Một ngày đến Lục Yên sống cùng người Tày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi đi từ Hà Nội lên xã Lâm Thượng (Lục Yên, Yên Bái) vào sáng sớm, đến nơi cũng đã cuối chiều. Chọn một homestay trong bản Tông Pắng, chúng tôi đã được trải nghiệm cuộc sống cũng như văn hóa của người dân nơi đây.

Bản Tông Pắng, xã Lâm Thượng (Lục Yên, Yên Bái) thanh bình và yên ả với màu xanh của núi rừng, của cánh đồng và bầu trời cao rộng - Ảnh: MAI THƯƠNG
Đó là một ngày se lạnh của tháng 12. Chúng tôi - hai cô gái chán cuộc sống thị thành, rủ nhau bắt đầu chuyến hành trình về với núi rừng, đi tìm màu xanh để tìm chút xoa dịu ấm áp từ mẹ thiên nhiên. Chúng tôi chọn bản Tông Pắng, xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên, Yên Bái) làm điểm đến, với mong muốn được hòa mình với cuộc sống còn nguyên sơ của người dân nơi đây. 
Đi qua những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn bao quanh sườn núi ngược về Tây Bắc, chúng tôi tách mình dần khỏi phố thị xa hoa, những con đường tấp nập người xe qua lại, tìm đến nơi chỉ có núi rừng và những con người hồn nhiên như cỏ cây. 

Con đường ngoằn ngoèo quanh sườn núi tách chúng tôi dần khỏi phố thị - Ảnh: MAI THƯƠNG
Đến bản Tông Pắng, trời cũng đã xế chiều. Mặt trời lặn dần sau núi để lại ráng chiều đỏ lựng theo từng đám mây lác đác bên sườn đồi. 
Nơi chúng tôi ở là một ngôi nhà sàn nằm sâu trong bản, giữa thung lũng Lâm Thượng của huyện Lục Yên. Lục Yên là điểm nằm giữa tuyến đường du lịch từ Sa Pa sang Hà Giang.
Đón chúng tôi là cô chú chủ nhà người Tày, sinh ra và lớn lên ở bản. Cô chú nói chuyện bằng chất giọng Kinh lơ lớ, thi thoảng nghe chúng tôi nói gì không hiểu, họ lại cười hiền. Cô chú có 3 người con. Công việc chính là làm vườn, nuôi cá, trồng măng mai…
Vừa hướng dẫn khách sắp xếp đồ đạc và chỗ nghỉ, chị Xới (26 tuổi, con gái chủ nhà) chia sẻ: "Mình đi học dưới xuôi, thấy mọi người ở thành phố rất thích "về quê, nuôi cá và trồng cây". Mình nảy ra ý tưởng mở homestay tại chính gia đình mình và đón khách dưới xuôi lên trải nghiệm. 
Lúc đầu, khách là bạn học đại học của anh em mình. Mình tìm hiểu về du lịch cộng đồng, và mong muốn khi du khách đến đây, họ không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn mà còn được trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của người dân và cả văn hóa nữa. 
Mình mong nơi đây trở thành nơi chốn bình yên cho những ai muốn sống chậm lại, về với thiên nhiên và tìm lại chính mình".
Chưa đưa vào khai thác du lịch nhiều, xã Lâm Thượng vẫn còn giữ được nét hoang sơ của núi rừng và cả ở những người con của bản. Đến đây, du khách được đạp xe, đi bắt cá làm bữa trưa, leo núi, làm vườn hay lên núi hái búp măng cùng với những thành viên trong gia đình. 
Chúng tôi mượn xe đạp của chủ nhà tham quan quanh bản. Gió chiều nhè nhẹ, vẫn còn chút nắng còn sót lại, chúng tôi cứ thế thả hồn mình qua những cú nhấn pêđan trên con đường đi băng qua cánh đồng ngô còn chưa đơm bắp. 

Đạp xe một vòng quanh bản Tông Pắng, ngắm cánh đồng ngô còn chưa đơm bắp - Ảnh: CẨM TIÊN

Trải nghiệm lội suối bắt cá cùng người dân - Ảnh: MAI THƯƠNG

Thành quả là một xô đầy cá chạch và lươn cho bữa tối - Ảnh: MAI THƯƠNG

Một em bé ở bản Tông Cại - Ảnh: MAI THƯƠNG

Chiếc cầu nhỏ nối đôi bờ con suối được người dân dựng nên để đi lại vào mùa lũ nước dâng cao - Ảnh: MAI THƯƠNG
Điều thú vị khi đi trải nghiệm du lịch cộng đồng là không chỉ được đắm mình trong cảnh quan, mà còn được trải nghiệm văn hóa và tiếp xúc với con người ở địa phương đó. Khi đó, trải nghiệm du lịch đã vượt ra ngoài khuôn khổ một dịch vụ, mà là một nền văn hóa. 
Đến Lục Yên, chúng tôi được sống cùng với người dân ở đây như một gia đình. Cùng xắn tay chuẩn bị bữa cơm, quây quần bên bếp lửa, nghe người dân kể chuyện những phong tục đặc trưng riêng của họ. 

Quây quần bên bếp lửa chuẩn bị cho bữa tối cùng cô chủ nhà - Ảnh: CẨM TIÊN

Ra vườn làm nông, thu hoạch hoa màu để chuẩn bị cho bữa trưa - Ảnh: CẨM TIÊN

Cùng lên nương phơi ngô, lên đồi thăm trại bò của người dân trong bản - Ảnh: MAI THƯƠNG

Trầm trồ trước thảm thực vật còn nguyên sơ - Ảnh: MAI THƯƠNG
Du lịch cộng đồng thực sự là một trải nghiệm thú vị, khi mà thứ nhận lại sau chuyến đi không phải là những bức hình check in giống hệt như bao người khác hay trải nghiệm homestay như một thực thể kiến trúc trống rỗng. Du lịch cộng đồng cho tôi thấy mình được làm đầy, được sống nhiều hơn một đời sống và hòa mình cùng với văn hóa bản địa để trân quý thêm sự đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước mình.
MAI THƯƠNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm