Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mùa thu trên núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa này, cỏ tranh bừng hoa trắng trên núi. Chuyện cũ qua bao năm rồi. Xóm nhà tranh ngày xưa ấy đầm ấm giữa núi rừng. Rồi một ngày tất cả dọn về phố, những dấu tích ấy cứ chìm mãi vào tiếng giun dế hàng đêm. Có lúc nhắm mắt lại vẫn mường tượng ra rõ mồn một…
Ngày ấy, người ở dưới xuôi lên, người theo sông, người leo đèo. Từ tranh tre của rừng lập mái nhà ba gian như vùng xuôi, thân tre cong queo vậy mà qua bàn tay thợ vẫn gọn gàng.
Thu, sương núi mỗi ngày càng đục như sữa. Cỏ tranh gọi người cắt lợp nhà, có nhà lên thì đất mới ấm. Đất lành, có ở mấy đời con cái đề huề vẫn không có hỏa hoạn, lũ rừng tàn phá. Những cái giếng được khơi. Ai ngờ trong lòng đất, những mạch ngầm vẫn âm thầm chảy như sức sống. Phải thật lâu, lâu lắm, sau chừng ấy năm người ta mới hiểu được cái tình của những con suối cứ âm thầm tích nước, từng đêm, từng đêm vẫn róc rách như lời thầm thì.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Ai ở núi từng thưởng thức vị trà trong ống tre? Nếu ở các thành phố lớn, người ta khá cầu kỳ từ việc lấy nước giếng, tráng ấm, ủ, giữ hơi nóng bằng những chiếc ấm da lươn… thì người trên núi chỉ có những lòng ống tre thanh sạch để pha trà. Nhấp ngụm trà giữa gió thu vi vút, cảm tưởng như gió thôi se sắt.
Trên khắp thế giới, mùa thu mỗi nơi một khác, với từng địa hình, khí hậu lại hình thành nên những sinh vật ngủ đông kỳ lạ, những loài khôn ngoan tránh rét. Còn ở đây, sau một mùa xuân bừng nở các loài hoa đẹp, mùa hạ đong đầy trái ngọt, cuối thu là lúc các loài cây, cỏ dại đơm hoa. Những thứ hoa bị bỏ quên, bị khinh rẻ, nhưng đó cũng là khát vọng phát tán những ước mơ.
Thu, mưa núi đã thưa dần, đêm trong veo như khối thạch đen, tưởng như có thể cảm nhận được vị mát nơi đầu lưỡi. Không còn là mùa sinh sản, những loại côn trùng khắc khoải, tha thiết cất lên một giai điệu buồn tự ngàn đời. Có thể đấy là khúc bi ca của những sinh vật đã chậm chân trong cuộc tiến hóa này chăng?
Chẳng phải ngẫu nhiên mà thi nhân từ xưa đã nói con người phải lắng nghe mùa thu bởi đó là tiếng lòng của vũ trụ. Khi nắng, mưa, gió… đã trở nên hồn hậu, khi nông sản đã được thu hoạch tương đối, người ta cũng có tâm thế để đón nhận, để nhìn lại vạn vật xung quanh.
Mùa này, đường về núi như quang hơn, người lên núi vắng hơn. Dưới thung, nơi từng mái nhà khói bếp ấm nồng như quyện mãi chưa chịu tan, nắng gác một bên núi mà chưa chịu tắt. Ai đã từng ở núi mới biết mùa thu dài như thế nào, dài như một tiếng chim đêm thảng thốt khi gió lạnh lùa về làm chiếc tổ không còn ấm, dài như ánh trăng rớt trên suối vắng, như câu chuyện kể bên bếp lửa. Cỏ tranh vẫn hồn nhiên gọi người cắt về lợp mái. Có biết đâu, thu xưa đã xa lắm rồi…
BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm