Mới mẻ “Dịch vụ chăm sóc gia đình”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước sự gia tăng ngày càng nhiều nhu cầu trông giữ, chăm sóc trẻ, giúp việc gia đình, dọn dẹp công trình xây dựng, tạp vụ công sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chỉ đạo Hội Phụ nữ TP. Pleiku xây dựng mô hình tổ liên kết “Dịch vụ chăm sóc gia đình” nhằm hỗ trợ việc làm cho phụ nữ sau học nghề, giúp họ xóa đói giảm nghèo.

Mô hình tổ liên kết “Dịch vụ chăm sóc gia đình” được triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các học viên sau khi tham gia lớp nghiệp vụ bảo mẫu có việc làm tại chỗ. Hiện tại, tổ liên kết có 25 thành viên, được chia thành 2 nhóm dịch vụ cơ bản là: giữ trẻ và đưa đón trẻ đi học. Ngoài ra còn có thêm dịch vụ giúp việc gia đình, doanh nghiệp, công sở và tư vấn, giới thiệu việc làm.

 

Phòng trẻ sẵn sàng chào đón trẻ. Ảnh: P.L
Phòng trẻ sẵn sàng chào đón trẻ. Ảnh: P.L

Ở dịch vụ giữ trẻ, các bà mẹ có thể lựa chọn cho mình hai hình thức: trông giữ tại chỗ và trông giữ tại nhà. Với hai phòng trẻ rộng rãi, sạch sẽ, an toàn, đầy đủ tiện nghi được bố trí ngay tại Trung tâm Tư vấn, giới thiệu việc làm-dạy nghề, chăm sóc sức khỏe phụ nữ của Hội LHPN tỉnh (8/1, đường Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) các bà mẹ trong nội thành có thể yên tâm trao gửi con em mình. Bên cạnh đó, các chị em cũng sẽ nhận trông coi tại nhà nếu khách hàng có nhu cầu.
 

Bà Trần Ngọc Chi-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Dịch vụ chăm sóc gia đình được mở ra nhằm giúp các chị em phụ nữ có việc làm ổn định, đồng thời giúp các gia đình, doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm các dịch vụ, giảm bớt gánh nặng việc làm và yên tâm làm việc.

Một điểm khá thú vị trong mô hình này chính là dịch vụ đưa đón trẻ đi học. Không phải ông bố bà mẹ nào cũng có giờ giấc làm việc trùng với lịch học của con mình, nên việc đưa đón con từ nhà đến trường, rồi đến các lớp học thêm vẫn là một vấn đề khá nan giải. Chính vì thế, dịch vụ đưa đón trẻ đi học được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết này của các bậc phụ huynh với đội ngũ nhân viên là nữ giới, tận tình chu đáo, sẵn sàng đưa đón trẻ từ 6 giờ đến 21 giờ bằng phương tiện xe máy và ô tô.
 

Ngoài trực tiếp tạo việc làm cho chị em phụ nữ, mô hình tổ liên kết còn là cầu nối giữa các doanh nghiệp và các chị em có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua dịch vụ tư vấn. Hình thức này nhằm giúp cho chị em tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí, nhanh chóng có được công việc phù hợp để tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Đến với các dịch vụ này, khách hàng có thể yên tâm với đội ngũ nhân viên đã được đào tạo bài bản, có chứng chỉ học nghề “nghiệp vụ bảo mẫu” cũng như chứng chỉ “dịch vụ gia đình”. Hơn nữa, nhiều người trong số này cũng đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ và gia đình cũng như sự tận tình, chu đáo trong công việc.

Chị Vũ Thị Phương Loan (28 tuổi, trú tại phường Đống Đa, TP. Pleiku) từng giữ trẻ cho một cơ sở tư nhân, tham gia vào tổ liên kết, chị nói: “Nhờ có lớp nghiệp vụ bảo mẫu, mình đã trang bị được thêm rất nhiều kiến thức cũng như kỹ năng chăm sóc trẻ. Mình sẽ làm tốt”. Không giống như chị Loan, chị Đỗ Thị Hồng Thanh (SN 1978, trú tại tổ 10, phường Hội Thương, TP. Pleiku) quyết định chia tay công việc văn phòng để tham gia vào mô hình tổ liên kết với vai trò trưởng nhóm chăm sóc trẻ.

 

Chị Thanh tâm sự: “Khi quyết định vào đây, mình cũng khá lo lắng bởi đây là mô hình còn rất mới chưa biết sẽ hoạt động như thế nào. Tuy vậy, qua những ngày cùng mọi người mua sắm vật dụng, chăm chút căn phòng cho trẻ, mình nghĩ đang đi đúng hướng. Mình tin rằng với lòng mến trẻ, yêu nghề, tận tụy và những kiến thức đã được học, mọi người sẽ làm tốt”.

Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Hoa- Chánh văn phòng Hội LHPN tỉnh phấn khởi cho biết: “Mô hình tổ liên kết “Dịch vụ gia đình” được thành lập và đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ sau học nghề, dự kiến thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng, từ đó giúp chị em nâng cao đời sống gia đình. Đồng thời, mô hình này cũng góp phần hỗ trợ các gia đình, tổ chức, doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm các dịch vụ, giảm bớt gánh nặng việc nhà, yên tâm làm việc”. Nếu mô hình này thành công, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng tại hai thị xã An Khê và Ayun Pa.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm