Mùa lũ năm 2018 ở vùng ĐBSCL sắp đi qua, nước lũ tại đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đang rút nhanh. Đây cũng là lúc nhiều nông dân bắt tay vào vệ sinh đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị xuống giống lúa đông xuân cho một vụ mùa chủ lực trong năm. Do người dân bơm, rút nước trên đồng, nên nhiều loại cá kéo nhau ra sông và nông dân miền Tây sẵn sàng các phương tiện để vào “mùa” đánh bắt cá tự nhiên cuối lũ…
Đua nhau bắt cá
Mới sáng sớm nhiều nông dân ở xã biên giới Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) đã gọi nhau đi bắt cá đồng. Anh Nguyễn Văn Minh, nhiều năm làm nghề câu lưới ở xã Phú Hội, bộc bạch: “Hồi đầu lũ, cánh đồng Phú Hội rộng gần 1.800ha bị nước nhấn chìm mênh mông như giữa biển. Nay lũ rút đi nhiều, mực nước trên ruộng chỉ còn khoảng 1m, vậy là nông dân tụi tui tranh thủ giăng lưới bắt cá linh, cá rô, cá lăng, cá chốt, cá thiểu… hoặc đặt lọp bắt cá lóc đồng. Hôm nào trúng được vài chục ký cá các loại, kiếm được vài trăm ngàn đồng, ổn định cuộc sống trong mùa lũ”. Anh Trần Văn Tâm (ngụ xã Phú Hội) cũng cho biết: “Lũ đang rút, khoảng 2-3 tuần nữa khu vực này đồng loạt xuống giống lúa đông xuân. Vì vậy, nhiều hộ hối hả giăng lưới bắt cá trên ruộng, hay đặt lọp, đặt dớn ở sông, kênh mương, nhằm bắt các loại cá, cua và đặc biệt là tôm sông bán rất được giá. Có thể nói, đây là cao điểm của mùa cá ra sông nên ai cũng khẩn trương đánh bắt cá, tôm kiếm sống”.
Kéo lưới bắt cá. |
Chủ tịch UBND xã biên giới Phú Hội Bùi Thanh Sơn tâm sự: “Nhiều năm trước mỗi khi lũ về, chính quyền và người dân biên giới này vất vả bởi nước ngập tràn lan. Sau đó, được nhà nước đầu tư xây dựng nhiều tuyến đê bao, cụm dân cư vượt lũ, hạ tầng giao thông… vừa đảm bảo chỗ ở an cư cho dân vùng lũ, đồng thời là đường lộ cao ráo vượt lũ, nên bây giờ không còn bị ngập. Ngược lại, bà con luôn mong chờ lũ về nhiều nhằm mang theo nguồn lợi thủy sản, giúp dân đánh bắt mưu sinh mùa lũ”.
Tại Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… nhiều nông dân cũng tất bật “mùa khai thác cá đồng” khi lũ đang rút. Chị Thái Thị Đông, ở ấp Đông Mỹ, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) cho hay: “Mấy ngày qua những loại cá như cá linh, cá dảnh, cá mè trắng… từ ruộng kéo ra sông rất nhiều. Gia đình tôi thay nhau túc trực để kéo vó ở con sông Đông Mỹ này để bắt cá ra sông đem bán. Giá cá hiện nay dao động từ 15.000-40.000 đồng/kg (tùy loại). Tính ra kéo một cái vó mỗi ngày cũng thu nhập được mấy trăm ngàn đồng, dư tiền mua gạo”.
Say mê bắt cá. |
Đi dọc theo sông Sở Thượng (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nhiều người dân tranh thủ thả lưới đón “mùa cá ra sông”, nhất là những ngày nước kém. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) tâm sự: “Năm nay lũ về sớm và lên cao hơn các năm trước, do đó nguồn lợi thủy sản cũng khá hơn. Hiện tại lũ xuống nhanh và đến cuối tháng 11-2018 toàn xã xuống giống đồng loạt hơn 1.000ha lúa đông xuân. Vì vậy, bà con đang tập trung làm đất chu đáo và tranh thủ những lúc này đánh bắt cá đồng từ ruộng ra sông, vừa để ăn, vừa để bán. Nhà nào có điều kiện sẽ dự trữ cá linh lại để làm nước mắm rất ngon”.
Bội thu cá ruộng
Cùng với việc đánh bắt cá ra sông, những nông dân ở ĐBSCL cũng đang vào vụ thu hoạch “cá ruộng mùa lũ”. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) cho biết, mùa lũ năm 2018 khi nghe thông tin nước nhiều hơn các năm trước nên hàng ngàn hộ dân ở đây không sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông), mà bao lưới lại trên ruộng để thả cá mùa lũ. Đa số người dân thả giống 2 loại cá chủ lực là cá mè và cá chép. Trong khoảng thời gian từ rằm tháng 7 Âm lịch (lúc nước lũ vừa lên ruộng) và sau hơn 2 tháng là thời điểm thu hoạch cá.
Ông Hồ Văn Dư, ngụ xã Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ) đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng cá ruộng của gia đình ông rộng gần 4ha, đang cho thu hoạch. Ông Dư kể: “Cách nay hơn 2 tháng khi nước lũ đầu mùa vừa về, tôi bao lưới xung quanh 4ha và thả 60kg cá giống (cá mè và cá chép). Sau đó, tận dụng lúa chét của vụ hè thu, côn trùng trong rơm rạ, rong tảo, trứng ốc bươu vàng để cho cá ăn và cá phát triển rất nhanh. Mô hình cá ruộng này, không hề tốn tiền mua thức ăn, thuốc, hay công chăm sóc, chủ yếu để cá sinh sống tự nhiên theo con nước lũ. Nay lũ rút sẽ thu hoạch cá”. Theo ông Dư, nhờ lũ lớn nên cá ruộng phát triển thuận lợi, năng suất đạt từ 1-1,2 tấn/ha, hiện nông dân bán cho thương lái cân tại ruộng với giá 9.000 đồng/kg (cá mè) hoặc 15.000 đồng/kg (cá chép), thu lãi từ 10-12 triệu đồng/ha, sướng hơn làm lúa vụ 3.
Phấn khởi nhờ bội thu cá ruộng mùa lũ, ông Lê Văn Cường (xã Đông Hiệp) hồ hởi cho biết: “Nếu làm lúa vụ 3 thường hay vất vả do gặp cảnh mưa gió, sợ lũ vỡ đê gây thiệt hại. Ngược lại, khi áp dụng mô hình nuôi cá ruộng mùa lũ khỏe vô cùng, bởi vốn đầu tư ít, lợi nhuận ổn định. Thêm cái hay là mô hình này vừa để cải tạo đất tốt, diệt mầm bệnh, đảm bảo cho vụ lúa đông xuân năm sau tăng năng suất từ 10-20% so với bên ngoài”. Anh Lê Văn Tám, thương lái thu mua cá ruộng ở huyện Cờ Đỏ cho hay, gần cả tháng nay bà con trong vùng thu hoạch cá ruộng khá nhiều, ngày nào anh cũng thu mua 2- 4 tấn cá, sau đó chuyển lên TPHCM và các nơi tiêu thụ. Do cá ruộng nuôi vào mùa lũ, môi trường tự nhiên, không cho ăn thức ăn, vì vậy cá đảm bảo sạch, thịt chắc, ngon. Đặc biệt giá khá rẻ nên được người tiêu dùng các nơi rất chuộng.
Theo thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ tính riêng 2 huyện Cờ Đỏ và Thới Lai thì mùa lũ 2018 này có hơn 5.000ha thả nuôi cá ruộng cho hiệu quả tốt trên nhiều mặt. Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, nhận định thu hoạch cá ruộng đúng vào thời điểm cá ra sông đã tạo nên không khí nhộn nhịp. Từ những kết quả mang lại, tới đây huyện sẽ tính toán tuyên truyền nông dân giảm diện tích lúa vụ 3 nhằm đẩy mạnh cá ruộng mùa lũ, mang lại hiệu quả cao hơn. Các nhà chuyên môn cho rằng, cần tính toán giảm việc sản xuất lúa thu đông quá nhiều trong mùa lũ, bởi dễ rủi ro và hiệu quả không cao. Trong khi nếu chuyển sang trồng rau màu hoặc thả cá ruộng mùa lũ, sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn và phù hợp với tự nhiên hơn.
Huỳnh Phước Lợi (ĐTTCO)