tưởng không chỉ để chụp ảnh thiên văn mà còn để ngắm nhìn trời sao như tại Y Tý, Lảo Thẩn, Fansipan (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Bình Thuận, Phú Yên hay Đà Lạt (Lâm Đồng). Vì thế, sau khi đã tận mắt ngắm nhìn những khung cảnh đầy màu sắc như vậy trong một lần hiếm hoi của trời đêm Hà Nội, tôi hy vọng nếu một ngày nào đó có thể rời xa thành phố đầy khói bụi, ánh đèn đô thị, tôi sẽ có dịp được ngả lưng ngắm trăng, đếm sao trên nền trời Lũng Cú, đỉnh đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang), ở mũi Kê Gà (Bình Thuận), mũi Điện (Phú Yên) hay thị trấn Măng Đen (Kon Tum)… trong những chuyến khám phá, tìm hiểu về thiên văn học.
Theo MẠNH HÀO (NDĐT)