"Mê hồn trận" trái cây Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giống như nhiều loại hàng hóa khác, trái cây Trung Quốc vẫn đang hoành hành và chiếm lĩnh một phần không hề nhỏ tại thị trường Việt Nam. Nhiều lời cảnh báo về các nguy cơ xấu có thể xảy ra khi sử dụng các loại trái cây này. Người tiêu dùng cũng không khó để phân biệt loại trái cây “made in China”.
 

Các loại trái cây Trung Quốc chủ yếu. Ảnh: Lê Hòa
Các loại trái cây Trung Quốc. Ảnh: Lê Hòa

“Điểm mặt” trái cây Trung Quốc

Nhờ có “mối” quen và khá thân thiết với một vài chủ hàng kinh doanh buôn bán trái cây tại khu vực chuyên bán trái cây trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku, Gia Lai), PV  được tiết lộ những “bí mật” trong nghề kinh doanh trái cây, hoa quả - đặc biệt là loại hoa quả có nguồn gốc, xuất xứ từ nước láng giềng Trung Quốc.

“Trái cây Trung Quốc thường chiếm tỷ lệ 40-50% trong tổng số hàng hóa được bày bán tại các sạp trái cây hiện nay”, đó là con số được nhiều chủ hàng trái cây thừa nhận. So về hình thức bên ngoài, trái cây Trung Quốc có hình thức, mẫu mã đẹp hơn trái cây Việt Nam: To, đều, vỏ nhẵn mịn, màu sắc đẹp, tươi… Tuy nhiên, rất nhiều người đặt câu hỏi và hiện chưa được trả lời thỏa đáng rằng, cụ thể vì những lý do nào, trái cây Trung Quốc có được “nước sơn” đẹp đến như vậy? Đằng sau vẻ “đẹp mã” ấy thì bên trong liệu chúng có gây hại? Và nếu có thì gây hại những gì cho người tiêu dùng Việt Nam?
 

Cam Mỹ, thực chất là cam Trung Quốc. Ảnh: Lê Hòa
"Cam Mỹ", thực chất là cam Trung Quốc. Ảnh: Lê Hòa

Có thể điểm đến những loại trái cây phổ biến nhất có xuất xứ từ Trung Quốc hiện đang được bày bán tại các sạp, chợ trái cây: Lựu, lê, táo (bom) trong đó có cả táo Mỹ, nho Mỹ, me ngọt, cam Mỹ, cam vàng, quýt vàng, hồng giòn, quýt Thái. Ngoài ra, còn có một vài loại trái cây “giả” thương hiệu Việt như cam Vinh nhưng thực chất là cam Trung Quốc, có màu vàng nhạt và vỏ mỏng hơn, các nốt dầu ở vỏ nhỏ hơn một chút so với loại cam Trung Quốc được gọi là cam... Mỹ.

Nhờ gắn “mác” hàng Mỹ hay Thái mà trái cây Trung Quốc có thể đội giá lên gấp đôi so với hàng Trung Quốc thường hoặc trái cây tương tự của Việt Nam: Cam Mỹ 50 ngàn đồng/kg, cam Việt Nam dao động 25-30 ngàn đồng/kg; táo Mỹ 70 ngàn đồng/kg, táo Trung Quốc thường 35 ngàn đồng/kg; nho Mỹ 100 ngàn/kg, nho xanh Việt Nam 50 ngàn đồng/kg, cam Trung Quốc “đội lốt” cam Vinh giá 25 ngàn đồng/kg… Theo lý giải của các chủ hàng, sở dĩ có mức giá khác nhau và chênh lệch lớn đến như vậy trong “nội bộ” cùng một loại trái cây là do phụ thuộc vào việc hàng đã hay chưa được kiểm định chất lượng.

“Yểm bùa” giữ trái cây tươi lâu

Một chủ hàng thừa nhận, buôn bán trái cây Trung Quốc lãi cao và ít bị hư hỏng trong thời gian trữ bán: Trái cây Sài Gòn thường chỉ bán trong tuần đổ lại, trái cây Trung Quốc để cả tháng vẫn không sao, bán vô tư, không lo ế ẩm, thối hỏng…

Chị Phước, chủ một sạp trái cây ở đây chỉ cho chúng tôi xem những thứ “lạ” được bỏ trong thùng đựng trái cây. Đối với quýt Thái, trong mỗi thùng xốp đựng trái cây được xếp lót dưới đáy một chai nước loại 1,5 lít. Bên trong chai có chứa nước màu trắng như nước lọc. Điểm lạ là chai nước lúc nào cũng lạnh ngắt như được bỏ trong tủ lạnh, chai nước chỉ hết lạnh sau khi bỏ ra ngoài môi trường vài tiếng. Chỉ cần có chai nước “thần” này, quýt Thái sẽ tươi rất lâu. Không tính quãng thời gian vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, thì quýt Thái có thể trữ được cả tuần bên ngoài vẫn không thối hỏng.
 

Chỉ cần bỏ vào thúng xốp chai nước này, quýt Thái của Trung Quốc có thể tươi hàng tuần liền. Ảnh: Lê Hòa
Chỉ cần bỏ vào thùng xốp chai nước này, quýt Thái của Trung Quốc có thể tươi hàng tuần liền. Ảnh: Lê Hòa

Ngoài ra, trong thùng xếp nho Mỹ và hồng giòn cũng thường có một gói hạt tương tự gói hút ẩm, bên trong có chứa những hạt tròn, nhỏ. Khi được hỏi về tác dụng của những thứ “lạ” này trong mỗi thùng trái cây, người bán chẳng ai biết và chỉ lờ mờ phỏng đoán: “Chắc là để giữ tươi lâu”!

Chị Phước cũng cho biết thêm, tuy bán lãi cao song so với trái cây Việt Nam, trái cây Trung Quốc vẫn khó bán hơn. Phần vì người tiêu dùng giờ đều đã rất e dè với hàng hóa Trung Quốc.

Cũng là trái cây như nhau, lại xa hơn về khoảng cách, khác biệt về điều kiện khí hậu nhưng trái cây Trung Quốc lại có “tuổi thọ” kéo dài một cách khó hiểu đến như vậy rõ ràng là điều không hề bình thường. Mới đây, việc phát hiện có chất gây vô sinh và ung thư ở người chứa trong một số loại trái cây như lựu, nho Trung Quốc… đã phần nào minh chứng cho những điều này. Người tiêu dùng nên cẩn trọng, đừng vì “đẹp mã” và chủ quan mua và sử dụng những loại hàng hóa ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn này. Và, theo chúng tôi, ngành chức năng cũng cần quan tâm làm rõ hơn nữa những điều “lạ” này, để người tiêu dùng được có cơ sở, căn cứ để yên tâm lựa chọn.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm