Phóng sự - Ký sự

Mùa thương nhớ ở miền nắng gió - Kỳ 1: Loài hoa mang màu nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hoa bơ lâu nay không phải là một loại hoa “mời khách” nhưng vào độ bung nở, vẻ đẹp nó mang đến cảm giác mới lạ, thú vị làm nhiều người xao xuyến. Loài cây này không cần người nông dân phải dầm mưa, dãi nắng vất vả khó nhọc chăm sóc nhưng vẫn mang lại thu nhập cao.

Xao xuyến mùa hoa bơ

Tây Nguyên mùa khô, nắng vàng hanh trải khắp các con đường, ngõ ngách. Khí trời đồng điệu nhen vào lòng người cảm giác bồi hồi xao xuyến. Cô bạn tôi thủ thỉ trên đường từ TP Buôn Ma Thuột về huyện Krông Búk (Đắk Lắk), rằng, mọi người đã quen với những nương rẫy cà phê nở hoa trắng muốt, ít ai để ý thời điểm này hoa bơ cũng vào thời điểm khoe sắc.

Hoa bơ nhỏ, nở thành từng chùm chi chít, phô diễn sắc đẹp của mình trong nắng.

Hoa bơ nhỏ, nở thành từng chùm chi chít, phô diễn sắc đẹp của mình trong nắng.

Trên những vườn rẫy cà phê điểm xuyết giữa bồng bềnh tuyết trắng là cánh hoa vàng nhẹ chụm vào nhau đung đưa theo gió đem đến một vẻ đẹp nhẹ nhàng. Bước ra từ dưới gốc bơ, trên đầu còn vương những cánh hoa li ti, ông Nguyễn Văn Cường (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) cho biết, nhà ông có 4 ha trồng cà phê, xen bơ và sầu riêng, đang là mùa đẹp nhất năm. Những cây trong rẫy trút lá, trổ hoa. Mùa hoa bơ bắt đầu khoảng từ tháng 2 đến hết tháng 3 dương lịch. Những bông hoa bơ khi nở rộ phủ khắp nương rẫy. Nhìn từ trên cao, hoa bơ như một lớp nắng vàng nhẹ là là nơi mặt đất.

Tôi tần ngần đứng giữa vườn hoa bơ đang độ bung cánh, cảm giác như ôm hết cả nắng vào lòng. Hoa bơ nhỏ, nở thành từng chùm chi chít, phô diễn sắc đẹp của mình trong nắng. Ngày còn bé, tôi thường nhặt hoa bơ cho vào quyển vở ép thành hoa khô.

“Hoa bơ mang đến cảm giác mới lạ, thú vị, khiến nhiều lữ khách muốn thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của gam màu tươi mát này. Khi hoa rụng xuống, tạo thành thảm vàng xanh trong khu vườn...”, một chị du khách tạo dáng chụp ảnh bên cây bơ tiếp chuyện.

Cây bơ đã giúp giúp nhiều hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Cây bơ đã giúp giúp nhiều hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Ngày trước, nhà bố mẹ tôi trồng hàng bơ sau vườn lấy bóng mát. Ngày ấy, không mấy ai thích ăn bơ, vì vị nhạt. Mỗi sáng ra vườn sớm, tôi lại lượm được một rổ trái chín rụng dưới gốc, bổ đôi ra, bỏ hạt lấy phần ruột vàng ươm cho vào ly đổ ngập sữa đặc, sau đó thưởng thức, cảm nhận hương vị béo, bùi, dẻo. Sau này, xuất hiện nhiều giống mới, bơ được ưa chuộng và trở thành đặc sản.

Những cây bơ ở đây được chủ vườn chăm sóc rất cẩn thận. Cây bơ ra hoa vào mùa khô nên người dân tưới nước với lượng phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoa thụ phấn, tăng tỷ lệ đậu quả.

Đặc sản hạ nhiệt

Ngồi dưới tán bơ xanh mát nghỉ giải lao, chị Nguyễn Thị Hương (huyện Cư M’gar) cho biết, những năm trước đây, cây bơ đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện vươn lên làm giàu. Cây bơ dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, năng suất cao, chi phí đầu tư lại ít. Những năm gần đây thời tiết bất lợi nên ảnh hưởng năng suất và sản lượng.

Gia đình chị Hương có hơn 2 ha trồng bơ xen cà phê và sầu riêng, trước kia cho khoản thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình chị khấm khá. Việc đa canh trong vườn cà phê tránh được nguy cơ thua lỗ khi chỉ độc canh một loại cây trồng.

Cô bạn tôi thắc mắc vì sao khi chín, có loại bơ vỏ vẫn giữ nguyên màu như khi còn xanh, nhưng cũng có loại lại đổi qua màu tím. Chị Hương chia sẻ, tuỳ vào giống bơ mà vỏ có màu chín khác nhau. Ở đây người dân chủ yếu trồng các giống bơ sáp, bơ hass, bơ booth, bơ 034, bơ Cuba... Có thời điểm giá bơ booth, bơ 034 lên đến 100.000 đồng/kg. Vài năm trở lại đây, trái bơ mất giá khiến nhiều nhà vườn “quay lưng” với bơ, chuyển sang các loại cây trồng khác. Năm qua, vườn bơ 034 trái vụ của gia đình chị Hương thương lái chỉ mua giá chỉ 17.000 đồng/kg. Dù vậy chị vẫn quyết giữ vườn.

Nhiều hộ dân chủ yếu trồng bơ booth vì thời gian chín lâu, thích hợp cho việc bảo quản và vận chuyển đi xa

Nhiều hộ dân chủ yếu trồng bơ booth vì thời gian chín lâu, thích hợp cho việc bảo quản và vận chuyển đi xa

“Vùng này, hiện nhiều nông dân đã thấm việc chạy theo phong trào trong sản xuất nông nghiệp. Khi bơ rớt giá, nhiều hộ kiên trì giữ lại vườn. Nhiều người áp dụng kỹ thuật chăm sóc vườn bơ hợp lý để dưỡng cây, tăng nguồn thu từ cây trồng xen. Chồng tôi thường tỉa cành, tạo tán, thực hiện biện pháp ghép chồi trên thân cây bơ booth trưởng thành. Dùng chồi bơ 034 để ghép cho vườn bơ booth, cây phát triển bình thường, đạt năng suất”, chị Hương tâm sự.

Gắn bó với cây bơ từ thời kỳ đỉnh cao đến nay, chứng kiến sự tăng giảm của loại cây trồng này, ông Nguyễn Văn Vị (huyện Cư M’gar) không chạy theo phong trào “trồng chặt, chặt trồng”. Ông trồng xen canh thêm sầu riêng, mít, cà phê, mắc ca. Rẫy nhà ông chủ yếu trồng giống bơ booth. Theo ông Vị, thời gian thu hoạch giống bơ này kéo dài khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 và thời gian chín lâu hơn, thích hợp cho việc bảo quản, vận chuyển đi xa.

Với hơn 1 ha trồng bơ xen canh các loại cây, ông Vị dự tính, năm nay sẽ cho khoảng hơn chục tấn quả. Ông Vị cho biết, cây bơ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất Cư M’gar. Trước đây, khi bơ mới ra quả non, nhiều người tới đặt cọc để giữ vườn. Mùa bơ năm nay vắng khách. Ông kỳ vọng bơ booth sẽ khởi sắc trong thời gian tới.

Năm qua, bơ mất mùa, mất giá, nhiều vườn để bơ tự rụng. Một số hộ vun vào gốc làm phân bón. Một số vùng khác, sau khi thu hoạch, người dân đã chặt bỏ. Trước thực tế đó, nhiều HTX đã liên kết với một số nông hộ, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đa dạng về giống loài, mùa vụ, bảo đảm việc có bơ thu hoạch quanh năm. Ngoài ra nhiều cơ sở đã linh hoạt sản xuất tinh dầu, phục vụ chế biến mỹ phẩm.

Chị Nguyễn Thị Nhàn (huyện Krông Búk) có gần 1 ha cà phê trồng xen bơ chia sẻ, nhận thấy giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ cũng như làn da, hiện tại có một số thanh niên trên địa bàn tỉnh nâng tầm giá trị quả bơ, tạo ra các sản phẩm làm đẹp từ quả này.

Chị Nhàn chia sẻ, ngoài là thực phẩm tốt cho sức khoẻ, chị thường dùng quả bơ tự nhiên làm sữa rửa mặt, dưỡng ẩm cho da...kết hợp với một vài nguyên liệu có sẵn thành “dược liệu” quý cho làn da, vừa an toàn vừa tiết kiệm.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng bơ đứng thứ hai cả nước với gần 9.000 ha (sau Lâm Đồng); sản lượng đứng thứ nhất, chiếm trên 40% sản lượng bơ cả nước. Thời gian gần đây, diện tích bơ của Đắk Lắk giảm còn khoảng trên 7.000 ha. Cây bơ ở Đắk Lắk chủ yếu trồng xen trong vườn, rẫy cà phê nhằm tăng thu nhập. Các giống bơ phổ biến trên địa bàn tỉnh gồm bơ booth, bơ tứ quý, bơ 034, bơ hass, giống bơ địa phương…

(Còn nữa)

Theo Nguyễn Thảo (TPO)

Có thể bạn quan tâm