Miễn học phí đến cấp THCS sẽ hạn chế HS bỏ học vì khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nghiên cứu tại 18 nước, có 33% miễn học phí cấp mầm non, 100% miễn học phí cấp tiểu học, 61% miễn học phí cấp THCS và 44% miễn phí toàn cấp THPT.

Liên quan tới dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, bên cạnh việc đồng tình dự thảo luật quy định miễn học phí tới cấp THCS, nhiều ý kiến cũng kiến nghị nhà quản lý giáo dục nên xem xét miễn học phí cho trẻ 5 tuổi, đặc biệt, miễn học phí trẻ học các trường dân lập...

 

Miễn học phí đến cấp THCS sẽ giúp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Miễn học phí đến cấp THCS sẽ giúp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Miễn học phí sẽ hạn chế bỏ học

Những năm qua, chính sách về học phí đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Khoản 1, Điều 11 quy định: “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS). Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”.  

Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học. Các cấp học còn lại vẫn phải đóng học phí, trong đó có học sinh THCS. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Vì thế, thời gian vừa qua, cử tri cả nước thông qua các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn được miễn học phí cho học sinh THCS để đảm bảo chính sách phổ cập giáo dục đối với học sinh THCS, đặc biệt ở các vùng khó khăn để trẻ có nhiều cơ hội đến trường hơn.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, việc đề xuất miễn học phí cho cấp học mầm non là dựa trên cơ sở Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (với tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi đến trường là 92,16%, trẻ 5 tuổi là 98,75%, tính đến năm học 2016 - 2017) và Nghị quyết 29 của Đảng cũng đặt ra mục tiêu miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi trước năm 2020. Vụ Giáo dục Mầm non đã đưa ra đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi hệ giáo dục công lập.

Ông Minh phân tích, trong Nghị quyết 46 (tháng 5/2017), để “đảm bảo mọi đối tượng trong độ tuổi đều được tiếp cận với giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường”, từ năm 2018, trẻ 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được miễn học phí. Tuy nhiên, mức học phí hiện nay dù thấp vẫn là rào cản, gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt với các hộ cận nghèo.

Ông Bùi Đình Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Tiên, Hà Nam, thẳng thắn cho rằng: Chính sách miễn học phí đối với cấp THCS là chính sách đã chín muồi. Đơn cử, mức thu học phí ở huyện Duy Tiên mỗi năm chỉ được 7,7 tỷ đồng, trong khi đó ngân sách chi toàn huyện mới có gần 500 tỷ đồng, nó không đáng bao nhiêu so với mức thu học phí. Chính vì vậy, chính sách miễn học phí thể hiện sự nhân văn.

“Nếu có điều kiện, chúng ta có thể tiến tới miễn học phí đến cấp mầm non. Đó cũng là mong muốn của giáo viên, phụ huynh ở cấp mầm non”- ông Thanh kiến nghị.

Còn ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định nêu: “Tôi đồng tình và đề xuất mở rộng diện miễn học phí ra cả cấp mầm non. Số tiền đóng góp từ học phí (miền núi hiện chỉ 35.000 đồng/học sinh và đồng bằng 150.000 đồng/học sinh), con số rất nhỏ nên Bộ cần xem xét lại”.

Đồng tình với đề xuất trên, hiệu trưởng một trường mầm non ở Bắc Ninh cho biết, nhiều nước trên thế giới đặc biệt ưu tiên lứa tuổi mầm non. Nếu miễn học phí ở cấp học mầm non sẽ đỡ một phần khó khăn cho các gia đình, vì phần lớn bố mẹ có điều kiện kinh tế chưa vững và việc huy động trẻ ra các trường mầm non cũng bớt khó khăn.

“Mong việc miễn học phí cho lứa tuổi mầm non sẽ được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn trong thời gian tới. Đây không chỉ là mong muốn của phụ huynh mà cả giáo viên, để trẻ có thêm cơ hội đến trường. Vì vậy, trong việc lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này, tôi  hy vọng điều đó sẽ được đưa vào trong luật” - vị này đề xuất.

Dân lập cũng cần được hỗ trợ để tránh thiệt thòi cho trẻ

Ngày 5-12-2017, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (lần 2) với sự tham dự của 15 Sở GD-ĐT. Bên cạnh đề xuất miễn học phí đến bậc THCS, nhiều đại biểu kiến nghị nên bổ sung, xem xét miễn học phí cho trẻ 5 tuổi, đặc biệt, miễn học phí cho học sinh học các trường dân lập.  Xung quanh đề xuất miễn học phí, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại còn kiến nghị, nên xem xét miễn hoặc có hình thức hỗ trợ đối với học sinh học tập tại các trường dân lập để tạo sự cạnh tranh đồng đều, bình đẳng về phổ cập giáo dục”.

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, hiện tại tỉnh này có khoảng 50% học sinh các trường công lập, còn lại học ở các trường tư thục. Vì thế, ngoài việc miễn học phí cho học sinh các trường công lập cần miễn học phí cho cả đối tượng học ở các trường tư thục.

Cùng quan điểm trên, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh, hiện nay Nhà nước chưa đáp ứng đủ cơ sở trường lớp cho bậc học mầm non khiến nhiều gia đình phải gửi trẻ vào trường tư thục. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ một phần học phí cho trẻ ở mầm non tư thục để đảm bảo sự công bằng với trẻ công lập.

Trước những ý kiến đề xuất trên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất miễn học phí đến cấp mầm non. Việc miễn giảm học phí được thực hiện ở các trường công lập, tuyệt đối không để học sinh không được đi học...

Thu Hằng/VOV

Có thể bạn quan tâm