Du xuân

Một vùng thắng cảnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những chuyến du ngoạn của khách về vùng thắng cảnh phía Bắc TP. Pleiku đang ngày càng nhiều hơn. Những gốc chè trăm năm tuổi có từ thời Pháp, ngôi cổ tự an lạc giữa đồng chè mênh mông, dấu tích núi lửa có từ hàng triệu năm trước, hồ nước tự nhiên thơ mộng bậc nhất Tây Nguyên… không chỉ tạo nên vùng thắng cảnh tuyệt mỹ mà còn kể cho du khách nghe câu chuyện trăm năm dâu bể trên xứ thượng ngàn.

Trong bán kính khoảng 30 km về hướng Bắc nếu lấy TP. Pleiku làm điểm xuất phát là những thắng cảnh tuyệt mỹ nằm rải đều: Biển Hồ nước, Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, núi lửa Chư Đăng Ya. Đây là những điểm đến hấp dẫn bậc nhất hiện nay của du lịch Gia Lai. Thong thả ngắm cảnh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên ở những nơi này mất chừng một buổi. Nhưng nếu không muốn bỏ lỡ chuyến đi, khách có thể dành thời gian khám phá thêm nhiều câu chuyện văn hóa-lịch sử hấp dẫn, thú vị được thời gian lưu giữ qua thăng trầm hàng thế kỷ xung quanh mỗi điểm đến.

Đường dẫn lên ngọn núi lửa đã tắt ngập sắc vàng dã quỳ. Ảnh: Doãn Vinh
Đường dẫn lên ngọn núi lửa đã tắt ngập sắc vàng dã quỳ. Ảnh: Doãn Vinh

Nghe thời gian kể chuyện

Bạn chỉ mất 5 phút để thu trọn vẻ đẹp của Biển Hồ vào tâm trí, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm hiểu những huyền sử xung quanh hồ nước tự nhiên mỹ miều này. Khoa học đã chứng minh hồ nước hình bầu dục với mặt nước rộng trên 200 ha, bao quanh là núi và thông xanh ngút ngàn là dấu tích của núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm. Nhưng cộng đồng người Jrai xung quanh lại có cách riêng để lý giải sự hình thành của hồ nước ngọt tự nhiên khổng lồ này. Đó đều là những câu chuyện thấm đẫm bi thương. Có chuyện kể rằng hồ nước là chứng tích của một trận thiên tai bi thảm khó quên. Có chuyện lý giải hồ nước được hình thành từ việc con người làm trái ý Yàng, không thuận trời đất nên bị trừng phạt thảm khốc… Không ai biết vì sao phía sau vẻ đẹp tuyệt bích của hồ nước lại tồn tại những câu chuyện day dứt lòng người đến như vậy. Nhưng có huyền sử nào đẹp mà không buồn. Những câu chuyện này biết đâu sẽ làm ai đó vì thế mà quay trở lại lần nữa.

 

 Đoạn đường dẫn xuống Biển Hồ. Ảnh: Doãn Vinh
Đoạn đường dẫn xuống Biển Hồ. Ảnh: Doãn Vinh

Rời Biển Hồ nước, đi dọc theo quốc lộ 14 chừng 3 km, khách sẽ “bỏ quên” thế giới ồn ào ngoài kia khi rẽ vào con đường dẫn tới đồn điền chè rộng lớn. Đồng chè nằm trên bờ Bắc của Biển Hồ, cách hồ nước khoảng 2 km. Được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ trước, đây là đồn điền chè đầu tiên trên cao nguyên Pleiku. Mỗi gốc chè đã chứng kiến bao dâu bể của những chủ đồn điền lẫn phu chè và thế hệ cháu con của họ trong ngót một thế kỷ. Nơi đây đã trở thành địa chỉ ngắm cảnh, dã ngoại được yêu thích nhiều năm nay bởi vẻ đẹp tự nhiên, trong lành. Nhưng hiểu về những phận người lặng lẽ vun trồng, chăm sóc để cây chè qua gần một thế kỷ vẫn miệt mài trút hương, hẳn không nhiều người biết. Vì thế mà những chuyện dâu bể quanh đồng chè góp sắc màu làm cho điểm đến này thêm hấp dẫn, mời gọi. Gần đó, ngôi cổ tự nằm tịnh lắng như tách mình khỏi thế sự giữa đồng chè bát ngát, điểm nhãn cho khung cảnh. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo tốn nhiều tâm sức của vị sư trụ trì. Sau cổng thiền, khách sẽ cảm nhận ngay cảm giác an tĩnh để thảnh thơi vãn cảnh.

Điểm đến cuối cùng khép lại hành trình khám phá một vùng thắng cảnh sẽ là ngọn núi lửa Chư Đăng Ya đã tắt từ hàng triệu năm trước, nằm trên địa phận xã Chư Đăng Ya của huyện Chư Pah. Đây là dấu tích núi lửa điển hình với miệng núi còn nguyên hình phễu. Người ta còn ví miệng núi giống như võ đài giác đấu của các chiến binh La Mã thời Trung cổ. Người bản địa quanh vùng trồng những luống khoai mật trên thành núi 45 độ nghiêng, tạo nên những luống khoai xếp đều tăm tắp gần như thẳng đứng. Vào mùa mưa, ngọn núi được bao phủ bởi màu xanh của cây dong riềng, khoai mật, bí đỏ. Nhưng đến mùa khô lại hóa một bức tranh lộng lẫy bởi những thảm dã quỳ vàng rực. Đây hiện là địa chỉ ngắm cảnh được yêu thích nhất hiện nay.

Ai là chủ nhân của những ruộng khoai mật màu mỡ trên đỉnh ngọn núi lửa đã tắt? Câu hỏi sẽ dẫn dụ bước chân du khách xuống chân núi tìm vào những ngôi làng Jrai quần tụ xung quanh, để được nghe thêm nhiều câu chuyện thú vị. Họ sẽ làm bạn thích thú bởi những câu chuyện như vì sao trên ngọn núi cao không ai có thể mang vác nước lên để tưới tắm ấy lại có thể tạo ra những mùa màng trù mật. Người Pháp đã trồng ra loại cà phê hảo hạng trên núi những năm đầu thế kỷ XX. Nhưng một trận đại hỏa hoạn đã thiêu rụi ngọn núi cùng phần lớn diện tích cà phê, chính thức khai tử cây cà phê khỏi địa hình khá đặc biệt như vậy. Đất trên núi được chia đều cho dân làng trồng các loại nông sản vừa mang giá trị kinh tế, vừa tạo ra thắng cảnh tuyệt đẹp “vạn người mê”.

Thêm sản phẩm du lịch mới

 

Màu xanh trù mật của ngọn núi lửa vào mùa mưa. Ảnh: Doãn Vinh
Màu xanh trù mật của ngọn núi lửa vào mùa mưa. Ảnh: Doãn Vinh
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai diễn ra trung tuần 12-2016, Công ty cổ phần Tập đoàn BOSSCO đã đăng ký đầu tư dự án “Tổ hợp du lịch quốc tế núi lửa Chư Đăng Ya-Biển Hồ” với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án du lịch có số vốn đăng ký lớn nhất từ trước tới nay tại vùng Tây Nguyên và cũng là dự án tầm cỡ quốc gia nếu được triển khai.

Cách đây không lâu, ngành du lịch Gia Lai đã phối hợp với các công ty lữ hành khảo sát tuyến thắng cảnh phía Bắc này nhằm tìm kiếm các tour, tuyến mới, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh. Tuy nhiên sau chuyến khảo sát, vẫn chưa có sản phẩm du lịch mới nào được định hình, khai thác. Chị Lê Lan-Công ty TNHH một thành viên Du lịch Hải Vân cho biết: “Xu hướng tham quan các thắng cảnh ở phía Bắc thành phố trong năm 2016 tăng vọt, đặc biệt là khách ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ có tour thăm núi lửa Chư Đăng Ya vì đây là điểm đến mới nổi, được nhiều diễn đàn du lịch nhắc tới. Còn tour cụ thể kết nối các thắng cảnh thì vẫn chưa hình thành”.

Nếu kết nối những điểm đến vừa kể, chắc chắn du lịch Gia Lai sẽ có thêm sản phẩm mới lạ, riêng có gắn với lịch sử trăm năm của một vùng đất. Song để khai thác du lịch một cách bền vững, ngành du lịch cần có chiến lược cụ thể trong việc bảo vệ cảnh quan, đào tạo con người. Nhất là trang bị kiến thức văn hóa-lịch sử cho đội ngũ hướng dẫn viên để có thể khai thác du lịch bằng cách kể những câu chuyện văn hóa. Đây cũng là cách khai thác du lịch bền vững, chuyên nghiệp của nhiều quốc gia. Không phải người Pleiku nào cũng biết để kể cho bạn bè nghe chuyện lịch sử trăm năm của đồng chè, của ngôi cổ tự, những truyền thuyết hư ảo đẹp mà buồn quanh “Đôi mắt Pleiku” hay những câu chuyện xưa cũ của đời sống cộng đồng bản địa Jrai quần tụ quanh chân núi lửa Chư Đăng Ya. Vì thế, để sản phẩm du lịch mới này chinh phục du khách, rất cần những yếu tố văn hóa lịch sử xung quanh. Bởi những câu chuyện văn hóa tự nó đã làm nên giá trị trường cửu trong dòng chảy lịch sử trăm năm qua.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm