Mong ước cuối đời của mẹ Siu H'Bép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở cái tuổi gần đất xa trời, Mẹ Việt Nam Anh hùng Siu H’Bép (làng O Bung, xã Ia Ko, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vẫn ngày đêm mong mỏi tìm được hài cốt của người con trai hy sinh cách đây gần nửa thế kỷ để đưa về an táng bên cạnh mộ chồng mẹ-liệt sĩ Puih Săm.

Ở tuổi 89, sức khỏe mẹ Siu H’Bép đã giảm đi rất nhiều, tai không còn nghe rõ những gì con cháu nói. Chỉ riêng đôi tay của mẹ vẫn không ngơi nghỉ với việc nương rẫy. Ngày ngày, mẹ vẫn cặm cụi làm lụng, hết vườn tiêu sang vườn cà phê. Rảnh một chút, mẹ lại phụ con gái, con rể trông nom đàn bò ở đám đất trống gần nhà. Mẹ cười móm mém, rồi bảo rằng: Mẹ còn sức thì phụ giúp con cháu, chứ ngồi một chỗ buồn tay, buồn chân lắm!

 

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Siu H’Bep. Ảnh: L.L
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên nhận phụng dưỡng mẹ Siu H’Bep. Ảnh: L.L

Ngồi trong ngôi nhà tình nghĩa do huyện Chư Sê xây tặng năm 2015, mẹ Siu H’Bép cứ nắm chặt tay các anh trong ban lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên vừa đến thăm. Thỉnh thoảng mẹ lại đưa tay lên sờ mặt từng người. Có lẽ, mẹ lại đang nhớ về người con trai đã hy sinh-liệt sĩ Siu Yam! Khi chúng tôi thắp hương trước bàn thờ liệt sĩ Siu Yam, mẹ hướng mắt nhìn ra bậu cửa và rưng rưng dòng lệ. “Mỗi khi có ai đó nhắc đến cậu Siu Yam, mẹ lại khóc!”-ông Puih Thun, con rể của mẹ nói. Và rồi câu chuyện về cuộc đời mẹ cùng với nỗi đau mất chồng, mất con được người con rể Puih Thun kể lại, bởi mẹ nói được không nhiều tiếng phổ thông.
 

Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc, kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên, cho biết: Để tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Công ty luôn quan tâm đến công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tháng 6-2016, Công ty đã nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng Siu H’Bép. Ngoài việc hỗ trợ số tiền hàng tháng bằng với mức lương tối thiểu hiện nay, Công ty còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà và giao cho Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu số 57 (đứng chân trên địa bàn xã Ia Ko, huyện Chư Sê) phối hợp cùng gia đình động viên, chăm sóc mẹ những lúc ốm đau, bệnh tật để mẹ luôn sống vui, sống khỏe.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không cam chịu cảnh đàn áp của kẻ thù, mẹ Siu H’Bép vừa chăm lo cho gia đình, vừa tích cực tham gia công tác phụ nữ rồi vận động bà con quyên góp tiền bạc, lương thực, thực phẩm ủng hộ cách mạng. Năm 1965, mẹ bị địch bắt. Hơn 2 năm trong nhà tù đế quốc, chịu bao đòn roi tra tấn càng làm cho ý chí căm thù giặc trong mẹ thêm sâu sắc. Vậy nên khi được trả tự do, mẹ đã bàn với chồng cho cậu con trai lớn Siu Yam vừa tròn 19 tuổi nhập ngũ, trực tiếp cầm súng để bảo vệ quê hương. Trong một trận đánh ác liệt hồi Tết Mậu Thân năm 1968, Siu Yam đã anh dũng hy sinh.

“Lúc cậu Yam mới hy sinh, mẹ thậm chí không đi đâu ra khỏi nhà vì sợ cậu trở về mà không gặp”-ông Puih Thun kể. Phải mất một thời gian, mẹ mới chấp nhận sự thật rằng, con trai mẹ đã ra đi mãi mãi. Nhưng nỗi đau này vừa nguôi ngoai thì nỗi đau khác lại ập tới. 5 năm sau ngày anh Siu Yam hy sinh, mẹ lại nhận được tin chồng mình-ông Puih Săm, cũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ kho tàng, đạn dược… Nén nỗi đau vào lòng, mẹ dồn hết ý chí, nghị lực vận động bà con trong làng đứng lên ủng hộ cách mạng đánh đuổi kẻ thù. Một mình mẹ vừa cáng đáng việc đồng áng, vừa nuôi dạy 4 người con và tích cực hoạt động trong Ban Chấp hành Phụ nữ xã suốt những năm còn lại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

…Chiến tranh kết thúc, dù sức đã yếu và không tham gia các hoạt động xã hội nhưng mẹ Siu H’Bép vẫn luôn là tấm gương sáng cho con cháu cũng như cộng đồng học tập. Nỗi đau mất chồng, mất con dù đã nguôi ngoai nhưng mẹ vẫn đau đáu một điều, đấy là việc mộ phần của liệt sĩ Siu Yam vẫn chưa được tìm thấy. Những kỷ vật về cậu con trai cả “đẹp trai, hiếu thảo” cũng chẳng còn gì ngoài tờ giấy báo tử và tấm Bằng Tổ quốc ghi công. “Thỉnh thoảng, ngồi cạnh bếp lửa, mẹ lại nhắc về cậu Siu Yam. Mẹ nói, mong ước cuối đời của mẹ là tìm thấy hài cốt của cậu để đưa về an táng gần cha Puih Săm”-ông Puih Thun nói.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm