Phóng sự - Ký sự

Mơ số hóa mặt nạ tuồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện bộ sưu tập mặt nạ tuồng được tái hiện từ 40 năm trước vẫn được bảo quản tốt tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và thường xuyên được trưng bày trong các hoạt động quảng bá văn hóa
Ở nghệ thuật tuồng, khi nhân vật bước ra sân khấu lần đầu tiên, bên cạnh việc diễn viên phải biết vận dụng các yếu tố như ngôn ngữ, giọng nói, động tác hình thể… thì mặt nạ và nghệ thuật hóa trang là những yếu tố quan trọng để giới thiệu với khán giả một cách nhanh chóng về tính cách nhân vật.
Mong có một bảo tàng
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1983, Sở Văn hóa và Thông tin (VH-TT) Quảng Nam - Đà Nẵng, mà trực tiếp là GS Hoàng Châu Ký chủ xướng thành lập Ban Nghiên cứu tuồng. Trưởng ban là cụ Nguyễn Vĩnh Huế, sau này được phong nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng.
Bên cạnh việc triển khai các hoạt động chuyên môn với nhiều công việc liên quan ngành tuồng, Ban Nghiên cứu tuồng cũng tiến hành nghiên cứu, sưu tập, tái hiện bộ sưu tập mặt nạ tuồng một cách tích cực.
Họa sĩ La Thanh Hiền, nguyên cán bộ Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng, hiện chuyên thiết kế sách báo tại Đà Nẵng, cho biết năm 1981, anh về nhận công tác tại Phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Văn nghệ, sau đó được điều qua Ban Nghiên cứu tuồng của Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng. Cụ Nguyễn Vĩnh Huế là người rất dày công trong việc tham gia thể hiện, sắp xếp, hệ thống và giao cho anh nhiệm vụ trực tiếp tập hợp tài liệu phục vụ việc nghiên cứu, sưu tập tái hiện bộ sưu tập mặt nạ tuồng.
Lúc đó, La Thanh Hiền mới 24 tuổi, thuộc diện cán bộ trẻ nhất trong ban nên các việc nặng nhọc cần bươn chải đều hăng hái gánh vác. Thời điểm này, các "cây đa cây đề" gạo cội của ngành tuồng vẫn còn tập trung ở Đà Nẵng khá nhiều, như các nghệ sĩ nhân dân (NSND): Nguyễn Phẩm, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai.
Trong Ban Nghiên cứu tuồng lúc đó cũng có các vị chức sắc cao tuổi, rất đam mê nghệ thuật tuồng như các cụ: Phạm Đức Nam, Võ Bá Huân, Nguyễn Văn Bằng, Đinh Châu, Lê Đình Siêu, Lê Phát... Các cụ thường xuyên lui tới họp hành, hội thảo, đưa ra nhiều ý kiến hay.
Công việc trọng tâm của La Thanh Hiền được giao là sưu tầm, tập hợp tư liệu tất cả các loại: Kịch bản tuồng, hình ảnh, đạo cụ, hiện vật, sách vở, tư liệu và đặc biệt là mặt nạ tuồng - một bộ mặt nạ càng đầy đủ càng tốt. Mong muốn của các cụ là làm một "Bảo tàng Nghệ thuật tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng". Tiếc là vì nhiều nguyên do mà đến nay, điều đó cũng chưa thành hiện thực.

Họa sĩ La Thanh Hiền vẽ lại mặt nạ tuồng trên máy tính, nhằm số hóa
Họa sĩ La Thanh Hiền vẽ lại mặt nạ tuồng trên máy tính, nhằm số hóa
Lăn xả ra vẽ
Họa sĩ La Thanh Hiền nhớ để tiến hành các công việc được giao, anh phải khăn gói đi khắp nơi, xuôi Nam ngược Bắc liên tục hết đợt này đến đợt khác. Có khi nằm ở Hà Nội gần 2 tháng trời, dò dẫm tiếp cận các nguồn tư liệu. Trong đó, Viện Nghiên cứu Sân khấu của Bộ VH-TT-DL (ở Ô Chợ Dừa), là nơi anh lui tới nhiều nhất.
Ở đây, anh nhớ ngoài bà Kim Viên (vợ nhạc sĩ Trương Đình Quang, nay đã mất) phụ trách bộ phận tư liệu, người anh tiếp xúc nhiều nữa là Xuân Hồng. Chính anh Xuân Hồng đã nhiều lần vào Đà Nẵng để 2 anh em cùng làm việc với nhau. Anh Xuân Hồng có lợi thế là gần gũi Nhà hát Tuồng trung ương nên có điều kiện tập hợp, sưu tầm, hỏi han rồi phác thảo đường nét, màu sắc, đưa cho La Thanh Hiền và diễn giải cặn kẽ.
Về Đà Nẵng, La Thanh Hiền quên đêm quên ngày, lăn xả ra vẽ lại để kịp lưu trữ. Bởi tư liệu thì nhiều, để lâu dễ quên những điều vừa khai thác, tiếp cận. Nhiều bản vẽ vừa phác thảo xong, anh treo ngay lên tường trong phòng làm việc để các bậc cao niên lui tới xem, hỏi han. Anh lắng nghe mọi ý kiến đóng góp, sửa chữa, rồi vẫn treo cả năm trời, đến khi không ai còn góp ý nữa là được.
Trường hợp như NSND Nguyễn Phẩm chẳng hạn, tham khảo ý cụ rất khó. Bởi cụ chỉ trả lời: "Chưa được", "đường được", "được" chứ không biện giải, anh cứ thế mà liệu. Chưa kể, tuy các cụ lúc ấy còn khá đông, nếu hỏi về kỹ thuật hát, vũ đạo, kịch bản thì được trả lời ngay, nhưng về lĩnh vực hóa trang, sắc màu, đường nét... thì các cụ diễn đạt thường không rõ nghĩa. Ví dụ, màu đỏ chẳng hạn thì có cả đỏ sẫm, đỏ da cua, đỏ bã trầu..., nhiều khi anh phải đem theo bên mình hộp màu, hòa màu ngay trực tiếp cho các cụ xem, đến khi nghe tiếng "được" mới xong.

Họa sĩ La Thanh Hiền trong một chuyến đi sưu tầm mặt nạ Tuồng (ảnh tư liệu của họa sĩ La Thanh Hiền)
Họa sĩ La Thanh Hiền trong một chuyến đi sưu tầm mặt nạ Tuồng (ảnh tư liệu của họa sĩ La Thanh Hiền)

 
Một số mặt nạ tuồng đã được họa sĩ La Thanh Hiền số hóa
Một số mặt nạ tuồng đã được họa sĩ La Thanh Hiền số hóa
Điều hân hạnh
Một nguồn khá quan trọng, theo La Thanh Hiền, là nhờ anh tiếp cận được tập giáo trình của NSND Nguyễn Lai. Tập giáo trình viết tay, bằng bút máy, giấy ố vàng, được cụ thực hiện trong những năm tháng công tác ở Đoàn Tuồng Bắc (Hà Nội), từ trước năm 1975.
Trong giáo trình này có diễn giải một số mặt nạ, có vẽ minh họa, có tô màu cơ bản, mỗi khuôn mặt cỡ chừng tấm ảnh 4x6 cm. Trong đó cũng có khá nhiều chi tiết thú vị, như thế nào là mặt con hổ, thế nào là mặt đầu rắn (có thể hiện trên một vài mặt nạ), rồi thì lông mày sâu róm, lông mày lưỡi mác, râu ba chòm, râu năm chòm, râu quai nón, râu đỏ...
Khi thể hiện lên mặt nạ, hồi đó toàn vẽ bằng bột màu, tìm loại keo trong, nên để pha màu khỏi bị bạc cũng đã hết hơi. Kinh phí thì cấp èo uột. Phải mua khung loại gỗ ngo rẻ tiền, rồi bọc ni- lông thay kính. Hì hục mãi, dần dà hơn 100 mặt nạ tuồng cũng được hình thành. Rồi cũng mang đi trưng bày giới thiệu nhiều lần, tại nhiều nơi.
Một lần, vào năm 1987, khi trưng bày cho hội thảo Nghệ thuật tuồng (tổ chức ở 84 Hùng Vương, Đà Nẵng), dù bảo quản hết sức cẩn thận nhưng vẫn bị trộm mất 2 cái, coi như tiêu luôn, vì là độc bản.
Họa sĩ La Thanh Hiền nói: "Sau công việc này, điều hân hạnh cho tôi là GS Nguyễn Lộc - phu quân của nhà thơ Ý Nhi, từ Hà Nội vào gặp tôi để nhờ vẽ và sau đó đã xuất bản công trình Từ điển Nghệ thuật tuồng. Điều này có nghĩa là thời điểm đó, ngay ở Hà Nội, các nhà chuyên môn cũng không có được đầy đủ bộ mặt nạ tuồng như ngành văn hóa xứ Quảng đã làm".
Như là sự kế nghiệp
Mới đây, khi chúng tôi trở lại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để tìm hiểu nghệ thuật tuồng, được ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc nhà hát, cho hay hiện nhà hát này vẫn lưu giữ và trưng bày tại phòng truyền thống bộ mặt nạ tuồng mà Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng thời đó chuyển giao lại.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập vào tháng 11-1992, trên cơ sở sáp nhập Ban Nghiên cứu tuồng và Đoàn nghệ thuật tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ông Trần Ngọc Tuấn cho hay dù có một số ít hư hỏng nhưng không đáng kể, hiện bộ mặt nạ tuồng vẫn được bảo quản tốt. Đây cũng là một trong những hiện vật được nhiều người quan tâm yêu thích nên đơn vị thường xuyên tổ chức trưng bày cùng các tư liệu, hình ảnh trong các hoạt động quảng bá văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nhằm đưa tuồng cổ ngày càng tiếp cận gần hơn với người dân và du khách.
Điều đáng mừng là anh Nguyễn Ngọc Linh, con trai của cố NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế, nhân viên phụ trách ánh sáng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, là một trong những nghệ nhân hiếm hoi vẫn đang chuyên tâm nghiên cứu và vẽ mặt nạ tuồng.
Trong chương trình thúc đẩy du lịch ở bờ Đông sông Hàn (Đà Nẵng), thỉnh thoảng vào tối thứ bảy, du khách vẫn thấy gian hàng vẽ mặt nạ của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Linh. Anh Linh cho hay anh tham gia vẽ biểu diễn mặt nạ tuồng để quảng bá du lịch, coi như là sự kế nghiệp người cha và giữ gìn thứ di sản tinh thần mà cả mấy đời gia đình anh dày công vun đắp.
Họa sĩ La Thanh Hiền nói thêm: "Đôi khi lang thang trên internet, tình cờ gặp lại các mặt nạ tuồng mà mình vẽ gần 40 năm trước, có bức còn nguyên chữ mình tự tay đánh máy "SỞ VĂN HÓA - THÔNG TIN QUẢNG NAM ĐÀ NẴNG - BAN NGHIÊN CỨU TUỒNG", và cả những chú thích viết tay, tự dưng thấy xúc động không diễn tả nổi! Bây giờ, phương tiện đầy đủ và hiện đại hơn nhiều nhưng không thể quên được những khó khăn của thời kỳ ấy. 
Nói về dự định trong tương lai, họa sĩ La Thanh Hiền bày tỏ: “Sắp đến, tôi muốn dành thời gian vẽ dần lại bộ mặt nạ tuồng này, lưu trữ bằng công nghệ số, vừa an toàn và vĩnh cửu, như một món quà kỷ niệm vừa tự tặng cho mình vừa để lại mãi cho sau này. Nguyện vọng của tôi là muốn số hóa và phổ biến cho những người yêu thích nghệ thuật tuồng tiếp cận tham khảo. Không có chuyện bản quyền chi hết. Bởi đây là tài sản cha ông chúng ta để lại, con cháu toàn dân đều được thừa kế”.
Bài và ảnh: TRẦN TRUNG SÁNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm