Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Một mùa mưa lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lệ thường thì tháng 7 mưa ngâu sụt sùi là đã xem như vào mưa “chính vụ”. Lẽ ra đến tháng này cũng phải đạt tần suất tương đối, ngày nào cũng có mưa lớn, mưa nhỏ. Tuy nhiên, năm nay, nhiều người cùng chung một nhận định rằng mưa quá thưa thớt.
Sự thiếu hụt độ ẩm cũng làm thời tiết nóng hơn mọi năm cùng thời điểm. Quạt điện, máy điều hòa không khí vẫn cứ phải bật cả ngày. Mưa rồi thì đáng ra lại phải chăn ấm nệm êm, nhưng tháng này vẫn còn đó tờ hóa đơn điện không hề thua kém 2 tháng trước. Tính ra, từ cơn mưa đầu tiên hồi tháng 4, Pleiku chưa hề có mưa diện rộng, cứ từng cơn phân bố chỗ này chỗ nọ, khoảng 5-7 ngày lại một đám giông rất... Sài Gòn. Cái kiểu chợt đến, chợt đi.
Đang dở dang với bài viết này thì đến tối, lúc gần sáng, ầm ĩ một cơn mưa kha khá đổ xuống khu vực tôi ở. Tính ra cũng đã mấy ngày nắng hạ đúng nghĩa mùa hè mới thấy mưa lại. Đầu tháng 9 Dương lịch, trời âm u và mưa lúc nhặt lúc thưa, rồi sau đó mưa vẫn cứ chập chờn.
Các chuyên gia khí hậu bảo năm nay thời tiết chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, tức là mưa nhiều... Đúng vậy! Quanh đây đó, dân tình đang điêu đứng vì lũ lụt nhưng Pleiku vẫn như người dưng mà bình chân như vại. Người ta la làng: thế là năm nay hạn rồi! La như phản xạ với một sự lạ lùng không như vẫn tưởng, chứ với vũ lượng hiện hành thật khó mà kết tội ông trời về chuyện hạn hán. Cứ 5-7 ngày lại 1 cơn mưa thấm đất, quá lý tưởng cho một giãn cách tưới tiêu. Vâng, tôi nói cả yếu tố tiêu nước ở đây, đặc biệt với các loại cây công nghiệp. Rau củ thì có thể thiếu nước đấy, nhưng vào những tháng này, nông dân cũng không còn canh tác nữa vì... sợ mưa nhiều. Cũng khó bảo là đang hạn khi sông suối, giếng khoan, giếng đào đã đủ nước, chẳng còn thấp thỏm như cách đây mấy tháng.
Ảnh minh họa: Internet
Điều làm người ta bàn đến nhiều chính là cái lạ lẫm của một mùa mưa: mưa Pleiku phải như thế này, như thế kia, mưa Pleiku không dầm dề thì liệu đã vào mùa chưa. Nó mặc định theo kiểu con gái thì phải tóc dài, con trai thì phải húi cua. Mưa thưa thớt khiến người ta thấy lạ lắm, nhất là những cư dân lâu năm của Phố núi-những người đã quá hiểu “tính khí” của thời tiết xứ này. Nó khiến “trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa” (thơ Nguyên Sa). Không lạ sao được khi giữa mùa mưa “chính vụ” mà hoa hồng vẫn nở rộ khoe sắc dưới nắng chói chang.
Đã sang tháng 9, lệ thường tần suất mưa sẽ giảm dần để bắt đầu đón mùa khô. Có mưa chăng thì chỉ do ảnh hưởng của những cơn bão mùa đông. Mưa tháng 9 cứ còn thưa chăng, hoặc giả sẽ đón vũ lượng bù lại cho 2 tháng chính mùa?
Bỏ qua một bên chuyện cứ phải phân tích về hiện tượng thời tiết bất thường dưới cái nhìn khoa học, tâm linh... Cũng chẳng hàm hồ kết án đủ thứ nguyên nhân gây nên hậu quả biến đổi khí hậu toàn cầu khiến thời tiết năm nào cũng đỏng đảnh. Cứ thực tế mà khẳng định, cái cách mưa như hiện tại nó không bình thường, nhưng ổn, rất ổn cho vạn vật. Ông trời tiếp vừa đủ nước, những ngày còn lại dư thừa quang năng cho cây cối phát triển một cách lý tưởng. Là nông dân, tôi hoàn toàn chẳng cần phải van xin “trời không mưa, tôi cũng lạy trời mưa”. Lạ, nhưng đây thực ra cũng là một mùa mưa lý tưởng. 
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm