Mùa vàng trên cánh đồng Kja

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dòng nước mát lành từ hồ thủy lợi Ia Mlah làm cho cánh đồng Kja hồi sinh. Không còn thấy cảnh dân xã Chư Gu (huyện Krông Pa, Gia Lai) đỏ mắt ngóng trời mưa để xuống giống.
Ký ức buồn
Cánh đồng Kja có diện tích khoảng 70 ha, nằm dưới chân núi Chư Jú và cách dòng sông Ba khoảng 100 m. Từ năm 1975, người dân đã trồng lúa và hoa màu ở cánh đồng này. Già Ksor HNhót (buôn Ma Rok) kể: “2 sào ruộng này là của bà ngoại cho mình. Hồi trước, dân trong xã chỉ trồng được 1 vụ lúa vào mùa mưa, mùa nắng thì để không. Một vụ cũng chỉ gặt được mấy bao lúa thôi, không đủ ăn trong năm, nghèo đói lắm”.
Để cải tạo cánh đồng Kja, năm 2007, tỉnh đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng dài 3 km và một trạm bơm điện để bơm nước từ sông Ba về tưới cho cây trồng. Dân Chư Gu chưa kịp vui vì sẽ trồng được lúa 2 vụ thì trạm bơm ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do dòng sông Ba bị cạn nước vào mùa khô khi các thủy điện phía thượng nguồn tích nước. Tình trạng này khiến dân Chư Gu phải tạm dừng trồng lúa vụ mùa và chỉ trồng lúa Đông Xuân. “Khi đó, cứ đến mùa khô, đất đai ở cánh đồng Kja nứt nẻ, khô khốc và trở thành nơi chăn thả gia súc. Ai có rẫy thì làm còn không thì ở nhà. Nhà nào cũng thiếu đói giáp hạt. Kênh mương thì hư hỏng”-ông Ksor Toet (buôn Ma Rok) nhớ lại.
 Ông Ksor Then tưới nước cho ruộng lúa ở cánh đồng Kja (xã Chư Gu, huyện Krông Pa). Ảnh: N.T
Ông Ksor Then tưới nước cho ruộng lúa ở cánh đồng Kja (xã Chư Gu, huyện Krông Pa). Ảnh: N.T
Giữa năm 2014, UBND huyện Krông Pa đã chi 1,5 tỷ đồng để cải tạo ruộng đồng, mương thoát nước và nâng cấp trạm bơm điện. Tuy nhiên, trạm bơm này lại hoạt động rất phập phù. Ông Ksor Then (buôn Chư Băng) bộc bạch: “Chúng tôi sạ lúa ngay khi có nước từ trạm bơm mới sửa. Ngờ đâu, máy bơm liên tục hỏng, chúng tôi phải thức đêm ra đồng canh nước hoặc thuê máy bơm nước từ sông Ba lên để cứu lúa. Nhiều nhà chấp nhận bỏ ruộng lúa chết khô vì không đủ tiền thuê máy bơm. Mấy năm tiếp theo, người dân lại chỉ trồng 1 vụ lúa/năm”.
Tín hiệu vui
Cuối năm 2017, một con kênh nối từ hồ chứa nước Ia Mlah đến cánh đồng Kja được xây dựng xong. Nước từ hồ chứa Ia Mlah chảy theo kênh N33 vượt qua dãy Chư Jú về tưới mát cho cánh đồng lúa 70 ha và 80 ha hoa màu của người dân xã Chư Gu. Nông dân nô nức ra đồng làm lúa 2 vụ. Sự hồi sinh của cánh đồng Kja như thổi thêm luồng sinh khí mới cho vùng đất khát. 
Những ngày này, người dân Chư Gu ai cũng phấn khởi khi 2 vụ lúa đạt năng suất cao. Ông Ksor Then phấn khởi: “Nhà mình có 7 sào lúa nước. Trước đây, chỉ trồng 1 vụ/năm nên thu hoạch được mấy bao lúa thôi. Mấy năm nay, nhờ đủ nước tưới, nhà mình làm 2 vụ lúa/năm. Năng suất cũng cao hơn nhiều. Vụ vừa rồi, gia đình mình thu được 80 bao lúa, mỗi bao khoảng 40 kg. Với giá 7.000 đồng/kg khô, mình có thu nhập kha khá. Vụ này, mình mới sạ xong 2 sào lúa và đang làm đất 5 sào còn lại”.
Hộ ông Rơ Châm Sơm (buôn Ma Rok) và hộ ông Nay Mlet (buôn Chư Băng) có diện tích đất trồng lúa nhiều nhất nhì ở xã Chư Gu. Ông Sơm có 1,3 ha đất trồng lúa, vụ vừa rồi thu 160 bao. “Mình trồng giống lúa mới nên năng suất cao hơn những hộ khác. Ruộng mình cũng gần kênh chính nên nhận được nhiều nước hơn, cây lúa đủ nước cho hạt to hơn. Lúa đạt năng suất cao, mình có thêm thu nhập để lo cho con cái ăn học”-ông Sơm nói.
Trưởng thôn Chư Băng-anh Ksor De dẫn chúng tôi tham quan xóm làng và cánh đồng Kja. “Lúa và các loại cây trồng khác được giá, được mùa giúp đời sống người dân khởi sắc hơn. Đặc biệt là từ khi trồng được lúa 2 vụ thì thu nhập của người dân tăng lên. Nhiều hộ đã làm được nhà mới to đẹp hơn. Riêng dân buôn Chư Băng đã ủng hộ hàng ngàn ngày công và hiến đất để làm đường giao thông nông thôn”-anh De nói. Còn ông Nguyễn Văn Tuyên-Chủ tịch UBND xã Chư Gu thì cho biết: “Tuyến kênh N33 có ý nghĩa rất đặc biệt với xã, giúp đủ nước tưới cho 2 vụ lúa/năm. Khi đời sống được cải thiện, người dân có thêm động lực chung sức đưa xã cán đích nông thôn mới vào năm 2020”.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm