Phóng sự - Ký sự

Một chỉ thị, trăm biến chuyển từ làng - Kỳ 1: Từ "bóng đêm" đói nghèo, lạc hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay khi ban hành, Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Sau hơn 3 năm thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, mô hình làng NTM ngày càng lan tỏa sâu rộng và trở thành điểm nhấn nổi bật của Gia Lai trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Khi màn sương sớm còn lãng đãng, anh Siu Loal (làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã trở dậy, mở cửa chờ đón ánh nắng đầu ngày. Đứng trên nhà sàn hướng mắt ra phía con đường bê tông phẳng phiu, thẳng tắp, anh ngỡ mình vừa qua một giấc mơ. Anh thêm hiểu sâu sắc rằng, từ một chủ trương đúng đắn của Đảng, dân làng đã bước ra khỏi bóng tối biệt lập để đến với cuộc sống văn minh.  

Những ngôi làng biệt lập

Trước năm 2018, gia đình anh Loal và 13 hộ dân (khoảng 60 khẩu) sống biệt lập ở ngôi làng nhỏ trên đỉnh núi Cheng Leng. Tên làng cũng là tên núi. Đây là ngôi làng “5 không”: không điện, đường, trường, trạm và người dân đều không có hộ khẩu. Suốt gần 3 thập kỷ, mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra vào ban ngày, bởi khi mặt trời xuống là cả dãy núi chìm trong bóng tối.

Làng Hà Đừng (xã Đak Rong, huyện Kbang) trước thời điểm hoàn thiện nhà ở cho các hộ dân về nơi ở mới. Ảnh: Minh Triều
Làng Hà Đừng (xã Đak Rong, huyện Kbang) trước thời điểm hoàn thiện nhà ở cho các hộ dân về nơi ở mới. Ảnh: Minh Triều



Anh Loal hồi tưởng: Trước kia, gia đình anh sinh sống ở ngôi làng dưới núi (làng Hek). Do không có đất sản xuất, anh theo cha mẹ rời làng lên núi Cheng Leng trồng mì, trỉa bắp. “Đi lại cực lắm, chỉ có một con đường mòn lởm chởm đá. Gần 5 cây số mà đi bộ mất 2 giờ mới tới nơi. Vì vậy, đã lên đây thì lúc cấp bách lắm bà con mới xuống núi”-anh Loal chia sẻ lý do chọn định cư trên ngọn núi cheo leo này.

Những năm tháng niên thiếu của anh Loal gắn liền với không gian biệt lập này. Sau đó, anh lập gia đình và cũng cư trú ở Cheng Leng. Vợ chồng anh quanh năm phát nương làm rẫy. Quay quắt với cái ăn, cái mặc đến nỗi anh không nhớ rõ tuổi 5 đứa con của mình. Chúng lớn lên như cỏ cây trong rừng. Cũng như bao đứa trẻ trong làng, các con anh đều mù chữ. Thậm chí, chúng còn không nói được tiếng phổ thông, hỏi gì cũng lắc đầu, che miệng cười. Người làng khi ốm đau cũng thường tự chữa trị, nặng hơn thì tìm đến thầy cúng. Từ suy nghĩ lạc hậu cộng với giao thông cách trở, có trường hợp đã tử vong trước khi kịp xuống núi điều trị. “Trên đó khó khăn lắm, cái gì cũng thiếu, nhất là nước sinh hoạt. Đến mùa khô không lo đói mà sợ nhất là thiếu nước”-anh Loal nhớ lại.

Cũng vì kiểu canh tác lạc hậu, một bộ phận dân cư làng Bi Giông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) từng chọn cách sống phân tán, làm nhà ở rải rác để tiện sản xuất. 131 hộ với 815 khẩu của ngôi làng Jrai này xưa nay quen sống khép kín, tự cung tự cấp nên đói nghèo cứ đeo bám mãi. Những ngôi nhà sàn chắp vá tạm bợ, thiếu điện, nước; dưới gầm nhà là nơi nuôi nhốt gia súc nên khắp nơi vương vãi chất thải, bốc mùi hôi thối. Khái niệm nhà vệ sinh, nhà tắm dường như chưa từng hiện hữu ở nơi này.

Chỉ gần 5 cây số nhưng mất đến 2 giờ đi bộ mới tới nơi nên những lúc cấp bách lắm bà con mới xuống núi. Ảnh Phương Linh
Từ làng Hek lên đỉnh núi Cheng Leng chỉ gần 5 cây số nhưng người dân phải mất 2 giờ đi bộ mới tới nơi.
Ảnh: Minh Triều


Giờ đây, đứng trước ngôi nhà sàn sạch sẽ, khang trang có hàng rào gỗ bao quanh, ông Kpă Suối phấn chấn kể: “Ngôi nhà này trước kia nằm ở vùng trũng sát mép ruộng, vừa chật chội, vừa ẩm thấp. Mùa mưa nước ngập lênh láng. Nhiều chỗ nước tù đọng cộng với phân gia súc thả rông thải ra rất mất vệ sinh. Giờ được Nhà nước hỗ trợ di dời đến vị trí mới cao thoáng, bố trí ngăn nắp, gia đình tôi không còn phải lo những lúc mưa gió nữa”. Đó là ông Suối đang nói đến những tác động tích cực từ khi Chỉ thị số 12 “về làng”.

Bao lâu nay, những mái nhà của làng Hà Đừng (xã Đak Rong, huyện Kbang) cũng lặng lẽ ẩn mình giữa thâm sâu. Hàng trăm hộ dân của ngôi làng Bahnar này trước kia sống rải rác nơi bìa rừng trong điều kiện đói nghèo, thiếu điện và nước sạch. Do vậy, Hà Đừng được xem là 1 trong 5 làng đặc biệt khó khăn nhất tỉnh. Ngôi nhà sàn của gia đình anh Lưunh chẳng hơn gì các hộ khác. Căn nhà xiêu vẹo, trống hoác làm nơi tá túc của 4 thành viên trong gia đình nằm sâu ở con dốc phía chân đồi, bốn bề là rừng núi hoang vu, cây cỏ um tùm. Nhiều lúc nhìn các con co ro bên bếp lửa mỗi khi cơn mưa rừng ào ạt trút xuống, vợ chồng anh không nén được tiếng thở dài. Thêm vào đó, do chỉ sống dựa vào gần 5 sào lúa rẫy nên cả nhà anh thiếu ăn triền miên.

Từ trên cao nhìn xuống, Hà Đừng hôm nay đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Minh Triều
Từ trên cao nhìn xuống, làng Hà Đừng hôm nay đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Minh Triều



Khởi đầu niềm vui lớn

Tìm hiểu về khởi điểm của Chỉ thị số 12, chúng tôi được ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện-cho biết những thông tin thú vị. Ghi nhận thành công của việc sắp xếp lại khu dân cư và ổn định đời sống người dân làng Pông (xã Chư A Thai) theo Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng Đồn của huyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Xã Chư A Thai được chọn triển khai thực hiện mô hình, trong đó lấy làng Hek làm điểm. Đây là xã có các làng đặc biệt khó khăn, nằm ở vùng sâu, vùng xa, đất đai cằn cỗi, trình độ dân trí thấp, điều kiện sản xuất, nếp sống sinh hoạt lạc hậu.


Theo tinh thần Chỉ thị số 12, các địa phương tập trung triển khai 2 hợp phần chính tại các làng được chọn xây dựng NTM. Đầu tiên là quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tiếp đó là tổ chức lại sản xuất gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hóa làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Thiện cho biết: Với việc sắp xếp lại nhà ở, đất vườn, mỗi hộ đều được bố trí tối thiểu 500-600 m2; phân định ranh giới giữa các hộ bằng hàng rào, cổng ngõ, tạo không gian thông thoáng, xanh, sạch, từng bước tổ chức hợp lý đời sống sinh hoạt cho các hộ dân. Bước tiếp theo, huyện hỗ trợ chuyển đổi tập quán, phương thức canh tác; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất giúp người dân dần thoát khỏi tình trạng đói nghèo…

Lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương giúp người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) di dời nhà ở. Ảnh: Phan Nguyên
Lực lượng vũ trang cùng chính quyền địa phương giúp người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) di dời nhà ở. Ảnh: Phan Nguyên


Nhưng thay đổi nếp nghĩ và tập quán đã ăn sâu bao đời nay không hề là chuyện đơn giản. Thế nên việc di dời 74 căn nhà của 64 hộ dân tại làng Hek được xem như một cuộc “cách mạng” của chính quyền lẫn bà con nơi đây. Vẫn chưa quên những cuộc họp “nảy lửa”, những lần đấu tranh tư tưởng quyết liệt, cam go, ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-kể: “Lúc bấy giờ, giữa bên ủng hộ chủ trương sắp xếp, quy hoạch lại dân cư và một bộ phận không muốn thay đổi tập quán cũ đã nổ ra cuộc tranh cãi tưởng chừng không có hồi kết”.

Chưa hết, ông Toàn còn cho biết, trong quá trình thực hiện lại phát sinh thêm nhiệm vụ di dời, ổn định cuộc sống cho 13 hộ dân trên núi Cheng Leng bằng cách đưa họ về sinh sống tại làng Hek. Vừa vận động người dân làng Cheng Leng dời nhà xuống núi, chính quyền vừa thuyết phục người dân làng Hek đồng thuận tiếp nhận. Xã và các đoàn thể tổ chức vận động linh hoạt, lúc thì “đánh du kích” với những “ca khó”, lúc thì tuyên truyền tổng lực để các hộ có diện tích rộng san sẻ đất ở cho những hộ thiếu hoặc không đủ phần đất theo quy hoạch. Rồi còn chuyện hòa hợp phong tục tập quán giữa một số hộ Bahnar và Jrai trong làng…

“Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phân công cụ thể các đồng chí ủy viên ban thường vụ phụ trách công tác xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên”.

(Trích Chỉ thị số 12-CT/TU)

Với nỗ lực tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị, người dân đã dần nghe ra và đồng thuận với chủ trương mới. Hình ảnh những ngôi nhà “biết đi” trên hàng trăm đôi chân đã thể hiện tình đoàn kết, đồng lòng chung sức giữa quân và dân. Nhắc đến nhiệm vụ này, Trung sĩ Phạm Minh Tùng (Tiểu đoàn 50, Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) bồi hồi nhớ lại: Thời điểm đó, cán bộ, chiến sĩ cũng như người dân làng Hek ai nấy cũng đều tất bật xắn tay vào làm. Mỗi người một việc, người thì đào hố, chôn cột, người tháo dỡ nhà cho dễ di chuyển.”Nhà sàn của người Jrai thường dựng lên từ những khung gỗ nặng, cồng kềnh. Để giảm trọng lượng, thuận tiện cho việc di chuyển, các chiến sĩ phải tháo bớt ván, chỉ để lại phần khung nhà. Lúc này, bộ đội với người dân cùng ghé vai nâng ngôi nhà lên, rồi nhích từng bước đến địa điểm đã định trước”-Trung sĩ Tùng kể.

Cũng nhờ quyết sách đúng đắn này, bộ mặt làng Bi Giông thay đổi rõ nét: nhà ở, hàng rào, cổng ngõ khang trang; trường học, đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng, chỉnh trang; tất cả các hộ dân được sử dụng nước sạch. Ông Đỗ Văn Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Pờ Tó-thông tin: Sau 3 năm xây dựng làng điểm đầu tiên của huyện, làng Bahnar đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 66% này đã được đầu tư mở rộng, cứng hóa 3,5 km đường giao thông nội thôn, nâng tỷ lệ đường được cứng hóa lên 72%; 27 hộ được chỉnh trang nhà cửa tại chỗ, 44 hộ được di dời đến nơi ở mới, đồng thời xóa 22 nhà tạm, dột nát. Mặt khác, 87 chuồng trại nuôi nhốt gia súc cũng được di dời ra khỏi gầm nhà sàn, đảm bảo vệ sinh môi trường…

Cũng chuyển biến rõ rệt là làng Hà Đừng. Trước khi hướng đến xây dựng NTM, làng có tới 144/178 hộ nghèo; hệ thống đường giao thông nội làng, liên làng, đường ra khu sản xuất chưa được đầu tư; nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại. Để hỗ trợ người dân, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã cùng với bà con đồng tâm hiệp lực di dời những ngôi nhà sàn về vị trí mới, bố trí, sắp xếp lại dân cư thành làng kiểu mẫu. Đặc biệt, tỉnh và huyện còn vận động nguồn lực xã hội hóa triển khai làm mới 144 ngôi nhà cho những hộ có nhà ở tạm bợ; đầu tư cơ sở hạ tầng và các điều kiện phục vụ đời sống người dân.

Từ trên cao nhìn xuống, làng Hà Đừng hôm nay đẹp như tranh vẽ: Những ngôi nhà sàn mái tôn đỏ được quy hoạch bài bản nằm thấp thoáng giữa khung cảnh núi rừng. Cái đói nghèo, lạc hậu dần lùi xa, nhường chỗ cho sự no ấm và nếp sống văn minh tiếp nối.

 

MINH TRIỀU - PHƯƠNG LINH
 

------------------------
Kỳ 2: Lan tỏa mô hình

Có thể bạn quan tâm