Phóng sự - Ký sự

“Máu” vẫn chảy trên những cánh rừng nguyên sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau một thời gian tình trạng chặt phá rừng ở các tỉnh miền Trung Trung bộ tạm lắng do lực lượng chức năng “mạnh tay” thì đầu năm 2023 đến nay, tình trạng chặt phá rừng phòng hộ trên những cánh rừng nguyên sinh lại tái diễn. Trước nhu cầu “săn” gỗ quý của nhiều đại gia, “lâm tặc” đã bất chấp pháp luật, ngày càng có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi trong việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu; trong khi đó lực lượng quản lý, tuần tra, bảo vệ rừng ở một số địa bàn còn buông lỏng nên nguy cơ những “chảy máu” rừng sẽ còn diễn biến phức tạp.


Rừng ở miền Trung lại “chảy máu”

Theo phản ánh của một số người dân đi khai thác mật ong, những ngày cuối tháng 3/2023, tại những cánh rừng đầu nguồn ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên-Huế), nhiều cây cổ thụ thuộc rừng tự nhiên bị cưa hạ la liệt. Trong đó, có nhiều gốc cây phải 2 người ôm mới xuể. Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông xác nhận có sự việc này và khu vực rừng bị cưa hạ thuộc địa bàn xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, đoàn kiểm tra tiến hành rà soát vị trí tọa độ, đồng thời kiểm tra trên diện rộng rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông và rừng thuộc cộng đồng và UBND xã Thượng Quảng quản lý. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng huyện Nam Đông phát hiện có 19 cây gỗ bị cưa hạ, trong đó số cây gỗ mới bị cưa hạ, còn nhiều dấu vết là 12 cây, gồm các chủng loại gỗ: Đào, trám, chò. Ngoài ra, có 7 gốc cây cũ được xác định chặt hạ cuối năm 2022.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ khai thác rừng trái phép tại xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam).

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ khai thác rừng trái phép tại xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam).

Theo ông Hoàng Văn Chúc, trong số 12 cây gỗ mới bị chặt hạ, có 5 gốc cây có đường kính gốc dưới 40 cm và 7 gốc cây có đường kính gốc từ 40-60 cm. Số cây gỗ này nằm rải rác ở các tiểu khu 394, 395 và 397 thuộc chức năng rừng phòng hộ và chức năng rừng sản xuất do phạm vi quản lý của các chủ rừng gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông; Cộng đồng thôn 2; nhóm 1, thôn 4 xã Thượng Quảng và diện tích rừng do UBND xã Thượng Quảng quản lý. Hầu hết số gỗ sau khi cưa xẻ đã được các đối tượng đưa ra khỏi rừng.

Qua điều tra bước đầu, cơ quan chức năng xác minh có 1 đối tượng chủ mưu ở tại xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông. Hiện, Công an huyện Nam Đông đang tiếp tục điều tra làm rõ. Tương tự, tại tỉnh Quảng Trị, trong 2 ngày ngày 20/2 và 30/3, Trạm kiểm lâm huyện Đakrông phát hiện, bắt giữ 16 hộp gỗ các loại với khối lượng hơn 3,7 m3. Sau khi phát hiện các vụ vi phạm, Hạt kiểm lâm huyện Đakrông đã chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra, xác minh nguồn gốc của số gỗ đang tạm giữ nói trên để có căn cứ xử lý vi phạm theo quy định. Qua kiểm tra tại các tiểu khu 727, 728, 738 và phát hiện có 20 cây rừng tự nhiên đã bị chặt hạ, cưa xẻ lấy gỗ nằm rải rác. Qua kiểm tra chủng loại gỗ và kích thước các vị trí gốc chặt, đối chiếu với số gỗ tạm giữ tại Trạm kiểm lâm Đakrông đều trùng khớp về chủng loại và quy cách gỗ.

Ông Trần Hiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, các cây rừng bị chặt hạ rải rác ở các vị trí cách xa nhau, đồng thời do lực lượng của kiểm lâm mỏng, trong khi địa bàn rộng dẫn đến việc không thể ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm. Hiện, Chi cục Kiểm lâm giao cho Hạt kiểm lâm Đakrông phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng vi phạm. Tại tỉnh Bình Định, những ngày giữa tháng 3/2023, hàng loạt cây rừng tự nhiên trong khu rừng phòng hộ ở xã Canh Liên (huyện Vân Canh) cũng bị khai thác không thương tiếc. Kết quả giám định của cơ quan chức năng cho thấy, có 15 cây gỗ rừng bị khai thác trái phép nhưng không thể xác định cụ thể thời gian khai thác.

Căn cứ vào hiện trường gốc chặt, cành nhánh, gỗ bìa đã cưa xẻ ngoài hiện trường, cơ quan chức năng cho rằng có 13 cây bị khai thác trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2/2023, vết chặt và gỗ bìa cưa xẻ tại chỗ còn khá mới; còn lại 2 cây đã bị khai thác từ lâu, gốc chặt đã tái sinh chồi. Nơi cây gỗ bị khai thác là rừng phòng hộ, phân theo nguồn gốc là rừng tự nhiên. Tổng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép ước tính hơn 11 m3.

Phóng viên Báo CAND bên cây cổ thụ 2 người ôm bị triệt hạ ở rừng phòng hộ đầu nguồn xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Phóng viên Báo CAND bên cây cổ thụ 2 người ôm bị triệt hạ ở rừng phòng hộ đầu nguồn xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho rằng, vụ khai thác trái pháp luật rừng phòng hộ với khối lượng thiệt hại hơn 11 m3 gỗ này đã vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội phạm. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Vân Canh đưa vụ việc trên vào tin báo tội phạm, thực hiện các trình tự, thủ tục tổ chức điều tra, xác minh và xử lý vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an huyện, Viện KSND huyện tổ chức điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm khai thác rừng, củng cố hồ sơ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại tỉnh Quảng Nam, sau thời gian tạm lắng, đầu năm 2023, khu vực rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Tư (huyện Đông Giang) tiếp tục tái diễn tình trạng khai thác gỗ trái phép. Điều đáng nói, tại khu vực này có 1 trạm và 2 chốt quản lý bảo vệ rừng nhưng “lâm tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động. Từ nguồn tin báo của người dân, giữa tháng 2/2023, phóng viên Báo CAND có chuyến thâm nhập vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn xã Tư (huyện Đông Giang). Tại khu vực thượng nguồn sông Vàng, nhiều dấu vết trâu kéo gỗ ra khỏi rừng đưa đi tiêu thụ vẫn còn mới. Tiếp tục di chuyển vào bên trong những cánh rừng nguyên sinh, lối mòn kéo gỗ dần hiện rõ hơn. Dấu vết trâu kéo cày nát cả khu rừng. Tại đây, phóng viên phát hiện những gốc cây lớn bị cưa ngang, nhựa cây vẫn tươm đỏ như máu. Qua quan sát cho thấy, gốc cây này mới bị đốn cách đó tầm vài ngày. Cạnh đó, nhiều cây có đường kính lớn 2 người ôm cũng bị lâm tặc đốn. Gỗ đã bị các đối tượng cắt xẻ đưa ra khỏi rừng. Ngoài ra, một số khúc gỗ do thân bị rỗng ruột, giá trị không cao nên còn lại nằm ngổn ngang giữa rừng.

Qua quan sát dấu vết để lại cho thấy, gỗ được trâu kéo tập kết ra khỏi rừng sẽ được các đối tượng đưa lên xe vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Và, muốn về xuôi thì gỗ được vận chuyển chạy ngang qua con đường độc đạo, nơi đó có Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang. Đem câu chuyện rừng bị xâm hại xảy ra tại thượng nguồn xã Tư trao đổi với ông Vũ Phúc Thịnh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang, ông Thịnh cho hay, để gọi điện hỏi cán bộ trạm quản lý rừng địa bàn xã Tư chứ ông chưa nắm được. Khi ông Thịnh gọi điện cho cán bộ phụ trách địa bàn xã Tư, người này cho biết đã phát hiện và lập biên bản 2 vụ phá rừng ở địa điểm mà phóng viên miêu tả. Điều đáng nói, 2 biên bản trên do ông Huỳnh Tám - Trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 làm trưởng đoàn lập đều không ghi ngày, giờ cụ thể. Thực tế này đặt ra nhiều dấu hỏi trong việc quản lý, điều hành của lực lượng giữ rừng.

Quản lý, bảo vệ rừng còn lỏng lẻo

Ngoài vụ chặt phá rừng tự nhiên tại xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) nói trên, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, tại địa bàn xã này cũng xảy ra 4 vụ phá rừng và có 2 vụ đang luỗng phát đã được ngăn chặn kịp thời. Thực trạng này khiến dư luận hoài nghi về sự quản lý lỏng lẻo của những người làm công tác bảo vệ rừng. Hiện, các vụ việc này vẫn đang được Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông phối hợp với công an điều tra xử lý.

Thượng Quảng được xem là địa bàn xã “nóng” nhất của huyện Nam Đông về tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng trái phép trong thời gian qua. Trong năm 2022, Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông phối hợp với lực lượng chức năng, bắt giữ 12 vụ khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản, thu giữ khối lượng lớn gỗ các loại. Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông thừa nhận rằng, thời gian qua, cộng đồng, nhóm hộ được giao rừng tại xã Thượng Quảng chưa thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng, vẫn còn để xảy ra khai thác gỗ và chặt phá rừng trái phép. Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông tổ chức truy quét thường xuyên nhưng chưa xác định được các vùng trọng điểm xảy ra khai thác gỗ trái phép nên chưa kịp thời phát hiện và ngăn chặn khai thác gỗ trái phép trong lâm phận quản lý.

Liên quan đến vụ phá rừng này, ngày 15/4, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông đã xử lý kỷ luật cảnh cáo ông Lê Hoàng Hởi, Trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Long Quảng. Bên cạnh đó, 4 cán bộ, nhân viên của trạm này cũng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Hiện, Công an huyện Nam Đông đang làm việc với đối tượng nghi vấn phá rừng để xử lý theo quy định pháp luật.

Cây tự nhiên bị cưa hạ tại rừng phòng hộ xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Cây tự nhiên bị cưa hạ tại rừng phòng hộ xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tương tự, giữa tháng 2/2023, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án “Hủy hoại rừng” xảy ra tại tiểu khu 699 và 708 ở xã Đakrông (huyện Đakrông, Quảng Trị) và hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Đakrông đang tiếp tục điều tra, xác minh các đối tượng chủ mưu việc phá rừng. Trước đó, vào tháng 4/2022, Hạt kiểm lâm huyện Đakrông phát hiện 18 vị trí xảy ra tình trạng chặt hạ cây rừng ở tiểu khu 699, 708. Tổng diện tích rừng tự nhiên bị phát luỗng xâm hại hơn 18,6 ha thuộc diện tích rừng tự nhiên phục hồi... Ngoài việc khởi tố vụ án để điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã kỷ luật các cán bộ, lãnh đạo buông lỏng quản lý. Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Trần Đình Thuận, Trưởng Trạm kiểm lâm khu vực Đakrông; ông Trần Đại Đức, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đakrông, người trực tiếp phụ trách Trạm kiểm lâm khu vực Đakrông bị hạ 1 bậc đánh giá xếp loại. Ngoài ra, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Đakrông xác định, quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Hồ Thanh, Chủ tịch UBND xã Đakrông và ông Trần Đình Thuận, Trưởng Trạm kiểm lâm khu vực Đakrông có trách nhiệm liên đới nên đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách...

Liên quan đến vụ phá rừng này, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 người dân là đồng bào thiểu số đều trú xã Đakrông số tiền hơn 620 triệu đồng và buộc các cá nhân trồng lại hơn 15.000 m2 diện tích rừng đã phá. Trở lại vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại khoảnh 5, tiểu khu 65, thôn Ga Dong (xã Tư, huyện Đông Giang) được phát hiện giữa tháng 2/2023, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu UBND huyện Đông Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác lập hồ sơ, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm vụ, đồng thời, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan lơ là, thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng hoặc có hành vi tiếp tay cho đối tượng vi phạm để xảy ra sai phạm, không báo cáo kịp thời cho cấp thẩm quyền để xử lý.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Đông Giang phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng của huyện Đông Giang trong quá trình điều tra, xử lý nghiêm vụ vi phạm về khai thác rừng nói trên theo quy định pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án khai thác rừng trái phép còn tồn đọng trên địa bàn...

Có thể bạn quan tâm