Minh bạch trong thực hiện thủ tục hải quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 39/2018/TT-BTC (Thông tư 39) sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC (Thông tư 38) có hiệu lực từ ngày 5-6-2018 quy định chi tiết về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, giúp doanh nghiệp (DN) và cơ quan hải quan có căn cứ thực thi Nghị định 59/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Thông tư 39 có nhiều nội dung mới, cải cách quan trọng được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, phù hợp với sự thay đổi của tập quán thương mại quốc tế, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quản lý hải quan cũng như xử lý vướng mắc, bất cập khi thực hiện Thông tư 38.
 Doanh nghiệp thực hiện hồ sơ hải quan điện tử. Ảnh: G.K
Doanh nghiệp thực hiện hồ sơ hải quan điện tử. Ảnh: G.K
Cụ thể, về hồ sơ hải quan, phương thức nộp hồ sơ hải quan điện tử (bản scan có gắn chữ ký số) sẽ trở thành phương thức chủ yếu. Hồ sơ sẽ được người khai nộp dưới dạng điện tử ngay khi thực hiện đăng ký tờ khai. Như vậy, người khai không cần chuẩn bị bộ hồ sơ giấy và mang đến cơ quan hải quan để nộp như hiện tại. Đồng thời phân biệt cụ thể hồ sơ cần nộp cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục với hồ sơ phải lưu giữ tại trụ sở của DN, để xuất trình khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra, thanh tra. Theo đó, hồ sơ nộp khi làm thủ tục hải quan sẽ chỉ bao gồm tối thiểu các chứng từ cung cấp thông tin cần thiết cho quản lý hải quan chứ không phải tất cả các chứng từ có liên quan đến lô hàng xuất-nhập khẩu. Quy định mới này vừa đảm bảo tính minh bạch vừa giảm thiểu chi phí và nhân lực cho cả DN và cơ quan hải quan trong khâu chuẩn bị hồ sơ và kiểm tra hồ sơ.
Để đảm bảo tính thống nhất hơn nữa trong khai báo và điện tử hóa việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử, ngoài các nguyên tắc khai đã quy định tại Điều 19 Thông tư 38, Thông tư 39 bổ sung một số nguyên tắc như: Một vận đơn phải được khai trên một tờ khai nhập khẩu. Hàng hóa thuộc nhiều tờ khai xuất khẩu của cùng một chủ hàng đóng chung container hoặc chung phương tiện chứa hàng thì người khai phải thông báo thông tin hàng hóa đóng chung container, chung phương tiện chứa hàng thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan trước khi thực hiện các thủ tục đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan.
Một trong những thay đổi lớn trong việc thực hiện khai bổ sung là thủ tục khai bổ sung được thực hiện hoàn toàn thông qua hệ thống, không phải nộp đề nghị dưới dạng bản giấy như hiện tại. Tờ khai nhập khẩu chỉ được hủy nếu hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai mà không có hàng hóa đến cửa khẩu nhập. Thủ tục hủy tờ khai cũng được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống thay vì xác nhận trên giấy như hiện tại.
Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, đồng thời phản hồi kết quả phân luồng tờ khai hải quan ngay sau khi tờ khai hải quan được đăng ký thành công. Tuy nhiên, căn cứ vào thông tin cập nhật đến thời điểm hàng hóa xuất-nhập khẩu đến cửa khẩu, trường hợp thông tin về cơ sở phân luồng có thay đổi so với thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thì hệ thống tự động xử lý và thông báo việc thay đổi kết quả phân luồng tờ khai cho người khai.
Đối với quy định đưa hàng về bảo quản, người khai cần chứng minh địa điểm bảo quản là các kho, bãi có địa chỉ rõ ràng, ngăn cách với khu vực xung quanh đảm bảo việc bảo quản nguyên trạng hàng hóa thông qua các chứng từ quy định cụ thể tại Thông tư 39. Quy định này nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Các chứng từ chứng minh địa điểm bảo quản đáp ứng quy định chỉ phải thực hiện 1 lần kể từ ngày 5-6-2018.
Trường hợp tại khu vực cảng, kho, bãi, địa điểm đã có kết nối hệ thống thông tin với cơ quan Hải quan, người khai chỉ cần liên hệ với DN kinh doanh cảng để vận chuyển hàng hóa qua khu vực giám sát trên cơ sở thông tin về các lô hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát đã được cơ quan Hải quan cung cấp trên hệ thống. Đây là quy định với mục tiêu điện tử hóa các thủ tục tại khâu giám sát, khâu mà từ trước tới nay đa số làm theo phương thức thủ công (hồ sơ giấy xuất trình tại văn phòng giám sát của cơ quan Hải quan) khi lấy hàng qua khu vực giám sát. Với quy định này, người khai hải quan có thể trực tiếp làm việc với DN kinh doanh kho, bãi, cảng để lấy hàng mà không cần có xác nhận của cơ quan Hải quan trên chứng từ giấy về việc hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát.
Gia Khang

Có thể bạn quan tâm