Phóng sự - Ký sự

Một buổi đi học bán... giấc mơ!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhạc nổi lên, MC gào thét, đám đông liền ùa lên sân khấu, lắc lư nhún nhảy cuồng nhiệt theo những thanh âm kích động phát ra từ dàn âm thanh "khủng". Bên dưới, cử tọa cũng đã đứng cả dậy, xoè bàn tay đập "high-five" với người bên cạnh, miệng hô to: "tôi muốn giàu có!"...
Màn dạo đầu trong một khoá học làm giàu mà chúng tôi dự khán đã bắt đầu như thế. Sáng - một trinh sát hình sự Hà Nội ghé tai tôi, bảo đó là chiêu thức đầu tiên công phá vào sự cảnh giác, đề phòng của học viên, tạo ra hiệu ứng "tâm lý đám đông" để rồi từng bước dắt họ đến với những... "giấc mơ" siêu thực trên mặt đất.
Thuật "lùa gà"
Việc thâm nhập thực tế phục vụ nghiên cứu đề tài luận án tiến sĩ về phòng ngừa lừa đảo đa cấp, đã dẫn tôi đồng hành cùng nhóm trinh sát Hà Nội có mặt tại một khoá học làm giàu được tổ chức hoành tráng tại khách sạn lớn trên đường Liễu Giai.
Hội trường mênh mông trải thảm đỏ, trên kê những hàng ghế bọc vải trắng tinh tươm. Ước tính có đến cả nghìn chỗ ngồi đã kín học viên. Sân khấu với màn hình lớn, hệ thống âm thanh hiện đại, bật tiếng nhạc hành khúc như giục giã những người đến muộn guồng chân chạy vào để kịp buổi giảng.
Mấy mươi năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, nhưng tôi chưa bao giờ được chứng kiến một buổi truyền đạt kiến thức nào lại "vui" đến vậy. Màn dạo đầu với yêu cầu tất cả đứng dậy vận động, đập tay, ôm người bên cạnh, lấy số điện thoại bạn học, chia nhóm nhảy nhót trong tiếng nhạc kích động, hay đồng thanh hô to khẩu hiệu về quyết tâm làm giàu… ngay lập tức đã làm người nóng ran. Diễn giả chưa bước ra, thì cả nghìn con người đã trở thành một khối thống nhất về suy nghĩ và hành động, bởi họ được yêu cầu làm những việc đơn giản, vui vẻ giống nhau.

Một lớp dạy làm giàu.
Một lớp dạy làm giàu.
Tách mình khỏi đám đông đang "lên đồng", Sáng trầm ngâm suy nghĩ rồi phân tích với tôi, rằng con người luôn có thói quen duy trì một "không gian an toàn" quanh mình. Trong phạm vi đó, họ mới có thể tư duy độc lập, với ý thức cảnh giác, đề phòng các tình huống của đời sống.
 Việc tổ chức các hoạt động tập thể thế này, thâm ý nằm ở chỗ bắt mỗi người phải tình nguyện tiếp nhận sự có mặt của người khác trong "không gian an toàn" của mình. Khi xoá nhoà khoảng cách giữa người với người, thì khả năng tư duy, nhận thức độc lập bằng cái đầu của mình cũng mất dần, nhường chỗ cho tư duy tập thể, cảm xúc tập thể. Suy nghĩ và hành động của cá nhân từ lúc này sẽ bị chi phối theo ý kiến của đội nhóm.
Đó chính là hiệu ứng tâm lý đám đông, đặc thù bằng sự khởi xướng, dẫn dắt, kích động của một nhân tố cầm chịch. Nói lừa 100 người dễ hơn lừa 1 người là vì thế. Đây là bước dạo dầu cho "bẫy tâm lý" sắp giương ra. Ngoài ra việc yêu cầu học viên nhảy nhót với lí do là làm nóng, khởi động, giao lưu, thực chất còn để người học không thấy mệt mỏi, bó buộc và hưng phấn để nghe "thầy" diễn.
Được "khai mở" bởi mắt trinh sát, tôi bắt đầu căng óc phán đoán về những "lớp lang" tiếp theo. Màn ồn ào kéo dài tầm 30 phút thì tắt, cử tọa yên vị để diễn giả bước ra bục thuyết trình. Âm nhạc đi theo từng diễn biến trên sân khấu, tinh ý có thể thấy buổi giảng đúng như một màn trình diễn nghệ thuật, mà tại đó âm thanh, ánh sáng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt và tăng hiệu ứng cho câu chuyện.
L. - một "tay chém" có hạng trong làng dạy làm giàu, ăn mặc khoẻ khoắn với quần Jin, áo phông bước lên sân khấu. Những chuẩn mực thường thấy trong các buổi học không có ở đây, khi giảng viên sẵn sàng hú hét, làm các cử chỉ "body language" - (ngôn ngữ hình thể) một cách rất tự do, thoải mái. Trên Youtube còn lan truyền clip "thánh chém" này xưng "mày tao" và chửi một học viên là ngu bởi người này đặt ra một câu hỏi không thuận tai.
Hôm tôi có mặt là một buổi học demo (dạo đầu) miễn phí, có chức năng "tạo phễu" - nghĩa là lôi kéo học viên đến nghe, để tạo ra cộng đồng. Rồi từ cộng đồng ấy, "chủ giảng" chào mời bán các khoá học chuyên sâu với những lời quảng cáo "có cánh".
Đó là bài quen thuộc của các khoá học làm giàu. L say sưa trên sân khấu, gợi mở về bí quyết marketing, dạy sales trong chương trình "làm giàu tuyệt đỉnh". Nhưng trước khi đưa học viên đến với "độc chiêu", L. "nổ" về khối tài sản của mình với nhiều lần 9 số 0, với những danh hiệu nghe "loảng xoảng" như "bậc thầy chốt sale", "người đồng hành cùng phong trào khởi nghiệp toàn quốc", "vua bán hàng"… Xuyên suốt buổi giảng là những câu "trên giời". Chẳng hạn, "sự giàu có đã nằm ngay trong bạn, hãy đánh thức nó!"; "tài sản lớn nhất của bạn là khả năng kiếm tiền"; "Tài nguyên lớn nhất của bạn là thời gian"... Không có công thức cụ thể nào được đưa ra, mà chủ yếu là những tư vấn về cách tư duy giàu có.
Thật kỳ lạ, đám đông như "điện giật" sau những câu sáo rỗng đó. Quan sát, thấy từ các hàng ghế luôn có những người tiên phong trong việc vỗ tay hay gào to những lời tán thưởng, hoặc dõng dạc hô "Tôi muốn giàu có"; "Tôi đã sẵn sàng"… Khi đó âm nhạc lại nổi lên, đế theo, làn sóng âm thanh bùng lên cực hợp với khung cảnh. Sáng nháy mắt bảo tôi: "Chim mồi đấy!".
Để ý quy luật hoạt động của anh chàng ngồi gần, tôi nhận ra đúng đây là một "hoạt náo viên", luôn khởi xướng bắt nhịp cho nhóm của mình bằng những tiếng hô, cái vỗ tay tán thưởng diễn giả trên sân khấu. Khi tiếng vỗ tay đã lan cả hội trường, thì đến chúng tôi cũng phải làm theo, nếu không thì…kỳ chết! Chưa hết, anh ta là một trong số học viên "ngẫu nhiên" được mời lên sân khấu giao lưu, kể về cuộc đời vất vả của mình đã thực sự đổi thay kể từ khi theo "sư phụ" L. Không gì bằng trực quan sinh động, trước cảnh "người thật, việc thật" của sự giàu có nhờ học làm giàu, đám đông nhìn "diễn viên" ấy bằng cặp mắt ngưỡng mộ, khát khao.
Các buổi học làm giàu luôn kéo dài tới nửa đêm. Gần tan là lúc bước sang phần "chốt sales" - (bán các khoá học chuyên sâu khác). Hôm ấy anh chàng của chúng tôi cùng chủ chốt các nhóm lại vùng chạy lên sân khấu để đặt cọc, thanh toán tiền học phí trong tiếng nhạc rộn rã. Sự kích thích trực quan khiến mọi người khó lòng ngồi yên.
Cảm giác hồi hộp, bồn chồn, sốt ruột, sợ mất cơ hội mua khoá học bổ ích với giá ưu đãi, hay trạng thái sung sướng, thăng hoa hưng phấn do bị "thôi miên cường độ cao" đã khiến mọi người vượt qua mọi rào cản (cảnh báo) của bản thân, ra quyết định nhanh chóng, hoặc vô thức chạy theo đám đông lên sân khấu và tranh nhau… đóng học phí. Sự đảo lộn về nhịp sinh học sau cả ngày học căng thẳng khiến học viên bị mệt mỏi, cũng dẫn dắt họ hành động theo đám đông và mất đi tư duy phản biện của mình.
Ai sẽ giàu?
"Trở nên giàu có là niềm khát khao cháy bỏng của nhiều người. Nhưng sự giàu có không phải là mục tiêu dễ chinh phục. Vậy làm thế nào để có thể thay đổi số phận từ nghèo khó, túng thiếu trở nên khá giả, thịnh vượng? Cần phải bắt đầu từ đâu? Để tìm ra câu trả lời, bên cạnh những người chăm chỉ làm việc, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" trong cuộc mưu sinh, thì cũng có nhiều người khác tìm đến khoá học làm giàu với mong muốn kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng, không phải vất vả làm lụng.
Đón bắt được nhu cầu này của xã hội, thời gian qua các khoá dạy làm giàu được mở ra như nấm sau mưa, được chào mời rùm beng trên không gian mạng. Điều trông thấy sau các khoá học này là nhà tổ chức hay diễn giả kiếm bộn tiền, còn học viên thì vỡ nợ" - ông Đỗ Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP truyền thông và giải trí Thắng Lợi (Victory Media) thẳng thắn nhận xét.
