Phóng sự - Ký sự

Mùa rươi, không phải ai cũng biết - Bài 2: Vớt 'lộc', đếm tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trời tối thẫm, mưa phùn rét buốt. Dưới ánh đèn pin như sao sa, hàng trăm con người bì bõm trên những thửa ruộng nước đã ngập đến bẹn để vớt “lộc trời”.

Không dám rời ruộng

“Rươi mọc rồi!”, một giọng nam trầm ấm hét to. Sau “thông báo” ấy, bà con làng trên xóm dưới ở xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An mang theo đồ nghề gồm vợt, xô, chậu, rổ, rá... ùn ùn kéo nhau ra đồng để vớt “lộc trời”. Mùa rươi bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hàng năm nhưng thường mỗi tháng có vài ba ngày rươi nổi nhiều. Bởi vậy, chớp thời cơ, các hộ dân huy động tổng lực ra đồng vớt rươi.

“Rươi thường nổi rộ vào buổi tối hoặc rạng sáng mùng 1, ngày Rằm hoặc thi thoảng nó lên bất kỳ, chẳng theo quy luật nào. Vào thời điểm rươi mọc, chỉ trừ người già và trẻ nhỏ, cả làng tay vợt tay xô, đầu mang đèn pin kéo nhau ra đồng. Cứ gọi là như hội, đèn lấp lóa sáng rực, đông vui lắm”, ông Lê Quang Vinh (52 tuổi, trú xóm 7, xã Châu Nhân) chia sẻ.

“Chiến lợi phẩm” sau một đêm dài lao động

“Chiến lợi phẩm” sau một đêm dài lao động

Dưới ánh đèn pin, những con rươi nhỏ hơn cái đầu đũa phóng loạn xạ như tên lửa trong dòng nước đục. Lão nông lật đật lội qua góc ruộng bên kia, nơi sát mương nước sửa lại cái đáy lưới chờ rươi theo dòng nước chảy chui vào. Ít phút, ông lại mở đáy lưới đổ từng mớ rươi vào xô. Trong ruộng, rươi chui lên mỗi lúc một nhiều. Cái đáy lưới càng lúc càng nhiều rươi hơn. Nhanh tay thu hoạch, ông Vinh cho hay: “Rươi ở Châu Nhân là loài rươi tự nhiên, béo múp, tầm 40 con cân được một lạng. Tính ra mỗi con rươi bé bằng đầu đũa có giá 1.000 đồng. Bởi vậy, dù lội bùn trong giá lạnh hay giữa đêm khuya, bất kỳ lúc nào rươi “mọc”, người dân đều túa ra đồng, còng lưng để vớt “lộc trời”, thậm chí không có thời gian ngẩng mặt lên nhìn ai”.

Rươi sau khi vớt lên, thương lái khắp nơi chạy xe đến tận nhà thu mua với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg. Sau đó được các nhà buôn chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Rươi sau khi được thu mua sẽ được vào các nhà hàng và chế biến thành các món ăn ngon, giàu chất đạm như mắm rươi, chả rươi, rươi hấp, rươi xào măng…

Ở ruộng bên, chị Nguyễn Thị Trâm (35 tuổi) phấn khởi khi đêm nay rươi “mọc” nhiều hơn mọi hôm. Mùa rươi, vợ chồng chị cùng nhau ra đồng vớt “lộc trời”. Trên thửa ruộng của nhà mình, chị cho biết mỗi đêm rươi lên, ít cũng thu được 5 - 7 kg rươi. Những đêm trời cho, có khi thu về 20 - 30 kg rươi. May mắn hơn, có đêm thu được cả tạ rươi, bỏ túi hàng chục triệu đồng. “Rươi thuộc họ giun đất, thân mềm, phải hết sức cẩn thận, lỡ tay làm rơi xuống đất là nó vỡ luôn. Rươi ở đây hoàn toàn tự nhiên chứ không phải nuôi đâu. Nó vào ruộng nhà ai thì nhà ấy được, nên thu hoạch được nhiều hay ít cũng do may rủi và ruộng lớn hay nhỏ. Dù vớt rươi chỉ là nghề làm thời vụ nhưng lại là nguồn thu nhập chính của gia đình”, chị Trâm bộc bạch.

“Chiến lợi phẩm” sau một đêm dài lao động

“Chiến lợi phẩm” sau một đêm dài lao động

Với những thửa ruộng nằm ven sông Lam, trồng lúa chỉ để lấy gạo sạch khỏi mua, rươi mới là thu nhập chính. Bởi một tạ lúa giá chỉ bằng 1,5 kg rươi. Một đêm đẹp trời, rươi lên nhiều, một sào ruộng cũng thu về bằng một tấn lúa. Thế nhưng, rươi không phải là loài dễ tính. Thửa ruộng nào hễ phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ cho lúa thì năm đó, rươi biến mất, không “mọc”. Vì thế, người dân ở đây không ai dám đụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Năm nào lũ nhiều, không hạn hán, đất đai nhiều phù sa, màu mỡ thì được mùa rươi và ngược lại. “Cúi suốt mấy tiếng, lưng mỏi nhừ rồi nhưng không dám rời ruộng. Mỗi tháng may ra chỉ có vài ba ngày rươi mọc, nên phải tranh thủ. Rươi thu hoạch đến đâu, thương lái canh trên bờ thu mua đến đó, có thời điểm rươi tăng giá vùn vụt, lên tới 550 nghìn đồng/kg. Tiền tươi thóc thật nên dù mệt, dù rét ai cũng háo hức. Nhà nào gặp may, một đêm thu gần chục triệu”, chị Trâm thoăn thoắt vớt rươi đổ vào chiếc xô sơn, tâm sự.

Nghĩ cách nuôi “rồng đất”

Hàng trăm người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An chong đèn chờ vớt “lộc trời”

Hàng trăm người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An chong đèn chờ vớt “lộc trời”

Rươi là sản vật có dinh dưỡng cao, được dân gian gọi là “rồng đất”. Để thu hoạch, người dân thường đào lạch để dẫn nước từ ngoài sông vào ruộng. Khi rươi bắt đầu nổi lên thì tháo nước ra kênh, chúng xuôi theo dòng chảy, tập trung về đáy lưới ở góc ruộng và bà con chỉ việc dùng vợt để vớt lên. Theo bà con nơi đây, rươi là loài sinh sôi tự nhiên “trời cho ai người ấy hưởng”. Dù là “lộc trời ban” nhưng người dân cũng phải có bí kíp để loài rươi sinh trưởng. “Đồng đất ở đây sản xuất 2 vụ lúa mỗi năm. Để đất sạch nuôi rươi, chúng tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Sau khi thu hoạch xong, đất được cày bừa thật kỹ để có độ tơi xốp, bón phân hữu cơ cho rươi sinh sống. Vào những ngày trước và sau ngày mùng Một và Rằm, cả làng ra đồng chờ nước xuống, rươi nổi lên để vớt. Tuy nhiên, cũng hên xui. Hai thửa ruộng cạnh nhau nhưng nhà này thu hoạch hàng yến, nhà khác thu hoạch được vài cân một mùa cũng là chuyện bình thường”, ông Trịnh Xuân Đào, người gắn bó hơn 20 năm với đồng ruộng Châu Nhân chia sẻ.

Ông Phan Đình Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho biết, mỗi năm, toàn xã thu về khoảng trên dưới 5 tấn rươi. Vào mùa rộ, thương lái đưa cả ô tô về mua rươi đi tiêu thụ. Lý do đặc sản rươi của xã được nhà hàng ưa chuộng, thương lái săn lùng vì giá trị dinh dưỡng cao và được nuôi tự nhiên. Thực tế, mỗi sào ruộng (500m2) nếu trồng lúa, sau khi thu hoạch, trừ các loại chi phí, người dân chỉ lãi chưa đến 1 triệu đồng. Trong khi đó, thu hoạch từ rươi có thể lên tới hàng chục triệu đồng cho một mùa kéo dài hơn 3 tháng, thậm chí, có trường hợp thu được cả tấn rươi. Bởi vậy, dù là công việc mang tính thời vụ nhưng đây là nguồn thu nhập chính của các hộ có ruộng rươi.

Người dân dầm mình trong nước lạnh để vớt rươi

Người dân dầm mình trong nước lạnh để vớt rươi

“Địa phương cũng nhận thấy tiềm năng kinh tế từ con rươi so với các loại cây trồng, vật nuôi khác. Trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chúng tôi đã có ý tưởng hướng tới chuyên canh loài sản vật có giá trị kinh tế lớn này. Tuy nhiên, cần phải nhờ các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu tính khả thi của việc nuôi rươi. Vì lâu nay chúng chỉ sống tự nhiên và biến mất nếu ruộng đất ô nhiễm hoặc có chất hóa học. Trong khi chờ đợi có phương án nuôi trồng cụ thể, hiệu quả thì xã giao khoán ruộng cho người dân. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con để phát huy hiệu quả nhất nguồn lợi thủy sản này”, ông Hoàn cho hay.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm