(GLO)- Khi chúng tôi ghé thăm vườn rẫy của gia đình ông Nguyễn Văn Huế (tổ 13, thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), mùa thu hoạch vải vừa kết thúc. Mấy chùm vải cuối mùa được ông ân cần mang ra mời khách. Câu chuyện với chủ vườn đã cho chúng tôi hiểu thêm rằng, vị ngọt cây trái ấy có được là nhờ ý chí của người cựu chiến binh cộng với sự sưởi ấm của tình đồng đội.
1. Nổi tiếng khó chăm, vậy mà hàng trăm cây vải Thanh Hà (Hải Dương) và vải Lục Ngạn (Bắc Giang) đều sinh trưởng tốt trên hơn 2 ha đất rẫy của gia đình ông Nguyễn Văn Huế. Trước kia, ông trồng mì trên diện tích này nhưng thấy hiệu quả kinh tế thấp nên bèn tìm hiểu, học hỏi rồi chuyển sang trồng vải. Nhận thấy loại cây này mang lại nguồn thu nhập lý tưởng, cuối tháng 9-2021, ông Huế vận động thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên phong Kbang với 14 thành viên tham gia. Người cựu chiến binh năm nay hơn 60 tuổi cười thật hóm khi so sánh: “Về thu nhập thì mì phải gọi vải là… sư phụ!”.
Ông Nguyễn Văn Huế đang chăm sóc vườn vải của gia đình. Ảnh: Lam Nguyên |
Theo chân ông Huế cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện dạo dưới những gốc vải, chúng tôi được giải thích rõ hơn về cách phân biệt 2 loại vải đặc sản cũng như kỹ thuật chăm sóc. Ông Huế cho biết, cây vải rất thích hợp với những vùng đất sỏi đá. Từ năm thứ 4, cây bắt đầu cho trái bói. Đặc biệt, với điều kiện cây vải phải có 200 tiếng đồng hồ sinh trưởng trong thời tiết lạnh thì mới đảm bảo nở hoa, kết trái, Kbang cũng đáp ứng tốt khi có 2 tháng lạnh dịp cuối năm. Chỉ cần thành thạo thêm một số kỹ thuật nghiêm ngặt về cắt cành, chăm tưới thì tại Tây Nguyên, người nông dân có thể cung ứng ra thị trường một lượng lớn loại trái cây được xem là đặc sản phía Bắc này. Với năng suất khoảng 8 tấn/ha, giá bán dao động trong khoảng 28-32 ngàn đồng/kg như vụ vừa rồi, gia đình ông Huế thu về trên dưới 250 triệu đồng/ha.
2. Câu chuyện giữa vườn rẫy xanh mướt càng rôm rả với sự xuất hiện của ông Trương Quang Đạt-người đồng đội từng tham gia chiến đấu cùng đơn vị với ông Huế ở chiến trường C (Lào). Sau nhiều lần tìm kiếm, cách đây vài tháng, ông mới gặp lại ông Đạt và một số đồng đội cũ đang sinh sống ở Tây Nguyên sau gần 40 năm. Từ Đak Mil (Đak Nông), biết bạn thiếu nhân công thu hoạch vải, ông Đạt chẳng nề hà lặn lội sang giúp cả tháng trời. “Đồng đội cũ mà giúp được nhau thì quý lắm. Phải từng là lính thì mới có được thứ tình cảm như thế”-ông Đạt vui vẻ chia sẻ. Hai người lính từng sát cánh bên nhau ngày nào giờ lại cùng thoăn thoắt thu hoạch, chăm tỉa, thỉnh thoảng đùa tếu rồi cười rộ lên, chẳng khác gì thời trai trẻ.
Vừa đưa đôi bàn tay rắn rỏi cắt cành, ông Huế vừa kể: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nga Thiện, Nga Sơn, Thanh Hóa, ông nhập ngũ năm 1980. Từ Sư đoàn 442, ông được biên chế vào Đại đội 3, Trung đoàn 245 làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường C. Những ngày phối hợp với bộ đội Pathet Lào truy quét phỉ Vàng Pao dọc dài biên giới vẫn là thước phim sống động trong tâm trí người cựu chiến binh. Bao lần hành quân gian khổ, ớn lạnh những cơn sốt rét rừng hay thử thách sinh tử khi rơi vào trận phục kích… May thay, bộ đội Việt Nam được đón nhận tình thương mến và sự giúp đỡ hết lòng mà nhân dân Lào dành cho.
Từ trái sang-Ông Nguyễn Văn Huế và ông Trương Quang Đạt, đôi bạn cựu chiến binh. Ảnh: Lam Nguyên |
Sau khi xuất ngũ năm 1983, ông Huế chọn Kbang làm nơi lập nghiệp rồi xin vào công tác tại Phòng Kinh tế huyện. Khoảng cách địa lý và cuộc sống với bao khó khổ, thăng trầm khiến những người đồng đội cũ có nhớ đến nhau thì cũng chỉ biết vậy. Nhiều năm gần đây, khi cuộc sống dần ổn định, con cái phương trưởng, ông Huế bắt đầu tìm cách liên lạc với bạn cũ. Cuối cùng, ông đã kết nối được với những người cùng sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên như ông Đạt, ông Lê Văn Hải (Đak Nông), Đại đội trưởng Nguyễn Văn Huỳnh (Đak Lak).
Gian khó đời lính đã tôi luyện ý chí của những con người từng cầm súng, đồng thời biến tình đồng đội thành thứ tình cảm sâu nặng lạ kỳ, vượt qua mọi tính toán nhỏ nhặt. Thành ra, họ luôn vì nhau, đối đãi với nhau như ruột thịt. Có lần, nghe ông Hải kể chuyện phát hiện bị sỏi mật, ông Huế sợ bạn mổ tốn kém, khó lại sức nên bảo bạn qua ở hẳn nhà rẫy với mình 1 tuần. Sau đó, ông nhờ người thân có bài thuốc trị sỏi mật đi cắt thuốc giúp. Thật may, kích thước những viên sỏi nhỏ dần. Khi nghe bạn nhắc chuyện chi phí, ông Huế xua tay trả lời rất nhanh, rất hóm: “Không quan trọng chuyện tiền bạc, khi nào mày khỏe thì… đưa bao nhiêu tao cũng lấy!”.
Vườn vải cứ thế thành nơi điền viên và đón bao cuộc gặp gỡ của những người từng chung chiến hào. Khu vườn hôm ấy khiến chúng tôi không chỉ thích thú khi được nếm thứ trái chín thơm ngọt mà còn xúc động vô cùng vì nghĩa tình đồng đội.
LAM NGUYÊN