Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Mong ước một cây cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù chỉ cách trung tâm xã Krong (huyện Kbang) chừng 3 km nhưng lâu nay 58 hộ dân của làng Hro vẫn sống trong cảnh “hai không”: không cầu, không đường. Hàng ngày, bà con phải vượt qua dòng sông Ba để tới khu vực sản xuất với bao khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập.

Làng Hro nằm phía tả ngạn sông Ba. Phía bên kia sông là núi cao và khu bãi bồi. Đây chính là khu vực đất sản xuất bao đời nay của làng Hro và làng Sung (xã Krong). Từ làng nhìn qua có thể thấy một vùng rộng lớn xanh ngắt màu của mì, đậu, bắp và lúa. Dòng sông chia cắt nơi ở và nơi sản xuất của người dân làng Hro còn đục ngầu bởi trận mưa rừng đêm trước, những mỏm đá nổi lô nhô tạo thành những cuộn nước chảy xiết, hung dữ…

 

Cây cầu tạm người dân làng Hro bắc qua sông Ba đã bị cuốn trôi gần một tháng nay. Ảnh: L.H
Cây cầu tạm người dân làng Hro bắc qua sông Ba đã bị cuốn trôi gần một tháng nay. Ảnh: L.H

Như bao gia đình của làng Hro, chị Đinh Thị Chuyên có ruộng rẫy ở bờ bên kia. “Nhà mình có 1 ha cà phê và 2 ha mì, lúa. Ngày nào cũng vậy, vợ chồng mình đều đưa con cái vượt sông qua bên khu đất sản xuất. Mỗi khi mùa mưa đến, nước trên thượng nguồn đổ về thì việc đi lại vô cùng vất vả và nguy hiểm. Người làng gom góp bắc tạm cầu khỉ nhưng dùng mùa khô thôi, mùa mưa nước lớn cuốn trôi mất”-chị Chuyên cho biết. Tương tự, gia đình chị Lường Thị Hoài cũng có 2 ha mì và cà phê ở bên kia sông. Mùa thu hoạch gặp mưa lũ thì cực nhọc vô cùng.
 

Ông Phạm Thành Nhân-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang, cho biết: Ngành chuyên môn địa phương đã ghi nhận vấn đề này. Tuy nhiên, nguồn vốn phân bổ về các địa phương không nhiều, buộc phải ưu tiên những công trình cần thiết hơn. Khi có vốn, huyện sẽ đầu tư xây dựng cầu để phục vụ người dân.

Cứ đến mùa mưa lũ, người làng Hro lại sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Cây cầu khỉ gần đây người làng Hro bắc tạm đã bị dòng nước cuốn trôi khi những trận mưa đầu mùa năm nay trút xuống. “Mỗi khi đi rẫy, vợ chồng mình phải cắp theo vài miếng ván. Dựa vào những mỏm đá nổi trên mặt sông, mình đặt ván lên để lấy lối đi qua. Đến mỏm đá mới lại nhấc ván lên đặt tiếp cho đến khi sang tới bờ bên kia. Sáng đi làm cắp ván lên rẫy, chiều lại cắp ván về. Đây cũng là cách được hầu hết người dân làng Hro áp dụng mỗi khi tìm đường lên rẫy mùa mưa. Tuy nhiên, cách này chẳng thể áp dụng vào những ngày mưa lũ, nước dâng cao. Nước lớn quá, không làm cầu di động được nữa thì phải dùng phao để vận chuyển nông sản, nhà nào khá lắm mới có thuyền vượt sông”-chị Chuyên kể. Phao là những chiếc săm ô tô cũ được tận dụng, bơm căng hơi rồi đặt nông sản hoặc người bám lên phao bơi về…

Thật ra, để đi qua khu sản xuất này, người dân vẫn có cách đi bằng đường bộ, tuy nhiên phải vòng vèo qua các làng khác với chặng đường dài trên 3 km. “Gần nhà, xa ngõ”, bất tiện là vậy nên chỉ có thương lái vào mua nông sản của bà con mới đánh xe theo con đường này. “Họ cứ lấy lý do đi xa, tốn kém nên ép giá. Nhiều nhà tiếc của gùi về làng để bán cho được giá nhưng vượt sông khổ quá”-chị Chuyên than thở. Đáng sợ hơn là, đã có nhiều trường hợp gặp phải tai nạn đáng tiếc. “3 năm trước, nhà chị Đinh Thị H’Mach đưa theo 3 đứa nhỏ đi làm rẫy. Chiều về nước dâng, không nhìn rõ cầu nên đứa bé bị rơi xuống sông, may mà có người cứu kịp. Người dân ở đây chỉ mong Nhà nước làm cho cây cầu khỉ chắc chắn và an toàn để bà con đi làm rẫy thuận lợi, an toàn”-chị Chuyên chia sẻ.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm