Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mời nghệ nhân về trường dạy âm nhạc dân tộc cho học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mời nghệ nhân về truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng - múa xoang cho học sinh để giữ gìn văn hóa truyền thống của vùng đất Tây nguyên.

A Thao Dương, học sinh lớp 6C Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hai Bà Trưng, xã Sa Bình, H.Sa Thầy, tâm sự khi còn nhỏ em thường theo ông bà tham gia các lễ hội của làng. Khi nghe tiếng chiêng và xem điệu xoang uyển chuyển, Dương rất thích thú. Nhưng do còn nhỏ, tay còn yếu nên Dương không được học đánh chiêng. Lớn hơn một chút, do phải đi học nên cậu bé ít được lui tới các lễ hội. Lâu lắm không được xem đánh chiêng, Dương rất nhớ.

Ngành giáo dục Kon Tum đưa nghệ thuật cồng chiêng vào trường học để giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống. Ảnh: Sở GD-ĐT Kon Tum

Ngành giáo dục Kon Tum đưa nghệ thuật cồng chiêng vào trường học để giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống. Ảnh: Sở GD-ĐT Kon Tum

Vài năm trước, nhà trường bắt đầu đưa đánh chiêng vào giảng dạy, Dương liền xin tham gia vào đội chiêng của trường. "Khi mới tập, sức yếu em không thể cầm nổi chiêng nên thường tựa vào chân rồi học cách đánh. Sau nhiều ngày lệch nhịp, đến nay em đã thuộc được 2 bài chiêng truyền thống của dân tộc Jrai. Em rất yêu thích tiếng chiêng và muốn học thêm nhiều bài nữa", Dương hồ hởi khoe.

Cô Đặng Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Hai Bà Trưng, cho hay năm học này toàn trường có 405 học sinh, trong đó có 62 em tham gia đội cồng chiêng và múa xoang. "Hiện nay tất cả các khối lớp của trường và 4 làng dân tộc thiểu số tại địa phương đều có đội cồng chiêng - xoang. Nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các già làng mà đội cồng chiêng - xoang của nhà trường được trình diễn trong các cuộc thi, lễ hội", cô Thủy nói.

Ở TP.Kon Tum, phong trào đưa cồng chiêng vào trường học cũng được đẩy mạnh. Ông Thái Khắc Hòa, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Kon Tum, cho biết đơn vị vừa tổ chức Liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số dành cho học sinh trên địa bàn. Cuộc thi thu hút 16 đội với gần 1.100 học sinh tham dự. Trải qua 5 lần tổ chức, những tiết mục của học sinh ngày càng được chuẩn bị kỹ lưỡng và trình diễn chuyên nghiệp hơn.

"Chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ nhận thức được vai trò của cồng chiêng - múa xoang trong sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhất là lễ hội dân gian. Chính vì vậy, việc dạy học sinh đánh cồng chiêng, múa xoang là một trong những nội dung thường xuyên được tập luyện ở các trường", ông Hòa nói.

Theo bà Đinh Thị Lan, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, trong những năm qua sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT, nhà trường đưa cồng chiêng vào dạy học, đặc biệt ở các trường dân tộc nội trú và bán trú. Không những thế, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của Tây nguyên, từ năm 2016 đến nay, Hội diễn Cồng chiêng - Xoang học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh Kon Tum luôn được duy trì 2 năm/lần. Qua đó đã tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên và học sinh về giá trị văn hóa cồng chiêng; nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay.

Có thể bạn quan tâm