Bạn đọc

Mô hình chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình “Xây dựng xã không có tệ nạn ma túy, không trồng cây chứa chất ma túy” do Công an huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã trên địa bàn huyện thực hiện đã phát huy hiệu quả.

4 năm về trước, ông Hà Văn Cơ là một trong 2 hộ ở xã Đak Krong (huyện Đak Đoa) bị kẻ xấu lợi dụng thuê đất rẫy để trồng cây cần sa. Ông Cơ kể: “Hồi đó, có người quen ở quê vào nhà tôi xin thuê đất trồng cây. Tôi hỏi trồng cây gì thì họ nói là cây thuốc Nam. Hơn 6 tháng sau, khi Công an đến lập biên bản phạt hành chính, nhổ cây tiêu hủy, tôi mới biết đó là cây thuốc phiện”. Bị cơ quan chức năng phát hiện, người thuê đất của gia đình ông Cơ đã bỏ trốn khỏi địa phương.

 

Anh Dũng (ngoài cùng bên phải) giới thiệu vườn tiêu và chanh dây. Ảnh: L.A
Anh Dũng (ngoài cùng bên phải) giới thiệu vườn tiêu và chanh dây. Ảnh: L.A

Sau khi phối hợp triển khai mô hình “Xây dựng xã không có tệ nạn ma túy, không trồng cây chứa chất ma túy”, Công an huyện Đak Đoa cùng với cấp ủy, chính quyền xã Đak Krong đã ra nghị quyết chuyên đề về đấu tranh phòng-chống tội phạm ma túy trên địa bàn. Trên cơ sở này, các đơn vị đã thành lập 2 tổ công tác tăng cường tuyên truyền về hình ảnh, tác hại của ma túy đến các thôn, làng để người dân nhận biết và cùng tham gia phòng-chống ma túy; phối hợp quản lý, cảm hóa giáo dục những đối tượng liên quan đến ma túy và người nghiện trên địa bàn xã. Qua hơn 1 năm triển khai, ông Vũ Đăng Tuấn-Chủ tịch UBND xã Đak Krong, phấn khởi cho biết: “Đến nay, trên địa bàn xã không còn người nghiện ma túy”.

Giống như xã Đak Krong, xã Hải Yang trước đây cũng là một địa bàn phức tạp về ma túy ở huyện Đak Đoa với nhiều người nghiện và đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Trước tình hình này, Công an huyện phối hợp với chính quyền xã triển khai kế hoạch chuyển hóa địa bàn thông qua mô hình “Xây dựng xã không có tệ nạn ma túy, không trồng cây chứa chất ma túy”. Đến nay, về cơ bản xã Hải Yang đã không còn tệ nạn ma túy. Nhiều người nghiện ma túy được sự giúp đỡ, động viên của gia đình, cơ quan Công an và chính quyền địa phương đã cai nghiện thành công, có đời sống kinh tế khá giả. Một trong số đó là anh Nguyễn Văn Dũng. Anh Dũng chia sẻ: “Trước đây, vì đua đòi với bạn bè, tôi có sử dụng ma túy rồi rơi vào nghiện ngập. Bình thường mỗi ngày, tôi mất hơn 1 triệu đồng mua thuốc để thỏa mãn cơn nghiện. Đến lúc thấy cuộc sống gia đình khổ quá, phần vì thương vợ, thương con, sức khỏe ngày càng yếu, lại được chính quyền động viên nên tôi quyết tâm từ bỏ”. Giờ đây, với hơn 2 ha trồng tiêu và chanh dây, gia đình anh Dũng đã có một cuộc sống khá sung túc với thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Không chỉ vươn lên làm giàu, anh Dũng còn thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương tuyên truyền, động viên những người nghiện từ bỏ ma túy, cùng chăm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Được biết, mô hình “Xây dựng xã không có tệ nạn ma túy, không trồng cây chứa chất ma túy” được Công an huyện Đak Đoa triển khai từ năm 2013. Đến nay, đã có 3 xã, gồm: Hải Yang, Đak Krong và xã Trang triển khai thành công. Thiếu tá Nguyễn Đức Hoàng-Phó Trưởng Công an huyện Đak Đoa cho biết: “Công an huyện đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ xã về công tác đấu tranh, phòng-chống tệ nạn ma túy để họ nhận biết sơ bộ về chất ma túy, nhận biết người nghiện và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Thời gian tới, Công an huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình, kiên quyết không để phát sinh các đối tượng nghiện mới cũng như không để hình thành các tụ điểm mua bán ma túy trên địa bàn. Đồng thời, quyết tâm giữ vững những kết quả đạt được và nhân rộng thành công của mô hình đến các xã còn lại trên địa bàn huyện”.

Lê Ánh

Có thể bạn quan tâm