(GLO)- Tính đến năm 2017, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh toàn tỉnh Gia Lai là 53,1%; số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh vùng nông thôn là 118.396; tỷ lệ trường học tại xã vùng nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 1.039/1.989 trường học, đạt tỷ lệ 56,25%; hiện tại còn 870/1.989 trường học (chiếm tỷ lệ 43,74%) tại xã thuộc vùng nông thôn của tỉnh chưa có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu nhưng không hợp vệ sinh, nhiều nhà tiêu xuống cấp nghiêm trọng.
Người dân xã Ia Lang (huyện Đức Cơ, Gia Lai) dọn dẹp vệ sinh đường làng. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh đã gây ra tình trạng ô nhiễm phân người và gia súc một cách nghiêm trọng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo do nhận thức về vệ sinh còn hạn chế và thói quen đã tồn tại từ lâu. Tình trạng môi trường bị ô nhiễm dẫn đến tình trạng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa, hô hấp như tiêu chảy cấp, viêm gan, các bệnh giun sán…
Thông qua chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả từ chương trình RB-SupRSWS, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai triển khai các hoạt động cụ thể như sau: chịu trách nhiệm lựa chọn các giảng viên nòng cốt cấp tỉnh, hỗ trợ trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã trong việc lựa chọn các cán bộ tham gia tập huấn và triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng. Và các giảng viên nòng cốt sẽ được tập huấn và sẽ là các giảng viên cho các cấp thấp hơn để truyền đạt lại các kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng truyền thông tại cộng đồng. Các lớp tập huấn chủ yếu tập trung vào các nội dung sau: kỹ năng truyền thông vận động cộng đồng thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động của chương trình, kiểm tra giám sát các hoạt động của chương trình; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tiếp thị vệ sinh và kết nối chuỗi cung-cầu.
Đối với các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng do ngành Y tế thực hiện thì các tuyên truyền viên thôn sẽ lập các báo cáo hoạt động tại thôn theo từng tháng và nộp lại cho cán bộ y tế xã vào ngày 30 hàng tháng. Trạm y tế xã sẽ lập báo cáo theo quý và nộp cho trung tâm y tế huyện, sau đó trung tâm y tế huyện sẽ tổng hợp báo cáo và gửi về Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh theo quý, vào ngày 30 của tháng cuối quý. Quy trình theo dõi và báo cáo cho vệ sinh toàn xã cũng được xây dựng, bao gồm theo dõi tình hình vệ sinh được duy trì ở các trường Mẫu giáo, Tiểu học và Trung học công lập và các trạm y tế cho những xã đã đạt được tình trạng vệ sinh toàn xã sau 2 năm thực hiện.
Đoàn Hà