Phóng sự - Ký sự

Muôn mặt "phố Tây"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dưới ánh sáng rực rỡ của sự xa hoa, giữa bao con người đổi giấc ngủ cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, luôn tồn tại phận đời tìm kiếm miếng ăn, có những đứa trẻ đã và đang đánh đổi cả tuổi thơ của mình để mưu sinh. Tất cả những hình ảnh ấy tạo nên một bầu không khí đặc trưng mà chỉ phố Tây - Bùi Viện mới có.
Phố Tây trở lại
22 giờ đêm, ánh đèn rực sáng cũng là lúc cuộc vui bắt đầu trên con phố được mệnh danh “không ngủ” Bùi Viện, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Chỉ có điều, khác với khoảng thời gian cách đây mấy năm, tuyến đường này hầu như chỉ dành cho du khách nước ngoài với những ông Tây, bà đầm thì nay, khách là người Việt dường như lấn át hẳn.
Ghé vào quán bia nhìn khá bắt mắt và đông người trên đường Bùi Viện, chúng tôi gọi ít đồ uống để tiện quan sát nhịp sống về đêm của con phố. Giới thiệu menu danh sách nước uống, với giá trung bình chỉ từ 30.000 đồng/chai bia, cùng các món ăn nhậu giá bình dân, chị Lê Thị Hồng Nhung (42 tuổi, quản lý nhà hàng trên phố Bùi Viện) chép miệng thở dài: “Nhiêu đây khách không thấm tháp gì so với 2 tháng trước, khách ngồi chật kín lối đi, dù vậy vẫn không thể bằng được như ngày đầu mới mở phố đi bộ”. Khách đến quán giờ đa phần là người Việt, người nước ngoài rất ít, không đáng kể. Để thu hút khách, quán phải liên tục tung ra nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Những đứa trẻ trình diễn phun lửa kiếm sống ở phố Tây.
Những đứa trẻ trình diễn phun lửa kiếm sống ở phố Tây.
Cùng chung nỗi niềm, anh Lâm, quản lý quán bar nằm trên phố Bùi Viện cho biết, sau gần 2 năm hoạt động kiểu cầm chừng để duy trì vì dịch bệnh, việc được mở cửa đón khách trở lại thật sự khiến anh vui mừng, nhưng so với thời điểm trước khi xảy ra dịch giã thì lượng khách giảm đi gần một nửa. Cũng như nhiều chủ quán khác, sau khi hoạt động trở lại, anh Lâm cũng rất chịu chi, thuê các nhóm nhạc, DJ, các vũ công nóng bỏng về biểu diễn để thu hút khách hàng, với hy vọng việc kinh doanh sẽ cải thiện hơn...
Doanh thu không bằng trước, nhưng dù sao, cuộc sống bình thường đã trở lại khiến không chỉ chủ quán mà người dân ven con phố Bùi Viện cũng cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Với họ, được sống những ngày bình thường sau trận đại dịch đã là một phần thưởng đáng giá.
Cách Bùi Viện vài trăm mét, tuyến đường Đỗ Quang Đẩu lại vắng vẻ lạ thường. Đã gần 23 giờ đêm, quán ăn của chị Linh, quản lý quán bar trên đường Đỗ Quang Đẩu vẫn chỉ lác đác vài người khách. Chỉ tay về phía cuối đường, chị Linh buồn rầu nói: “Suốt gần 1 tiếng đồng hồ trôi qua, dù chủ động đứng ngoài đường vẫy tay bắt khách để mời vào quán nhưng đều bị từ chối, khách chỉ đi dạo mà không vào quán. Chúng tôi chưa kịp mừng vì được mở cửa đón khách trở lại thì gặp cảnh ế ẩm liên miên, kiểu này không biết trụ được bao lâu”.

Phố Tây trở lại mang theo những màu sắc phong phú của cuộc sống thị thành.
Phố Tây trở lại mang theo những màu sắc phong phú của cuộc sống thị thành.
Là người thường xuyên ghé phố đi bộ Bùi Viện, anh Nguyễn Hữu Linh (ngụ TP Thủ Đức) cũng bất ngờ vì không khí ở đây thay đổi so với mấy năm trước khá nhiều, có nhiều địa điểm hiện đại, hoành tráng hơn. Nhưng, thời buổi vật giá leo thang, việc đi chơi phố không đồng nghĩa với việc phải vào quán xá tiêu tiền. Nhóm bạn của anh Linh thích sự ồn ào, náo nhiệt nhưng cũng chỉ đi theo kiểu hóng gió, trà đá, chè cháo vỉa hè chứ rất ít kéo nhau vào nhà hàng hoặc quán bar.
Càng về đêm, không khí càng náo nhiệt, có vẻ như “đặc sản” ở phố Tây không chỉ mỗi bar, quán nhậu vỉa hè, múa lửa, hàng rong mà còn cả bóng cười, shisha và hơn thế nữa...
Hầu hết các hàng quán ở đây đều có phục vụ bóng cười và shisha cho khách có nhu cầu. Những đôi nam nữ, nhóm bạn tuổi teen vui vẻ thoải mái thổi bóng cười, làn khói trắng shisha nhả ra quện vào khói thuốc như hư như ảo. Nếu như khi xưa, phố Bùi Viện mang dáng dấp của những chàng trai, cô gái rực lửa hát múa thâu đêm, thì ngày nay, phố khoác trong mình màu sắc đa dạng và hỗn tạp. Chị Trần Thị Quỳnh Như, cư dân sống ở khu phố này cảm thán: “Du khách đến đây có hai kiểu người. Một là dân phượt đường phố, dân thích sự xô bồ, huyên náo. Thời gian gần đây, tôi lại thấy lượng khách Việt thuần túy, có cả những bà mẹ quê hay chị hai “lúa” ngơ ngác dạo chơi và thỉnh thoảng thì hét lên ngỡ ngàng khi nhìn thấy làn khói shisha”.
Những phận người trong đêm
Khi chuông đồng hồ đổ về mốc 1 giờ sáng, ở nơi nào đó, phố phường chìm trong sự tĩnh lặng thì ở phố Tây, cuộc vui vẫn náo nhiệt. Vùi mình vào cảnh huyên náo đó, là những cuộc đời lặng lẽ mưu sinh, như bao cuộc kiếm tìm miếng ăn khác trên con phố này. Đó là bà bán vé số, tranh thủ sự nhộn nhịp của phố phường; anh bán bắp rang, chấp nhận hy sinh giấc ngủ để có thể bán được nhiều món hàng với giá “nhỉnh” hơn chợ trời. Và, có một lực lượng kiếm ăn xuyên đêm ở đây phải kể đến nghề phun lửa với những diễn viên nhí mặt mày nhem nhuốc, chân tay nham nhở bởi các vết cháy, bỏng. Họ đến từ khắp nơi, hội tụ về đây, trong phố đêm rực rỡ ánh đèn.

Ở một góc vỉa hè là cuộc mưu sinh thâu đêm của người bán hàng rong.
Ở một góc vỉa hè là cuộc mưu sinh thâu đêm của người bán hàng rong.
Cô bé Nguyễn Gia An chỉ mới 5 tuổi, người nhỏ thó len lỏi trong đám đông đến từng bàn chìa mấy gói kẹo cao su, quạt giấy mời khách một cách đầy dạn dĩ. An được “đào tạo” để trở thành một “tay” bán hàng chuyên nghiệp, dù khách có mua hay không, cô bé đều lễ phép gật đầu cảm ơn rồi rời đi bằng một nụ cười. Sau lưng là mẹ An, chị Cao Thị Vân (quê Quảng Xương, Thanh Hóa), trên tay ẵm đứa con trai còn đỏ hỏn đang say giấc theo nhịp bước chân và cái bung tay chào mời của người mẹ.
Cũng như nhiều bà mẹ mưu sinh trên tuyến phố này, ròng rã suốt gần 7 năm qua, đêm nào chị Vân với các con cũng thức đến gần 2 giờ sáng cùng con phố, ánh đèn và những cuộc vui bất kể mát mẻ hay mưa dông. Chị Vân nhanh nhảu bắt chuyện, sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của mình, nhưng chung quy lại vẫn là tiếng thở dài não nuột về cái khó, cái nghèo đã đẩy gia đình người phụ nữ này tha hương kiếm sống: “Ở quê chỉ trông nhờ vào vài sào lúa không ăn thua, mình có thể chịu đói khổ nhưng mấy đứa nhỏ như thế sao được. Bí quá, cả nhà đành dắt díu nhau vào Nam, ông xã chạy xe ôm, còn mình với đám nhỏ ra đây kiếm sống, thu nhập một đêm cỡ khoảng hơn 200.000 đồng”, chị bộc bạch.
Chỉ tay vào đứa nhỏ đang ngủ say trên tay, chị tâm sự, năm ngoái vì dịch phải đóng cửa nên đành về quê, một nhà 7 người (5 đứa con với hai vợ chồng) chỉ trông nhờ vào vài sào lúa, túng thiếu đủ đường. Vừa hết dịch, thành phố mở cửa đón khách du lịch trở lại, gia đình chị lớn bé lại khăn gói vào. Khi phố đi bộ vừa được mở cửa đón khách trở lại thì khách Tây, ta đông nườm nượp, buôn bán cũng dễ dàng, thuận lợi. Nhưng, gần 2 tuần trở lại đây việc bán buôn có vẻ chậm, khách ít hơn hẳn, so với thời điểm trước khi có dịch quả thật không ăn thua. Cuộc nói chuyện bỗng bị cắt ngang vì tiếng bé An nói mẹ thối tiền thừa cho khách. Nhìn An nhỏ thó lon ton, hớn hở khi giúp mẹ bán được thanh kẹo, thấy chạnh lòng.
Bên cạnh những bà mẹ do hoàn cảnh đưa đẩy, cực chẳng đành phải đem theo con đi bán hàng thâu đêm, cũng có không ít những phụ nữ trung tuổi liên tục chở những đứa trẻ từ 3 đến 7 tuổi đi bán các túi hạt dẻ, vé số, kẹo cao su. Mỗi đứa trẻ có độ tuổi, tên gọi, hoàn cảnh khác nhau nhưng nhìn chung đứa nào cũng gầy ốm, đen đúa, ánh mắt láo liên, đôi chân lanh lẹ, miệng không ngớt nói tiếng Tây bồi để tìm và mời khách. Có lẽ, bởi những đứa trẻ này thường kích thích lòng trắc ẩn của khách nên các bà mẹ lấy đó làm công cụ mưu sinh. Nhưng, cũng không loại trừ trường hợp những kẻ chăn dắt đã tìm đâu đó một em nhỏ làm phương tiện kiếm sống. Tuổi thơ của các em gắn chặt với những tháng ngày vật lộn trong môi trường sống phức tạp, nhiều cạm bẫy và tệ nạn xã hội.

Bóng cười thu hút không ít người đến phố Tây.
Bóng cười thu hút không ít người đến phố Tây.
Sống nương nhờ ở phố Tây còn có rất nhiều đứa trẻ chọn nghề nuốt lửa mưu sinh. Để thu hút sự chú ý của du khách, trước khi trình diễn, chúng thường hô lớn một hoặc vài tiếng. Khi thấy nhiều người chú ý thì chúng bắt đầu trổ tài với bộ đồ nghề gồm bình dầu và 2 cây bông gòn. Sau vài thao tác phun lửa, người trình diễn cầm theo một ống bơ đến từng bàn xin những người thưởng lãm cho chút tiền gọi là ủng hộ. Thông thường, người ta chỉ cho vài nghìn tiền lẻ, nhưng nếu may mắn gặp được vị khách sộp, có khi cũng được vài chục nghìn.
Để đổi lấy những đồng tiền lẻ, nhiều người trẻ, trong đó có cả những đứa trẻ đang độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như cậu bé Lâm “đen” đã chọn biểu diễn xiếc lửa nguy hiểm. Để có thể tạo ra những ngọn lửa bốc cao, Lâm “đen” buộc phải lựa chọn nguy hiểm ngậm dầu hỏa vào miệng rồi phun vào cây mồi tẩm xăng đang cháy. Em kể, nếu chẳng may trong lúc biểu diễn sơ suất sẽ nuốt phải vài ngụm dầu vào bụng; hay lắm lúc gió tạt khiến lửa táp vào mặt nóng ran; có khi tránh không kịp mà bị lửa dính vào tóc, tay chân có thể gây bỏng bất cứ lúc nào. Đây chính là lý do biệt danh Lâm “đen” gắn lên khuôn mặt cậu bé.
Giữa khu phố hào nhoáng, hàng trăm phận đời cứ thế tất tả ngược xuôi mưu sinh không nghỉ. Họ chấp nhận hoặc thậm chí bị buộc phải đánh đổi sức khỏe, tuổi thơ để kiếm sống thâu đêm. 3 giờ sáng, khi lượng khách dần vơi bớt, mỗi nẻo về lặng lẽ rời đi với gương mặt đã bơ phờ, hốc hác.
Theo Ngọc Hoa-Nguyễn Nga (cand.com.vn)
 
https://antg.cand.com.vn/Phong-su/muon-mat-pho-tay-i662306/

Có thể bạn quan tâm