Mỗi năm Gia Lai mất nhiều tỷ đồng để tiêm phòng vắc xin bệnh dại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thói quen nuôi chó thả rông và sự thờ ơ của người dân khi không tiêm phòng bệnh dại cho chó đang đe dọa đến tính mạng của người nuôi chó và cộng đồng.

Chỉ 1,6% đàn chó được tiêm phòng dại

Theo thống kê, TP. Pleiku hiện có tổng đàn chó khoảng 16.169 con. Mới đây, Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố đã tiến hành điều tra, lập sổ quản lý chó nuôi đến từng hộ dân tại 238/254 thôn, làng, tổ dân phố với tổng số chó nuôi được đưa vào quản lý là 9.031 con (đạt tỷ lệ 55,85%). Đây cũng là địa phương duy nhất trong tỉnh tiến hành thống kê và lập sổ quản lý đàn chó đến tận hộ gia đình.

 

Chỉ có 1,6% đàn chó ở TP. Pleiku được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ảnh: Đ.P
Chỉ có 1,6% đàn chó ở TP. Pleiku được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ảnh: Đ.P

Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, toàn TP. Pleiku mới chỉ thực hiện tiêm phòng theo nhu cầu của người chăn nuôi được 119 liều vắc xin dại, tương ứng với 119 con chó được tiêm. Nếu tính cả 150 liều vắc xin phòng dại mà tỉnh mới cấp về để tiêm cho đàn chó ở 3 phường: Yên Đổ, Phù Đổng và Thống Nhất từ nay đến ngày 2-11-2016 thì tổng đàn chó của thành phố được tiêm vắc xin phòng bệnh dại chỉ có 269/16.169 con (đạt tỷ lệ 1,6%). Như vậy cứ 100 con chó đang nuôi ở các hộ dân thì có đến hơn 98 con chưa được tiêm phòng bệnh dại và có nguy cơ phát dại bất cứ lúc nào. Với thói quen nuôi chó thả rông như hiện nay thì đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh dại trên đàn chó một khi con chó phát điên lao vào cắn nhau lây truyền bệnh và cắn người truyền bệnh dại gây nguy hiểm chết người.

Ông Bùi Cảnh An (62 tuổi, ở 275 Hùng Vương, TP. Pleiku) là một trong số ít người dân có ý thức đi tiêm phòng bệnh dại cho chó. “Tôi quý con chó vàng hơn 1 tuổi này như thành viên trong gia đình. Các cháu nhỏ nhà tôi suốt ngày chơi đùa quấn quýt với chó nên tôi phải tiêm phòng dại cho chó để phòng xa lỡ không may chó cắn phải các cháu nhỏ. Tuy nhiên xung quanh hàng xóm thấy nhiều nhà nuôi chó mà không đi tiêm phòng dại nên cũng sợ…”-ông An nói.

Công tác tiêm vắc xin phòng dại cho chó đang gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Linh Chi-Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Pleiku cho rằng: “Từ nhiều năm nay, tỉnh Gia Lai chưa triển khai đồng loạt kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó giống như tiêm vắc xin kép heo, vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò. Việc tiêm phòng dại cho chó do người dân tự túc nhưng đa số người nuôi chó ở Pleiku vẫn chưa quan tâm đến việc này. Hàng năm, có rất ít người đưa chó đi tiêm phòng dại”.

 

Theo cảnh báo, mỗi năm tỉnh Gia Lai có 5.000-7.000 người bị chó cắn phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại và kháng huyết thanh dại, tương ứng số tiền phải bỏ ra 5 tỷ đồng. Trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã có 8 người bị chết vì bị chó dại cắn. Riêng trong 9 tháng qua, đã có 5.188 liều vắc xin dại và 1.698 liều kháng huyết thanh dại được sử dụng cho người bị chó cắn, tương ứng với số tiền là 1,437 tỷ đồng.

Lựa chọn 40.000 đồng hay 1,1 triệu đồng?

Để phòng tránh bệnh dại cho chó thì cách tốt nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Lâu nay, việc tiêm phòng dại cho chó chủ yếu là do các hộ dân mua vắc xin về tự tiêm hoặc liên hệ với cán bộ Thú y địa phương nhờ tiêm giùm. Mỗi con chó một năm chỉ phải tiêm 1 mũi vắc xin dại, theo đơn giá hiện tại là 20.000 đồng/liều; cộng cả tiền công tiêm thì hết 40.000 đồng/con chó/năm. Số tiền này nếu đem so sánh với chi phí phải bỏ ra để tiêm phòng dại cho người khi bị chó cắn thì rẻ hơn nhiều lần. “Một người bị chó cắn phải tiêm 5 mũi vắc xin dại và 1 mũi kháng huyết thanh dại (tiêm theo cân nặng thể trạng), tổng chi phí hết 1,1 triệu đồng”-bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh nói.

Người dân nuôi chó là để giữ nhà, hoặc để làm cảnh chứ chó chưa được xem là một vật nuôi có giá trị kinh tế cao như heo, bò. Chính vì thế, việc tiêm phòng bệnh nhất là bệnh dại cho đàn chó đang bị xem nhẹ. “Heo, bò bị bệnh thì không cắn chết người nhưng bị chó dại cắn thì có thể chết người nếu người đó không lập tức đi tiêm vắc xin dại và kháng huyết thanh dại”-bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cảnh báo.

Lâu nay, nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình tiêm vắc xin dại cho đàn chó nuôi mỗi năm 2 đợt. Cán bộ Thú y phường, xã đi cùng với cán bộ thôn, xóm vào từng nhà để tiêm vắc xin phòng dại cho chó, nếu hộ nào cố tình không tiêm sẽ bị xử phạt hành chính. Còn ở Gia Lai, việc này chưa được triển khai, vì thế đàn chó nuôi hàng trăm ngàn con vẫn chưa được phòng bệnh dại. Để thực hiện mục tiêu “Loại trừ bệnh dại đến năm 2020” như cam kết của Bộ Y tế với Tổ chức Y tế Thế giới, trong khi chờ đợi tỉnh bố trí kinh phí triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó thì các hộ dân hãy tự tiêm phòng dại cho đàn chó của mình và khi bị chó cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vắc xin và kháng huyết thanh phòng bệnh dại.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm