Phóng sự - Ký sự

Một thời cá đá sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từng là đặc sản nhưng cá đá sông Ba giờ đang dần rơi vào quên lãng. Loài cá trứ danh ngày một hiếm, những quán ăn nổi tiếng chuyên về món cá này ở vùng đất Tây Sơn Thượng đạo cũng đã đóng cửa từ nhiều năm nay.
Không biết có phải vì đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, không còn sức để phục vụ khách hay vì loài cá đá sông Ba không còn nhiều trong tự nhiên mà bà Nguyễn Thị Chín-chủ Nhà hàng Chín Hoàng (thị xã An Khê) nghỉ bán từ nhiều năm nay. Loài cá nức tiếng thơm ngon từng mang đến cho gia đình bà cũng như hàng chục hộ dân xóm chài An Xuyên (tổ 4, phường Tây Sơn) cuộc sống sung túc giờ đang dần trở thành hoài niệm.
Ngư dân đánh bắt cá trên sông Ba. Ảnh: Lê Anh
Sung túc nhờ cá đá
Bắt đầu từ giữa năm 2017, khi bước sang tuổi 77, bà Chín mới nghỉ bán để tận hưởng những tháng ngày thong dong, du lịch đây đó khi các con đã thành đạt. Tuổi tác không thể ngăn bà nhớ về một thời “vàng son” của Nhà hàng Chín Hoàng với món đặc sản cá đá sông Ba. Bà Chín cho hay, việc bà phất lên như bây giờ rất đỗi tình cờ, tất cả cũng nhờ loài cá đá đặc sản này.
Rời quê An Nhơn (tỉnh Bình Định), bà theo cha mẹ lên An Khê lập nghiệp từ lúc 11 tuổi. Sau khi lấy chồng rồi sinh con, bà làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ nấu rượu, nuôi heo cho đến bán nước mía lề đường. Thời điểm mở quán phở cách đây đã chừng 30 năm có lẻ. Từ lúc gắn bó với nghề “làm dâu trăm họ”, cuộc sống gia đình bà dần thay đổi, có ngày quán phở Chín Hoàng tiêu thụ đến 50 kg thịt bò, tiếng thơm bay khắp gần xa. Thế nhưng, cơ hội đổi đời lại nhờ vào dịp may rất đỗi hài hước. Bà Chín nhớ lại: Lúc mở quán bà có nhờ thợ làm biển hiệu “Phở Chín Hoàng”, nhưng không hiểu vì sao người này tiện tay viết thành “Cơm, phở Chín Hoàng”. Lúc đó do công việc bận rộn nên bà không để ý, khách hàng cũng không thấy vì chữ “cơm” đã bị nhánh phượng trước quán che khuất. Đến khi cây phượng không còn, nhiều đoàn khách ghé quán liền gọi cơm. Thấy vậy, bà quyết định mở rộng kinh doanh. Lúc đi chợ tìm mua nguyên liệu để lên danh sách các món ăn, thấy loại cá nhỏ xinh, rằn sọc giống cá bống, bà nghĩ ngay đến món cá kho tộ (sau này mới có thêm món cá đá chiên giòn hay nướng). “Chỉ là món ăn đơn giản, cách kho cũng không mấy đặc biệt nhưng chỉ cần trót “vạ miệng” một lần thì chắc chắn khách sẽ đến lần thứ 2. Lúc đó, ở An Khê chỉ có duy nhất quán cơm của tôi phục vụ các món cá đá, khách đến đông nghịt, tấp nập từ Nam đến Bắc, đủ các thành phần”-bà Chín tự hào khoe.
Theo bà Chín, cá đá chỉ ăn rong rêu nên ruột có vị đắng thanh, thịt chắc, ngọt, có vị thơm béo tự nhiên khiến cho hương vị món ăn càng trở nên độc đáo. Con cá trưởng thành có thân tròn lẳn, to lắm cũng chỉ bằng ngón tay cái người lớn, vảy mịn, lưng màu đen óng, bụng trắng, hai bên hông có sọc dọc theo thân. Cá đá có thể chế biến thành nhiều món ngon, đặc biệt món cá đá kho tộ ăn rất bắt cơm. Còn cá đá chiên giòn hoặc ướp muối ớt nướng trên than hồng cũng là món khoái khẩu của dân nhậu.
Giờ đây, dù tấm biển hiệu đã bong tróc nhưng vẫn gợi nhớ về một thời "vàng son" của Nhà hàng Chín Hoàng với món đặc sản cá đá sông Ba. Ảnh: Minh Nguyễn
Trải qua thời “vàng son”, quán ăn nhỏ dần trở thành nhà hàng. Nhờ cá đá mà gia đình bà Chín có cuộc sống sung túc, 6 người con ăn học thành tài. Nhìn vào cơ ngơi hiện có của bà, người dân trong vùng ai cũng tỏ tường đầu đuôi câu chuyện làm giàu. Bà chủ quán cơm “vang bóng một thời” cho hay, dù đang an hưởng tuổi già nhưng bà vẫn không thể nào quên những lời khen nức mũi của khách mỗi lần ghé quán. Lúc trước, cao điểm bà thu mua đến 50 kg cá tươi trữ trong tủ lạnh, nhưng chưa quá 2 ngày là nhẵn sạch. Những lúc cháy hàng, bà tìm mua của những người đánh cá với giá cao gấp đôi, gấp ba ngày thường để phục vụ khách sành ăn.
Giờ đây, bảng hiệu Nhà hàng Chín Hoàng đã bong tróc nhưng vẫn còn đó với thời gian, chứng kiến món đặc sản cá đá sông Ba dần trôi vào quên lãng.
Nguy cơ xóa sổ
Chia tay bà chủ quán cơm nổi tiếng, chúng tôi tìm đến xóm chài An Xuyên khi ánh tà dương còn le lói trên những ngọn cây thấp lè tè soi bóng xuống dòng nước. Bên bờ sông Ba phẳng lặng, không hề thấy bóng một ngư dân nào thả lưới. Xóm chài từng nhộn nhịp một thời nay vắng lặng đìu hiu. Từ trên đường men theo mấy bậc tam cấp dẫn xuống bờ sông, thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc sõng (xuồng nhỏ) nằm chỏng chơ, mục nát, phủ đầy cành cây và lá khô. Lững thững đi dọc bờ sông một lúc, định rời đi tìm người hỏi thăm thì tình cờ chúng tôi gặp vợ chồng già vừa từ bến về sau một ngày đánh bắt.
Chiếc xe máy kéo theo chiếc sõng phía sau của ông Trần Bằng vừa dừng trước nhà cũng là lúc người mua tìm đến. Thành quả sau 1 ngày đánh bắt của ông chỉ hơn 2 kg cá đủ loại. Nào là rô phi, chạch, lúi, mè… số còn lại gần 1 kg là cá đá được lựa ra từ mớ hỗn độn, giao cho thương lái. Quá tuổi lục tuần, ông Bằng đã có gần 40 năm làm nghề thả lưới trên dòng sông này; đặc biệt, ông “chuyên trị” cá đá. Theo ông Bằng, cách đây 10 năm, chỉ cần 2 tay lưới là ông đã có thể kiếm được hơn chục ký cá đá chỉ trong một buổi ngay khúc sông trước nhà. Cá mắc trắng lưới, nhiều đến nỗi gỡ không xuể. Còn giờ, từ sáng sớm đến tối mịt, đánh bắt sang tận địa bàn huyện Kông Chro, cách nhà gần 30 km mà chỉ có từng ấy. Ông Bằng buồn bã hướng mắt về chỗ vợ đang ngồi lựa cá cân cho thương lái, thở dài tiếc nuối: “Giờ mỗi ngày giỏi lắm cũng chỉ kiếm được hơn 2 kg, bán được chừng hơn 400 ngàn đồng, chủ yếu là mình bỏ công làm mướn cho mình. Có nhiều hôm cực nhọc thả lưới từ tờ mờ sáng đến tối mọ mà chỉ thu được 3 đến 4 lạng cá thôi”.
Nhìn về phía mặt sông, ông Bằng cho biết: Làng chài An Xuyên từng nổi tiếng một thời bởi cả xóm làm nghề đánh bắt cá trên dòng sông Ba, nhưng giờ phần lớn các hộ đã bỏ lưới, gác dầm lên bờ. “Sông Ba ngày trước nhiều loại cá lắm, giờ đỏ mắt tìm cũng chẳng còn. Loài cá đá này cũng ngày một hiếm dần, tương lai chắc sẽ bị tuyệt diệt. Nguyên do là bởi dòng sông đã cạn nước vì bị chặn làm thủy điện từ thượng nguồn. Dòng chảy bị thay đổi, sông Ba giờ chỉ là con sông tù đọng, cộng thêm tình trạng ô nhiễm khiến cho loài cá đá trong tự nhiên ngày càng hiếm dần”-ông Bằng tâm tư.
Ông Trần Bằng bán mớ cá đá vừa đánh bắt được cho thương lái. Ảnh: M.N
Ngồi nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi, ngư dân trẻ Trần Thanh Lực tiếp lời cha mình: Ngày mà loài cá đá biến mất trong tự nhiên đang đến rất gần. Hiện nay, mỗi lần đánh bắt, anh bơi sõng sang tận địa bàn các huyện Kbang, Kông Chro thả hơn 10 tay lưới, nhưng thu về chẳng được bao nhiêu, hôm nào trúng lắm mới được 2-3 kg cá. Dù đã quá quen với từng khúc sông, ghềnh nước, thuộc nằm lòng nơi thường có nhiều cá mà cha đã chỉ dẫn, nhưng mỗi mẻ lưới kéo lên vẫn nhẹ bẫng. “Còn trẻ nên mới còn sức thả nhiều tay lưới để kiếm thêm thu nhập, chứ tới đây chắc tôi cũng phải tính đến chuyện lên bờ, chuyển sang nghề khác”-anh Lực trầm ngâm nói.
Người thường xuyên đến thu mua cá là chị Trần Thúy Kiều cũng là hàng xóm của cha con ông Bằng. Trước đây, cha chị từng là một ngư phủ có tiếng “sát cá”, mẹ thì làm nghề thu mua cá đá cung cấp cho nhà hàng ở An Khê, TP. Pleiku. Giờ cha, mẹ đã mất, anh trai nối nghiệp cha, chị Kiều theo nghiệp mẹ đứng ra thu mua chỉ riêng loại cá đá đặc sản này. Ngoài việc chế biến các món ăn phục vụ quán nhậu do mình làm chủ, chị cũng chịu khó lùng sục khắp các nguồn để thu gom cá đá bán cho các nhà hàng ở TP. Pleiku nhưng lúc có, lúc không. “Ngày trước cần bao nhiêu cũng có, giờ gom tất cả các đầu mối thì ngày nhiều nhất cũng chỉ được vài ký cá đá, không đủ cho nhu cầu của quán nên nguồn hàng xuất đi nơi khác dần đứt đoạn. Tôi tìm đến từng người đánh bắt trước đây là bạn hàng của mẹ để thu mua với giá 200-250 ngàn đồng/kg, có lúc lên 300 ngàn đồng/kg nhưng cũng không có cá giao cho khách”-chị Kiều chia sẻ.
Theo lời chị Kiều, ngoài quán của chị, tìm khắp An Khê cũng không thấy quán thứ 2 bán đặc sản cá đá sông Ba. Bởi những người còn gắn bó với nghề đánh bắt loài cá đá trứ danh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Quả thật, sau khi được thưởng thức món cá đá chiên giòn tươi rói mà tôi lùng mua được, một người bạn sống ngay thị xã An Khê vô cùng ngạc nhiên vì lâu nay vẫn tưởng rằng loài cá này đã không còn tồn tại.
Câu chuyện ấy như một lời nhắc nhớ: Rồi đây, số phận loài cá đá sông Ba nức tiếng sẽ ra sao? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.
MINH TRIỀU

Có thể bạn quan tâm