Kinh tế

Nông nghiệp

"Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dân gian hay nói “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Câu ấy có ý khuyến cáo người ta làm việc gì cũng nên tính đến khả năng thực tế của mình để việc làm dù nhỏ nhưng đạt hiệu quả lớn.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản là việc lớn, thậm chí rất lớn và hết sức cần thiết. Nó bảo đảm cho sự sống còn của nông sản Việt khi ra với thế giới. Nhưng việc này phải làm và làm từng bước, chứ không phải… chỉ nói.
Các sản phẩm bán tại phiên chợ nông sản an toàn được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: L.L
Các sản phẩm bán tại phiên chợ nông sản an toàn được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: L.L
Gia Lai là tỉnh miền núi, nông sản đặc trưng tuy khá phong phú nhưng còn phân tán, nhỏ lẻ. Vậy thì “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Từ 2 năm nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức được rất nhiều phiên chợ nông sản sạch, đặt tiêu chí “sạch” lên hàng đầu để nhận diện sản phẩm và lấy mục đích trước mắt là phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh. Từ đó, sản phẩm nông sản địa phương có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Trên cơ sở này, các địa phương trong tỉnh sẽ tiến tới làm thương hiệu, đưa sản phẩm vươn xa hơn.
Đó là cách làm rất hay, vừa thực tế, lại vừa hiệu quả. Những phiên chợ nông sản sạch ở Gia Lai đã giới thiệu hàng trăm mặt hàng nông sản của nhiều địa phương trong tỉnh, có những mặt hàng khá độc đáo, có những mặt hàng mà người ngoài tỉnh cũng đang tìm mua… Có chợ phiên, người bán và người mua thoải mái gặp nhau, trao đổi về chất lượng hàng hóa. Qua hoạt động kinh tế thị trường ấy, sản phẩm sạch sẽ được giới thiệu đến ngày càng nhiều người tiêu dùng. Bắt đầu từ trong tỉnh, từ xã, phường theo tinh thần OCOP (mỗi xã một sản phẩm), đó là nền móng vững chắc để nông sản Gia Lai đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP, vừa bán được hàng, vừa kết hợp quảng bá thương hiệu. Vì nói cho cùng, thương hiệu chỉ hình thành trong nền kinh tế thị trường, thông qua những hoạt động thị trường cụ thể, dù là thị trường trong tỉnh, trong nước hay quốc tế. Khi chưa “đủ lông đủ cánh” để vươn tới thị trường quốc tế thì việc mua bán thông qua các chợ phiên trong tỉnh cũng là bước “thực tập” rất tốt để chuẩn bị cho một ngày sản phẩm nông sản của địa phương vươn ra thế giới. Những hoạt động thị trường theo kiểu mà người ta có thể nghĩ là “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” ấy thực ra lại rất cần thiết cho bất cứ thị trường nội địa nào.
Từ ngày Quảng Nam tổ chức thường xuyên những “chợ phiên sâm Ngọc Linh” thì sản phẩm sâm Ngọc Linh của tỉnh này nổi tiếng trên thị trường sản phẩm cao cấp, đắt tiền. Và người được hưởng lợi đầu tiên chính là những nông dân trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh trên ngọn núi quê hương mình.
Nông sản của Gia Lai không thiếu những sản phẩm “độc và lạ”, những sản phẩm quý hiếm. Tỉnh cần lan tỏa hoạt động chợ phiên nông sản để cả nước được biết. Và người tiêu dùng cả nước thông qua con đường du lịch sẽ đến Gia Lai để tìm mua những sản phẩm mà họ chỉ mới nghe tiếng chứ chưa được sở hữu.
Có chợ phiên nông sản sạch cấp xã, cấp huyện thì cũng phải có chợ phiên cấp tỉnh để sàng lọc những sản phẩm có giá trị thương mại nhất và mang tới “chợ phiên lớn” để giới thiệu cho người tiêu dùng cả nước tìm mua. Như mặt hàng gạo Phú Thiện, nếu làm công tác quảng bá sản phẩm tốt thì hoàn toàn có thể bán rộng rãi ở thị trường trong cả nước, có thể đường hoàng bước vào các siêu thị lớn.
Một huyện miền núi ở tỉnh Quảng Ngãi đã đưa được những sản phẩm nông sản “nhỏ bé” của mình vào siêu thị lớn và bán rất chạy, vì đó là những sản phẩm độc đáo, đặc thù, lại sạch. Đây là một kinh nghiệm tốt cho các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu nông sản. Chỉ cần lãnh đạo địa phương có nhiệt huyết, có sự tận tâm và ra sức làm những việc “nhỏ bé” này thì mọi chuyện đều dễ đi tới thành công. 
 THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm