Phóng sự - Ký sự

Mùa thương màu cỏ úa…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 22-7-1978, với những Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM là ngày họ nhớ mãi - ngày hy sinh của 24 TNXP, Trung đội 3, Tổng đội 3 biên giới. 24 liệt sĩ trong số 99 liệt sĩ TNXP đã hy sinh ở bên kia đất Mẹ cho cuộc chiến bảo vệ biên giới quê hương, là ký ức đầy nước mắt, một câu chuyện bi tráng của lực lượng TNXP TP. Và, ngày 22-7-2017, một buổi sáng, dù không muốn nhớ; nhưng không ai trong lực lượng TNXP TP có thể quên…

Chiến tranh không có ngày chủ nhật

Ngày thứ bảy, 21-7-1978, Trung đội 3 TNXP thuộc Liên đội 303 gồm 18 chàng trai và 8 cô gái vừa đến xã Kokisom, tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Căn nhà sàn, lán trại giữa chiến trường của họ trong những ngày máu lửa sắp tới, được các cô gái nhanh chóng làm vệ sinh sạch sẽ. Trung đội trưởng Ngô Đức Minh sắp xếp lại kho gạo để chuẩn bị tiếp tế cho Sư 7, Quân đoàn 4, đơn vị bộ đội mà liên đội sẽ phối hợp trong những ngày chiến đấu gian nan sắp tới, trên đất bạn.

 

Những TNXP của Liên đội 303 biên giới năm xưa kể chuyện cũ (từ trái sang: Các anh Trịnh Văn Sáu, Hoàng Hải và Võ Minh).
Những TNXP của Liên đội 303 biên giới năm xưa kể chuyện cũ (từ trái sang: Các anh Trịnh Văn Sáu, Hoàng Hải và Võ Minh).

Bóng tối nhanh chóng đổ ập xuống khu rừng và bao trùm căn nhà sàn. Đêm ở chiến trường lặng lẽ, ẩn chứa những điều bí ẩn. Anh Võ Thành Minh (gọi là Võ Minh), Đại đội phó, Đại đội 4 TNXP, Liên đội 303, kể, đơn vị anh đóng quân gần đấy. Chiều trễ, vẳng theo gió chiều có những tiếng cười rất trẻ, anh đoán chắc là đồng đội vừa lên chốt. Anh nghĩ, vừa di chuyển đoạn đường khá xa, có thể họ sẽ ngủ say hơn vì quá mệt. Anh và mấy anh em bên chỗ anh nhắc nhau, đêm ấy chú ý động tĩnh hơn, khu vực ấy. Đêm đầu tiên nơi chiến trường đầy bom đạn của những chàng trai, cô gái TNXP TP đi qua bình yên. Sớm tinh mơ ngày chủ nhật, 22-7, bên lán trại khu nhà sàn, anh Võ Minh nghe tiếng hô tập thể dục của tiểu đội nữ khá rõ: “Khỏe. Khỏe. Khỏe” và tiếng cười ngọt ngào buổi sớm mai của tiểu đội nữ khiến khu lán trại bên anh vui lây. “Dù chủ nhật, chúng tôi vẫn họp triển khai kế hoạch làm đường, tải đạn, tiếp lương thực cho bộ đội mà bên Trung đội 3 vừa chuyển lên. Chiến tranh làm gì có ngày chủ nhật hay thứ hai…”, vuốt nhanh khuôn mặt khắc khổ, anh Trịnh Văn Sáu, Liên đội phó 303, nói như than, “Mới sáng tinh mơ, các đồng đội tôi còn chưa kịp ăn bữa sáng đã bị bọn Pol Pot thảm sát…”. Cánh quân của Sư 7 đóng gần đấy cũng giật mình, bỡ ngỡ bởi cuộc tấn công quá sớm. Định vị tiếng nổ của M79 và họ giật mình vì “hình như” đó là nơi Trung đội 3 TNXP TP vừa đến nhận nhiệm vụ. Phía TNXP của anh Võ Minh cũng thót tim và họ chụp vội vài khẩu súng cùng dao rựa cắm đầu chạy về phía súng nổ, đạn bay…

Ở khu nhà sàn, bọn Pol Pot đã dùng súng phun lửa nhắm vào kho gạo. Trung đội trưởng Ngô Đức Minh đã cháy bùng cùng kho gạo. Anh hy sinh ngay từ những phút đầu tiên của trận chiến. Khi bọn Pol Pot đang điên cuồng tấn công với sự chống trả không cân sức của những chàng trai TNXP thì 8 cô gái nhảy ào xuống căn hầm chữ A gần đó.

Bỏ lại bãi chiến trường tan hoang gần khu nhà sàn, bọn Pol Pot quay sang căn hầm chữ A và xả xuống đó những loạt đạn trong tiếng la hét thất thanh của những cô gái. Chúng gọi xí xồ. Vài cô gái còn sống chui lên từ căn hầm sặc mùi thuốc súng. Lục Thiên Hương, cô gái người Hoa đã dùng những thế võ gia truyền để cố bảo vệ mình và các bạn. Nhưng cô không thể. Và, Lục Thiên Hương là cô gái cuối cùng trong số 7 cô gái TNXP hy sinh ngay trong buổi sáng đầu tiên họ đến nhận nhiệm vụ ở khu rừng thuộc xã Kokisom, tỉnh Svay Rieng, Campuchia.

Ký ức màu cỏ úa

Tên các cô gái vừa được điểm danh sớm mai ấy đã trở thành tên gọi bất tử trong lòng những người TNXP TP: Lục Thiên Hương, Võ Thị Ngọc Mai, Nguyễn Thị Em, Đỗ Thị Vân, Võ Thị Ngọc Dung, Vũ Thị Ngọc Mai, Trần Thị Nhung.

 

Đền tưởng niệm các Liệt sĩ TNXP TP ở Bến Cầu, Tây Ninh.
Đền tưởng niệm các Liệt sĩ TNXP TP ở Bến Cầu, Tây Ninh.

Nhưng sao chỉ là 7 mà không là 8 người? Còn Nguyễn Thị Lý?

Anh Võ Minh, Đại đội phó Đại đội 4, đau lòng nhớ lại chuyện của 39 năm trước. Các anh bên Sư 7 chạy lên chốt tiếp cứu, nhưng đã chậm. Bọn Pol Pot đã rút đi. Các anh chạy đến nơi, nước mắt trào khi nhìn những ống cuộn tóc vương vãi quanh căn hầm, những chiếc nón tai bèo đẫm máu, những chiếc ba lô cháy dở dang nơi miếng ván còn ấm hơi đồng đội mới nằm đêm qua… Và, khi bế xác những TNXP hy sinh, các anh bên Sư 7 phát hiện, cậu giao liên Nguyễn Văn Tuấn nằm thoi thóp dưới xác mấy anh TNXP khác trên bộ ván trong nhà sàn. Bọn chúng tưởng Tuấn đã chết nên bỏ đi. Chúng tôi phát hiện thiếu Nguyễn Thị Lý. Vậy là Lý bị chúng bắt làm tù binh và chúng dẫn Lý đi đâu?...

Sau này, khi tôi gặp lại chị ở căn nhà nhỏ trong con hẻm cũng nhỏ ở quận 5, chị Lý kể không đầu không cuối về câu chuyện… Bởi với chị, cơn ác mộng ấy không bao giờ có thể quên. Chúng dẫn chị với những vết thương trên người đi khá xa cho đến khi chúng gặp một nhóm người đang bị chúng cột chặt vào nhau. Xì xồ bàn tán và bọn khát máu quyết định xử bắn tất cả những người dân vô tội cùng dòng máu, cùng dân tộc với chúng. Chúng xô chị Lý vào trong hàng của những người sắp bị hành quyết ấy. Súng nổ. Những xác người đổ rạp. Trong giây phút sinh tử cận kề ấy, chị Lý đã làm một động tác tuyệt vời nhất trong đời chị - ngã ngửa ra sau khi viên đạn còn “đang trên đường bay đến”. Một xác khác đổ rạp trên người chị. Chúng bỏ đi bởi tưởng chị đã chết… Nằm như chết bao lâu, chị không rõ. Chị cố mở mắt nhìn lên bầu trời. Chị đoán đó là buổi chiều xế và nghe có tiếng nói lao xao… Tiếng Việt Nam. Chị Lý cố gắng gọi… Bộ đội của Sư 7 đã thấy… Chị được đưa về trạm y tế tiền phương của Mặt trận 479, để cuối ngày ấy, cô gái TNXP sống sót duy nhất sau trận thảm sát đê hèn của bọn Pol Pot ngày 22-7-1978 được chuyển thương khẩn cấp bằng trực thăng về Quân y viện 175.

Anh Nguyễn Hoàng Hải, Đại đội phó Đại đội 4, kể, ngày ấy, chúng tôi còn quá non nớt trong ứng xử với chiến tranh. Chúng tôi, những TNXP TP với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với mong muốn góp sức cùng quân đội chủ lực giữ bình yên cho mảnh đất biên cương phía Tây Nam của nước nhà. Hy sinh, mất mát là điều không thể tránh khỏi, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa. Liên đội phó 303 biên giới ngày xưa, anh Trịnh Văn Sáu, là người rất ít nói. Gần hết buổi nói chuyện trong ngày giỗ bạn, anh chỉ nhìn đăm đắm qua khoảng đất rất xa, bên kia cột mốc biên giới với cặp mắt thỉnh thoảng lại ậng nước, nói: “Chúng tôi được lệnh rút về nước đầu tháng 10-1979, sau hơn 1 năm tham gia chiến dịch biên giới. Khi bước qua cây dừa, cột mốc chia tay trong ký ức của đoàn quân đội mũ tai bèo, có người đã bật khóc. Nhưng chúng tôi không cảm thấy tiếc và chắc các liệt sĩ TNXP cũng không cảm thấy tiếc, khi đã tình nguyện ra biên giới, ngày ấy…”.  

Ngày 21-7 bao năm qua, ở ngôi Đền Tưởng niệm các Liệt sĩ TNXP TP ở Long Phước, Bến Cầu, Tây Ninh, anh Hai Sang, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội 3 Biên giới, những chỉ huy của “lính biên giới”: anh Trịnh Văn Sáu, Nguyễn Hoàng Hải, Võ Thành Minh, chị Thái Hạnh, Dương Minh Huệ, Hoàng Thị Diễm Trang… lặng lẽ sắp bàn thờ, gọi tên những đồng đội, như ngày xưa điểm quân tiễn nhau vào chiến trận. Họ ngồi bên nhau, trong bóng tối, nhìn về phía con đường vành đai biên giới, nơi có cây dừa trong ký ức, xa xa là Ngã ba Trâu chết… để chờ sáng…

Một buổi sáng trong ký ức mà dù không ai muốn có, thì cũng không ai có thể quên!

Phạm Thục/sggp

Có thể bạn quan tâm