 
Theo tìm hiểu ông Thắng, bình quân mỗi học viên đóng phí cho khoá học 3 ngày, từ sáng tới tối khoảng 10 triệu. Chỉ tính mỗi lớp "bèo" nhất có từ 60-80 học viên thì doanh thu đã đạt khoảng 600 triệu đồng/tuần/lớp. Cứ thế nhân 4 tuần với số lớp sẽ ra con số tiền tỉ mỗi tháng.
Trên thực tế có những khoá học (của bà HKD) như "Bất động sản 0 đồng" có giá học phí 16.980.000 đồng/người; khoá "Thuê và cho thuê Bất động sản" giá 12.980.000 đồng; khoá "Chứng khoán cơ bản" có giá  22.980.000 đồng; khóa "Super trainer" học phí 69.980.000 đồng và đặc biệt là khóa "Super Investor" với học phí 108.980.000 đồng.
Doanh thu rất khủng, nhưng chi phí lại không đáng kể. Chẳng hạn, tiền thuê hội trường cao nhất khoảng 10 triệu/ngày, thuê nhân viên giúp việc 5 triệu/người/tháng. Diễn giả đâu cần phải trả tiền bản quyền cho ai, cũng không đóng thuế thu nhập vì tiền học phí chuyển khoản thẳng cho cá nhân. Phép toán trên đã cho thấy thu nhập "khủng" của những "diễn giả" dạy làm giàu.
Vì vậy, những người hoạt ngôn, có chút kiến thức liền tổ chức ra các khoá học, sử dụng các chiêu thức chào mời để lôi kéo học viên. "Đình đám" trong "làng" dạy làm giàu thời gian qua, có thể điểm danh "giáo sư bất động sản" NTT; NVC; "nữ hoàng nhà đất" HKD; luật sư PTL; "ông hoàng Sales" NNH…
Theo ông Thắng kiến thức của họ là cóp nhặt, không chính thống qua bài bản trường lớp, mà chỉ là "thuộc vẹt" những điều đã viết trong hệ thống sách dạy làm giàu được dịch ra tiếng Việt, hoặc bỏ ra tầm vài chục nghìn đô la để ra nước ngoài tham gia các khoá học rồi về nước dạy lại dân mình, theo kiểu mua sỉ bán lẻ.
Vấn đề là người học được gì và mất gì từ các khoá học này? Anh Nguyễn Hữu Đông - (ở khu đô thị Việt Hưng, Long Biên) nhận xét: "Từng tham gia một khoá học làm giàu, tôi công nhận đúng là có người giàu lên nhanh chóng, nhưng không phải học viên, mà là diễn giả. Họ làm giàu từ tiền học phí. Còn chúng tôi chẳng đọng lại điều gì, vì những thứ diễn giả nói quá chung chung, thậm chí vớ vẩn. Chẳng hạn như bà HKD giảng bí kíp kinh doanh bất động sản 0 đồng là lấy chồng giàu, nhà nhiều đất, quan hệ tốt với mẹ chồng thì bất động sản của nhà chồng sẽ là của mình. Thật nhảm nhí hết chỗ nói!".
Anh Đông cho biết, nhiều người đã vay mượn tiền cả trăm triệu đồng tham dự các khoá học, để rồi bị dẫn dắt tiếp vào các trò lừa đảo như đầu tư tiền ảo, chơi chứng khoán, đầu tư dự án…, thiệt hại tiền tỷ mà chẳng biết kêu ai. Điểm yếu trong tâm lý người học là sợ chỉ còn một chút nữa là biết được cách làm giàu mà lại bỏ lỡ thì phí lắm. Chính cái tâm lí "sợ bỏ lỡ"  mà những "con mồi" thi nhau mắc bẫy của kẻ lừa đảo.
Cảnh báo tội phạm
Trả hoa hồng, thù lao cho người lôi kéo được người khác tham gia khoá học làm giàu, đang là một biến tướng tinh vi của hoạt động lừa đảo đa cấp. Theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, bán hàng đa cấp chỉ được thực hiện với sản phẩm hàng hoá hữu hình. Việc lợi dụng phương thức kinh doanh này đối với loại hình dịch vụ, có dấu hiệu của tội "Vi phạm các quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp" theo Điều 217a - BLHS năm 2015.
Mặt khác, nếu lợi dụng phương thức đa cấp tổ chức ra các khoá học để huy động tài chính từ học viên núp dưới các hình thức như: kinh doanh tiền ảo, đầu tư bất động sản, góp vốn dự án… gây hậu quả nghiêm trọng, thì hành vi có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật này.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) và Công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra nội dung, chương trình dạy làm giàu trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi trốn thuế hoặc lợi dụng phương thức đa cấp để bán các khoá học, tăng cường cảnh báo tội phạm, giúp người dân tránh xa được những giấc mơ cạm bẫy.
Đào Trung Hiếu (CAND)

Có thể bạn quan tâm