Phóng sự - Ký sự

Mở lối đi cho người khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm lên 18, Nguyễn Thị Thanh Thùy háo hức xin ba mẹ cho thi đại học. Điều cô gái khiếm thị nhận về chính là tiếng thở dài cùng câu nói: “Người bình thường học xong còn thất nghiệp, con học cũng có thay đổi được gì đâu”.

Đôi chút chạnh lòng nhưng Thùy vẫn quyết tâm bước vào giảng đường. Hè năm ấy, em tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (gọi tắt là DRD) nhờ tiếp sức.

Người khuyết tật tham gia các chương trình tập huấn tại DRD Việt Nam.

Người khuyết tật tham gia các chương trình tập huấn tại DRD Việt Nam.

Muốn thay đổi cuộc đời

Thấy con gái quyết tâm, ba mẹ Thùy xoay đủ hướng để có tiền hỗ trợ học phí bước đầu dù chẳng mong đợi điều gì xa xôi. Thùy trở thành sinh viên ngành Tâm lý học, Trường đại học Văn Hiến không lâu sau đó. Một mình ở trọ tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau giờ học, Thùy đi làm mát-xa kiếm thêm thu nhập. Nỗ lực không ngừng nhưng chỉ được một năm, Thùy đành ngậm ngùi bảo lưu kết quả vì không đủ tiền lo học phí. “Lúc đó em hoang mang, chưa biết phải làm sao. Có thời điểm, em nghĩ ba mẹ đã đúng. Nhưng rồi may mắn mỉm cười, hè năm 2022, em tìm đến DRD nhờ kết nối tìm học bổng và tham gia các khóa kỹ năng do trung tâm tổ chức miễn phí cho người khuyết tật (NKT). Giờ thì em đang chờ năm học mới bắt đầu để tiếp tục ước mơ giảng đường vì thông qua DRD, một doanh nghiệp đã hỗ trợ học phí cho em”, Thùy nói, giọng rộn ràng niềm vui.

Ngày mới tới DRD tham gia các hoạt động, như nhiều NKT khác, Thùy cũng rụt rè, bối rối, không biết bắt đầu từ đâu. Thế nhưng, chỉ sau một khóa học kỹ năng, mọi thứ đã khác. Từ cô gái khép kín, Thùy mở lòng đón nhận các lời khuyên và tận dụng từng cơ hội phát triển bản thân. Thùy khoe, giờ em đã có thể hoạch định tương lai xa hơn cho việc học cũng như sự nghiệp của mình. Học thêm nhiều kiến thức mới và lắng nghe câu chuyện thuyết phục từ những người cùng cảnh, Thùy như được tiếp thêm động lực để chạm tới ước mơ: trở thành một chuyên viên tư vấn tâm lý. Những ngày hè còn sót lại, Thùy tranh thủ làm thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa và đăng ký lớp kỹ năng miễn phí trước khi bước vào năm học mới.

Bị khuyết tật vận động bẩm sinh, phải “làm bạn” cùng xe lăn từ ngày bé đến tận bây giờ, cơ hội tiếp cận nghề nghiệp của anh Nguyễn Văn Dương (35 tuổi, quê ở Trà Vinh) khá hạn chế. Vậy mà, ngay cả khi liên tục nhận về cái lắc đầu từ các nhà tuyển dụng hay đi làm thì bị o ép, chẳng thấy tiền lương, Dương vẫn đặt quyết tâm, rằng “Cuộc đời mình phải khác!”. Năm 2019, Dương rời quê, lên Thành phố Hồ Chí Minh học nghề làm nữ trang. Có khiếu vẽ, được đào tạo thêm chuyên môn, hơn một năm sau anh ra nghề, bắt đầu cuộc mưu sinh. Thế nhưng làm nghề chưa lâu, anh phải nghỉ việc do cơ thể dị ứng nặng.

Bước ngoặt cuộc đời đến với Dương từ hơn một năm trước, khi anh vô tình biết được thông tin các khóa học về thiết kế đồ họa, thiết kế web, vi tính văn phòng miễn phí dành cho NKT của DRD. Lúc đó, đôi mắt Dương sáng rỡ, anh nói với chính mình “Cánh cửa nghề nghiệp đã mở rồi, phải nắm lấy các cơ hội”. Ngày Dương báo tin tạm ngừng cuộc mưu sinh, tập trung toàn thời gian cho việc học, ai cũng hỏi “Có ổn không?”. Khi ấy, Dương tin vào quyết định có phần liều lĩnh của bản thân vì anh biết kiến thức chuyên môn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho người có ước mơ cụ thể. Trong căn phòng trọ bé xíu, Dương bắt đầu thực hiện những phần việc đầu tiên của kế hoạch cuộc đời. Dương vừa hoàn thành xong 3 khóa học liên quan đến thiết kế, đồ họa và sử dụng nguồn tài nguyên trên không gian mạng, hiện đang tiếp tục học về tiếp thị doanh nghiệp trong thời đại số. Dương nói, kiến thức của 4 khóa học đủ để anh thực hiện ước mơ bao năm qua: làm chủ một tiệm in ấn, thiết kế nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Những đơn hàng đầu tiên xuất hiện, Dương khoe với thầy giáo và bạn bè trong lớp, ai cũng mừng. Tham gia các khóa học bài bản, Dương đã tự tin nhận các đơn hàng, không còn nơm nớp lo sợ “bị chê” như thời gian trước. Nhờ các kỹ năng được đội ngũ chuyên gia tại DRD trang bị, Dương còn tạo các kênh thông tin trên mạng xã hội với mong muốn chia sẻ tư duy sống tích cực đến cộng đồng.

Trao cơ hội thay vì tặng quà

Gần 20 năm trước, ThS Nguyễn Thị Hồng Hạnh (giảng viên Trường đại học Văn Lang) vô tình biết đến DRD khi tìm kiếm một tổ chức hỗ trợ NKT trong cộng đồng. Chị đăng ký tham gia làm tình nguyện viên từ dạo ấy và góp mặt trong nhiều dự án, chương trình tập huấn cho NKT của DRD với vai trò người chia sẻ kiến thức, người hướng dẫn, định hướng… Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng lần nào tham gia phỏng vấn tuyển chọn những gương mặt đặc biệt cho các dự án, chị Hạnh đều không cầm được nước mắt. “Có đợt bận quá, tôi chỉ đăng ký phỏng vấn hai buổi cho dự án. Vậy mà buổi nào về cũng khóc sưng mắt. Ngồi nghe câu chuyện của các bạn, tôi vừa cảm động, vừa khâm phục. Tôi luôn tự hỏi tại sao các bạn trải qua nhiều chuyện như thế mà vẫn giữ được lửa trong từng lời nói. Các bạn luôn biết mình muốn điều gì, cần phải làm cái gì và đến trung tâm này để được hỗ trợ, sớm biến ước mơ thành sự thật. Tôi nhận ra nhiều điều ý nghĩa khi đồng hành cùng các bạn”, chị Hạnh nhớ lại.

Từ những hoạt động theo ngày đến các dự án kéo dài nhiều năm liền, chị Hạnh luôn chọn cách đồng hành và đưa ra lời khuyên, giải pháp hỗ trợ khi NKT thật sự cần giúp đỡ. Món quà chị nhận về là thành công của rất nhiều bạn trẻ khuyết tật khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các dự án thiết thực như trao học bổng, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cải thiện môi trường làm việc cho NKT, thay đổi nhận thức của xã hội về NKT… Chị nhớ mãi tấm gương nghị lực của Như Ý, cậu bé bán vé số dạo mới học xong lớp 5 luôn muốn đổi đời bằng nghề Thiết kế đồ họa. Cũng sẽ khó quên chàng trai khiếm thị tên Tuấn, vượt mọi chông gai để tự tạo ra tương lai cho chính mình. Khi thiết kế các chương trình tập huấn, chị luôn nâng độ khó để NKT nhận ra rằng, nếu nỗ lực hết sức, họ đủ khả năng chinh phục rất nhiều thử thách trong đời.

Thành lập từ năm 2005, DRD tập trung tối đa các nguồn lực vào những hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng NKT. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc DRD Việt Nam, sau 5 năm vận hành, trung tâm nhận ra hướng đi chưa thật sự phù hợp nên tập trung điều chỉnh. “Khi đó chúng tôi nhận thấy, vấn đề không nằm hoàn toàn ở NKT. Nhiều NKT học nghề xong vẫn thất nghiệp. Các bên cung cấp học bổng không ít nhưng nhiều NKT vẫn không thể tiếp cận giáo dục vì bị từ chối… Giúp NKT thôi thì không đủ mà cần phải từng bước thay đổi nhận thức xã hội để họ hiểu về khả năng, vai trò của NKT thì các rào cản mới được thảo gỡ”, ông Cử chia sẻ.

Những ngày đầu chuyển hướng, DRD tìm giải pháp thay đổi cách nhìn nhận và cách làm từ thiện của các bên liên quan. Với ông Cử cùng cộng sự, đó là điều không hề đơn giản vì tâm lý người hỗ trợ thường muốn thấy kết quả liền như trao món quà hay số tiền nhất định. Trong khi đó, việc tặng học bổng, trao vốn hay đào tạo nghề cho NKT đòi hỏi sự đồng hành, nâng đỡ cả hành trình dài. DRD tìm mọi cách để các đơn vị đồng hành hiểu được tính bền vững của từng dự án thông qua các con số cụ thể, minh bạch cùng nhiều trường hợp điển hình. Trung tâm tự rà soát lại danh sách đối tác, tập trung vào các nhà tài trợ cùng quan điểm tiếp sức đường dài cho NKT.

Khi đẩy mạnh dịch vụ tư vấn hòa nhập NKT cho các bên liên quan, DRD tự tạo được nguồn thu cho chính mình và quay lại đầu tư cho các dự án mang tính lan tỏa cao. Nhờ vậy, ngay cả khi hết nguồn tài trợ từ đối tác, DRD vẫn duy trì được nhiều khóa đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ học bổng trên diện rộng. Ông Cử cho biết, giai đoạn tới, DRD tiếp tục tập trung cung cấp cơ hội, dịch vụ liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, việc làm và sinh kế cho NKT bên cạnh việc tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Trong đó, đẩy mạnh việc cung cấp các cơ hội hòa nhập để NKT tiếp cận một cách đầy đủ và bình đẳng các hỗ trợ về y tế, giáo dục, nghề nghiệp, việc làm, an ninh xã hội…

Dương kể, không giấu sự tự hào khi mỗi ngày đều cảm nhận rõ sự thay đổi của bản thân: “Cách đây 1 năm, khi tự mày mò học nghề trên mạng, vài người đặt làm mẫu này mẫu kia, tôi vừa nhận vừa run. Có việc có thu nhập nhưng sợ bị khách hàng nhờ sửa chỗ này, chỉnh chỗ kia. Khi ấy tôi toàn bỏ đi làm lại từ đầu vì không biết cách sửa. Bây giờ khác rồi, tôi chủ động trong mọi việc. Vẫn có người rủ rê đi bán hàng dạo với lời hứa không làm gì ngày nhận về vài trăm nghìn đồng, tôi luôn từ chối như bao lần. Tôi muốn kiếm tiền bằng cái đầu chứ không phải bằng sự thương hại của xã hội”.

Theo MỸ DUNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm