Phóng sự - Ký sự

Mục sở thị rừng giáng hương trăm tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở xã Krong (huyện Kbang) có một rừng giáng hương cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Sự tồn tại của quần thể giáng hương lớn nhất tỉnh này chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn lao. Dù vậy, việc canh giữ khu rừng còn nhiều nỗi gian truân.
Báu vật vô giá
Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân lực lượng bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa mục sở thị rừng giáng hương cổ thụ ở xã Krong. Phó Giám đốc phụ trách Công ty Nguyễn Thành Vinh thông tin: “Theo số liệu thống kê mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong lâm phần chúng tôi quản lý có 410 cây giáng hương. Tất cả cây gỗ hương ở đây đều mọc tự nhiên, trong đó rất nhiều cây có đường kính gốc hơn 1 m với tuổi thọ vài trăm năm. Số cây giáng hương này phân bố rải rác trên một dãy núi thuộc địa phận xã Krong, gồm 9 tiểu khu: 82, 83, 87, 89, 90, 92, 93, 94, 100. Nơi giáng hương tập trung nhiều nhất (150 cây) ở gần làng Vir, thuộc 3 tiểu khu 87, 89 và 90. Khu vực núi gần làng Hro có 40 cây, là quần thể giáng hương lớn thứ 2”.
 Chốt bảo vệ rừng Tơ Nang. Ảnh: H.S
Một cây giáng hương cổ thụ. Ảnh: H.S
Sau khi nghe ông Vinh giới thiệu sơ bộ về rừng hương cổ thụ độc nhất ở Gia Lai, chúng tôi lựa chọn đến tham quan ở khu vực gần làng Vir và làng Hro. Làng Vir cách trung tâm xã Krong khoảng 8 km. Phương tiện lên núi là xe máy độ chế. Anh Lê Minh Nhật-Đội trưởng Đội bảo vệ rừng và anh Đỗ Khắc Đạt-thành viên của đội chở chúng tôi men theo con đường mòn lên núi. “Đường khó đi lắm. Mùa nắng còn chạy xe máy được chứ mùa mưa thì chỉ đi bộ thôi. Mà chỉ có xe máy độ chế mới đi được”-anh Nhật cho hay.
Vượt qua 3 km đường rừng, chúng tôi gặp cây giáng hương đầu tiên cao khoảng 30 m, thân thẳng, đường kính gốc khoảng 1 m. Mùa này, giáng hương rụng hết lá nên dễ nhận biết. Tiếp tục đi ngược lên núi, hai bên đường mòn, giáng hương nối nhau hiện ra. Cây nào cũng rụng hết lá, còn trơ thân, đường kính rất lớn, cao vài chục mét. Có cây to khoảng 4 người ôm, mọc chênh vênh bên vách núi tạo dáng bon sai đẹp mắt. Cũng có cây giáng hương bị rỗng một phần dưới gốc. Lại có cây bị các loại dây leo sống tầm gửi bám chằng chịt. Tất cả những cây hương ở khu vực này đều mọc xen với các loại cây rừng khác. Chúng bám rễ sâu vào từng thớ đất Krong rồi đua nhau vươn lên không trung. Cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên biến mất khi đứng dưới những gốc giáng hương cổ thụ này.
Tại khu vực rừng ở gần làng Hro, hàng chục cây giáng hương cổ thụ như những mũi tên chĩa vào giữa trời xanh. Tất cả những cây gỗ hương này đều có thân thẳng tắp, gốc to khoảng 3-4 người ôm. Từ điểm cao nhìn xuống, giáng hương đang mùa thay lá, xen kẽ với màu lá xanh, vàng, đỏ của các loại cây rừng khác tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Nói về giá trị kinh tế của gỗ giáng hương, anh Đạt chia sẻ: “Gỗ giáng hương thuộc nhóm I, rất bền, ít nứt, vân gỗ đẹp, có mùi thơm. Tính theo giá thị trường, một cây gỗ hương cổ thụ như thế này phải mua bằng tiền tỷ. Tỉnh ta chỉ còn rừng giáng hương cổ thụ này thôi. Báu vật vô giá đấy”. 
 Một cây giáng hương cổ thụ. Ảnh: H.S
Chốt bảo vệ rừng Tơ Nang. M Ảnh: H.S
Trong cuộc mưu sinh của con người, biết bao cây rừng đã ngã xuống, giáng hương cũng không ngoại lệ. Một rừng giáng hương cổ thụ với 410 cây còn hiện hữu ở xã Krong chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn lao. Bởi ngoài việc góp phần điều hòa không khí, bảo tồn nguồn gen thì còn lưu giữ những giá trị lịch sử. Krong từng là căn cứ địa của tỉnh trong thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Các thế hệ đi trước đã dựa vào rừng để chiến đấu giải phóng đất nước. Dù vô tri nhưng những cây giáng hương hàng trăm năm tuổi này vẫn là chứng nhân lịch sử. Rừng giáng hương này còn có tiềm năng về du lịch sinh thái.
Đổ máu giữ rừng
Giáng hương là loại gỗ quý được nhiều người săn lùng để xây dựng nhà cửa, gia công đồ nội thất. Bởi vậy, những năm gần đây, số lượng cây giáng hương trong tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng. Việc một rừng giáng hương trăm năm tuổi ở xã Krong còn tồn tại có công không nhỏ của lực lượng bảo vệ rừng dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. 
Tại chốt Tơ Nang, 2 nhân viên Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa và 16 hộ dân làng Vir nhận khoán thay nhau ăn ở để tuần tra bảo vệ hơn 1.000 ha rừng tự nhiên, trong đó có 150 cây giáng hương cổ thụ. Ban ngày, họ thay phiên nhau tuần tra dưới tán rừng để xua đuổi kẻ gian có ý đồ cưa trộm cây. Tối đến, họ qua đêm trong căn nhà tạm thưng tôn trên một ngọn núi. Võng là người bạn của lực lượng bảo vệ rừng trong những đêm như thế. “Được như thế này là đỡ hơn nhiều rồi. Thời trước, anh em gác rừng phải ngủ trong lều bạt dựng tạm bợ. Dân nhận khoán thay nhau trực, chứ chúng tôi phải ở cả tuần trên này. Chúng tôi thường thay phiên nhau về nhà mang gạo lên nấu cơm, còn thức ăn thì ở rừng như: rau rừng, ếch, ốc…”-anh Nguyễn Văn Vũ-Chốt trưởng chốt Tơ Nang nói. 
Một cây gỗ hương bị chết. Ảnh: H.S
Một cây gỗ hương bị chết. Ảnh: H.S
Xách hai can nước từ suối Tăng Ko lên chốt, ông Đinh Klơ-một người dân nhận khoán ở làng Vir-bộc bạch: “Ở trên này thiếu thốn nhiều thứ. Tắm rửa, giặt giũ đều là nước suối. Đi gác rừng có thêm tiền nhưng lo lắm, chả đêm nào ngủ yên giấc. Kẻ xấu xâm hại một cây hương là muôn phần rắc rối”.
Cùng cảnh ngộ là những người gác rừng tại chốt số 4. Chốt này có 18 người đảm nhiệm việc canh giữ rừng và 40 cây giáng hương. Chốt trưởng Võ Tiến Thành chia sẻ: “Anh em gác rừng vất vả lắm. Mùa mưa, chúng tôi toàn đi bộ canh rừng. Điện đóm không có, toàn phải đốt lửa. Ở trên núi cao, lạnh lắm, đêm nào cũng phải trở mình dậy đốt thêm lửa sưởi ấm. Ăn uống thì tạm bợ cho qua ngày”. 
Một bữa cơm trưa ở chốt cùng lực lượng giữ rừng giúp chúng tôi hiểu hơn những khó khăn của họ. Nấu nướng bằng bếp củi, cơm nửa chín nửa sống do gió thổi mạnh khiến lửa không đều. Một nồi canh lõng bõng bằng lá bứa rừng. Thức ăn là nhái xào với hành khô. “Người ở phố thấy rau rừng, ếch nhái là đặc sản, chứ chúng tôi ăn miết, ngán lắm”-anh Nguyễn Hoàng Anh nói.
Lực lượng gác rừng trên chốt Tơ Nang gặp nhiều thiếu thốn. Ảnh: H.S
Lực lượng gác rừng trên chốt Tơ Nang gặp nhiều thiếu thốn. Ảnh: H.S
Máu đã đổ trên hành trình giữ rừng của lực lượng đảm trách nhiệm vụ trông coi báu vật của đại ngàn. Vòng tay phải xoa xoa vai trái, anh Đạt trầm giọng: “Nghề này nguy hiểm mà vật dụng phòng thân chỉ là con dao hoặc một bình xịt hơi cay nhỏ xíu. Bản thân tôi mang thương tật trong lần tuần tra vào ngày 24-10-2017. Hôm đó, tôi đang đi tuần thì thấy Trần Văn Hải (trú tại thị trấn Kbang) chở 2 phiến gỗ giáng hương nên chặn bắt. Xin không được, Hải liền rút dao chém liên tiếp khiến tôi phải khâu gần 10 mũi. Hải sắp ra tù còn tôi mang thương tật suốt đời”.
Có giá trị kinh tế cao, rừng giáng hương cổ thụ lớn nhất ở Gia Lai luôn trong tầm ngắm của kẻ gian. Gần đây, 2 cây giáng hương cổ thụ có đường kính khoảng 1,2 m bị chết đứng. Lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc và nhận định, 2 cây giáng hương này bị “bức tử”. Cụ thể, dưới gốc 2 cây giáng hương có dấu khoan, bị đốt gốc, tiêm thuốc. Công an huyện Kbang đang thụ lý vụ án này và truy tìm các đối tượng liên quan. Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa cho biết thêm: “Lâm phần Công ty quản lý trải dài trên 4 xã với 7.800 ha, trong đó có rừng giáng hương. Ngoài thành lập 6 chốt giữ rừng với 9 địa điểm canh giữ cùng 1 đội cơ động, chúng tôi đã giao khoán gần 2.000 ha cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, lực lượng mỏng, gỗ hương có giá trị kinh tế cao và ở gần khu vực làm rẫy của dân, lâm phần rộng, trên địa bàn lại tập trung nhiều đối tượng bất hảo nên việc bảo vệ rất nan giải. Sơ sểnh một chút là cây giáng hương bị xâm hại ngay. Ngoài ra, gác rừng vất vả nhưng lương ít, sinh hoạt ở rừng thiếu thốn, lại thường bị lâm tặc đe dọa nên chả mấy người muốn làm công việc này. Chúng tôi mong UBND tỉnh phê duyệt phương án đã trình để triển khai các hoạt động và tuyển thêm nhân lực phục vụ công việc bảo vệ lâm phần nói chung, 410 cây giáng hương quý nói riêng”. 
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm