Phóng sự - Ký sự

Một chỉ thị, trăm biến chuyển từ làng - Kỳ 4: Đổi thay nhỏ, ý nghĩa lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân ngày càng nâng cao, an ninh trật tự bảo đảm, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc là những “quả ngọt” sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.


Buôn làng thay “áo mới”

Chỉ sau vài cơn mưa, đám mồng tơi nơi bờ rào nhà chị Rơ Mah H'Em (làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đua nhau nảy đọt mơn mởn. Trên mặt đất, những luống rau muống, rau dền, hẹ cũng tranh nhau vươn mình. Chị H'Em kể, sau khi hỗ trợ chỉnh trang lại nhà cửa, sân vườn, cổng ngõ, các chiến sĩ bộ đội đã giúp gia đình chị cải tạo lại khoảnh vườn, rào chắn cẩn thận. Mọi thứ nhờ thế ngăn nắp, nền nếp hẳn lên. Tiếp đó, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai mô hình “Mỗi hộ 1 vườn rau xanh và cây ăn quả”, giúp nhiều hộ có rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày. Chị H'Em thừa nhận, mô hình đã thay đổi thói quen sinh hoạt thiếu khoa học của đồng bào nơi đây. Trước kia, rau trong bữa ăn chỉ có nắm lá mì, cà đắng, rau rừng; nhiều diện tích đất vườn bị bỏ trống rất lãng phí.

Khoan giếng giúp người dân làng Pông, xã Chư A Thai, huyenj Phú Thiện chủ động nguồn nước trong sinh hoạt. Ảnh: Phương Linh
Việc khoan giếng đã giúp người dân làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) chủ động nguồn nước trong sinh hoạt. Ảnh: Phương Linh


Dù chỉ là một trong những chuyển biến nhỏ nhưng đây là điều rất đáng ghi nhận ở các làng NTM. Sau khi được quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, hầu như hộ nào cũng biết tận dụng đất trống để trồng rau, cây ăn quả để vừa cải thiện dinh dưỡng, vừa có thêm thu nhập. Tại làng NTM Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh), tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện rất nhiều sau khi Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt”. 30 hộ tham gia được hỗ trợ mỗi hộ 1 thùng đựng rác 2 ngăn và hướng dẫn cách phân loại, xử lý. Ngoài ra, 27 hộ khác cũng cam kết đi đầu xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh. Vui mừng vì vấn nạn ô nhiễm quanh nơi ở dần bị đẩy lùi, ông Rơ Châm Dyíu chia sẻ: “Từ ngày tham gia mô hình, mình không vứt rác bừa bãi ra sau vườn nữa mà phân loại, thu gom để đưa đi xử lý. Mình còn làm lại chuồng bò rồi đào hố thu gom chất thải chứ không để chảy tràn ra vườn, sử dụng trấu để ủ phân bón nên đã cải thiện được mùi hôi. Nhờ vậy mà nhà cửa, sân vườn sạch sẽ hơn, sức khỏe cả nhà không bị ảnh hưởng”.

Có thể nói, Chỉ thị số 12 đã “đánh thức” nguồn lực ẩn sâu trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Từ sức mạnh đoàn kết và sự đổi thay về nhận thức, chính những chủ thể này đã tự mình làm nên diện mạo tươi sáng hơn cho buôn làng. Với nụ cười rạng rỡ, anh Đinh Mlinh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hle Hlang (xã Yang Trung, huyện Kông Chro) phấn khởi khoe: “Hle Hlang là làng đầu tiên của huyện được công nhận NTM vào năm 2020. Bà con vui mừng lắm vì ai cũng thấy rõ sự đổi khác. Những tuyến đường được đổ bê tông sạch sẽ, gọn gàng, nhiều loài hoa khoe sắc rực rỡ. Nhà nào cũng có cổng ngõ, quanh hàng rào trồng cây xanh. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy làng mình đẹp hơn lên rất nhiều”.

Nói rồi, anh chở tôi đi dọc theo một con đường bê tông chạy ngang qua trường tiểu học, dẫn ra một đồng cỏ mênh mông nối tới tận những ruộng lúa xanh ngát. “Con đường này cũng vừa được hoàn thiện nhờ bà con cùng nhau góp công, góp sức. Trong ấy, có hộ hiến gần 1.000 m2 đất để mở rộng đường”-anh Mlinh vui vẻ nói.

Điện đường làng Kon Lốc 1 (xã Đak Rong, huyện Kbang) được người dân chung sức lắp đặt. Ảnh: Minh Nguyễn
Điện đường làng Kon Lốc 1 (xã Đak Rong, huyện Kbang) được người dân chung sức lắp đặt. Ảnh: Minh Nguyễn


Là làng đầu tiên của xã Đak Rong (huyện Kbang) được công nhận đạt chuẩn NTM, người dân Kon Lốk 2 cũng đã vào cuộc tham gia đóng góp kinh phí, công sức để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời chiếu sáng các tuyến đường. Ông Đinh Văn Blốc vui vẻ thông tin: Đầu tháng 6-2021, được xã hỗ trợ 40 triệu đồng mua bóng điện, hệ thống pin năng lượng mặt trời, người dân đã góp sức thi công và ủng hộ cây gỗ làm trụ điện. Chỉ trong 1 ngày, 13 trụ điện đã ngay hàng thẳng lối. “Từ đó, mỗi tối, đường làng ngõ xóm sáng trưng, mọi sinh hoạt của người dân trở nên thuận tiện, nhộn nhịp hơn. Công trình không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đi lại mà còn hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông, phòng ngừa trộm cắp”-ông Blốc nói. Thấy được hiệu quả thiết thực, 3 làng khác trong xã cũng học hỏi làm theo. Đến nay, đã có 60 trụ điện năng lượng mặt trời được lắp đặt, thắp sáng đường quê.

Thanh bình, trù phú

Huy động “tổng lực” trong công cuộc xây dựng làng NTM, Chỉ thị số 12 đã khơi dậy sức sống mạnh mẽ của các thôn làng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Không chỉ là những chuyển biến nhỏ từ nếp sinh hoạt, nhiều ngôi làng còn “lột xác” ngoạn mục.

Làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) xanh-sạch-đẹp. Ảnh: R'Ô Hok
Làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) xanh-sạch-đẹp. Ảnh: R'Ô HOK
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn: “Các địa phương cần phải đánh giá, phân tích kỹ đặc điểm khác nhau của từng thôn, làng để có phương án tổ chức thực hiện xây dựng làng NTM có hiệu quả. Đặc biệt, phải tuyệt đối không chạy theo thành tích làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng. Đồng thời, cần chấm dứt tình trạng nợ tiêu chí trong đánh giá, rà soát các tiêu chí, chú trọng hơn vào đánh giá thực chất”.

Làng Hreng là một điển hình. Việc cải thiện ô nhiễm môi trường như đã kể trên chỉ là một chi tiết trong câu chuyện khá dài. Khó có thể hình dung rằng, làng NTM này từng là “điểm nóng” về hoạt động của FULRO. Chính vì vậy, quá trình về đích NTM của làng Hreng không hề dễ dàng. Với phương pháp tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, Bí thư Chi bộ Rơ Chăm Nhing và các đoàn thể của làng luôn có mặt kịp thời ở những “điểm nóng”, phân tích để những đối tượng xúi giục, mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhận thức được lỗi lầm. Thấy rõ con đường sáng, những người này đã quay trở về chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Một trong số đó là anh Hyan. Sau khi được cảm hóa, hiểu rõ phải trái, anh chuyên tâm chăm lo việc nương rẫy, vươn lên trở thành hộ khá trong làng với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. “Có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc như hôm nay là bởi mình đã hiểu ra, quyết không nghe theo lời bọn xấu xúi giục nữa”-anh Hyan tâm sự.

Ngày mới ở Hreng giờ đây thật yên ả, thanh bình. Màu xanh ngút ngàn của các loại cây trồng đã phủ lên mảnh đất này dáng vẻ của sự ấm no, trù phú. Bí thư Chi bộ Rơ Chăm Nhing phấn khởi cho hay: Hreng có 267 hộ nhưng hiện chỉ còn 13 hộ nghèo (chiếm 4,86%), thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, nhà văn hóa, sân thể thao đạt chuẩn. Làng không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ gia đình sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt hơn 95,4%...

Từng là một ngôi làng nghèo khó của xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai), làng Mít Jép nay cũng đã vươn mình mạnh mẽ. Chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của làng, Trưởng thôn Rơ Châm Lin không khỏi tự hào: “Trước đây, bà con nghèo do không biết cách làm ăn. Thấy các công ty cao su tuyển công nhân, tôi khuyên thanh niên trong làng đăng ký vào làm. Từ nguồn thu nhập thường xuyên ấy, bà con có vốn để đầu tư trồng trọt, chăm sóc nương rẫy. Sau đó, tôi lại hướng dẫn bà con biết tiết kiệm, tích lũy phòng khi đau ốm, có việc đột xuất”. Từ kinh nghiệm của vị trưởng thôn uy tín, người dân làng Mít Jép dần có cuộc sống khá hơn. Những ngôi nhà xập xệ được thay thế bằng nhà xây vững chãi. Hộ nào cũng sắm được xe máy, ti vi, nhà khá hơn còn có xe công nông để vận chuyển nông sản, con cái đều được đi học đầy đủ. Trong số hơn 240 hộ ở ngôi làng Jrai này giờ chỉ còn 6 hộ nghèo, chủ yếu là người già neo đơn.

5 Cán bộ, chiến sĩ giúp dân xã Kon Pne đắp, kè đập dân sinh dẫn nước, nạo vét mương nội đồng làm tăng lưu tốc dòng chảy phục vụ sản xuất.jpg
Cán bộ, chiến sĩ giúp người dân xã Kon Pne đắp, kè đập dân sinh dẫn nước, nạo vét mương nội đồng làm tăng lưu tốc dòng chảy phục vụ sản xuất. Ảnh: Minh Nguyễn


Những chuyển biến từ sâu trong nhận thức đã trở thành bước tạo đà mạnh mẽ cho các làng NTM vươn lên, thay đổi hoàn toàn lối tư duy cũ. Nếp sống văn minh được tiếp nhận, hủ tục dần bị đẩy lùi, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, tiếp nối. Hiện nay, người dân các làng ở xã Ia O đang lưu giữ số cồng chiêng nhiều nhất tỉnh, thậm chí cả Tây Nguyên với hơn 500 bộ cồng chiêng.   

Chung tay gìn giữ nét đẹp văn hóa, năm 2018, dân làng Hle Hlang cũng đồng lòng góp sức dựng lại nhà rông truyền thống của làng. Với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, bà con góp thêm tiền, ngày công đan từng tấm vách nứa, đẽo tạc những bức tượng gỗ. Những người khéo tay nhất đảm nhiệm phần việc sơn vẽ đường nét hoa văn lên mặt ngoài của vách nhà rông. Từng họa tiết đối xứng ô quả trám được sắp xếp khéo léo, đẹp mắt khiến nhà rông trông như đang khoác một tấm áo thổ cẩm độc đáo. Đáng chú ý, khuôn viên nhà rông có nhiều cây xanh rợp bóng. Ở một góc sân còn có vài bộ dụng cụ thể dục ngoài trời để người dân trong làng đến rèn luyện sức khỏe.

Còn anh Nay Bhing (làng Hek, xã Chư A Thai) đến giờ vẫn chưa hết xúc động khi kể về niềm hạnh phúc có được sau gần 3 năm cùng các hộ dân làng Cheng Leng dời làng xuống núi. Không những được cấp 600 m2 đất ở, dựng lại nhà ở làng mới, anh còn được chính quyền hỗ trợ thủ tục làm hộ khẩu, khai sinh, chứng minh nhân dân, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách cho con cái đi học. Được thầy cô tận tình nuôi dạy, kèm cặp nên giờ các cháu nhỏ đều đã biết đọc, biết viết. Thấy con đã đọc thông, viết thạo, anh Bhing như mở cờ trong bụng. Với anh, đó là động lực để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, hướng đến cuộc sống đủ đầy hơn.


 

 MINH TRIỀU - PHƯƠNG LINH
 

-----------------------
Kỳ cuối: Khi ý Đảng thuận lòng dân

Có thể bạn quan tâm