Mứt Tết truyền thống lên ngôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu như vài ba năm trước đây, thị trường các loại mứt Tết truyền thống gồm mứt dừa, mứt gừng, mít sấy, khoai lang sấy… các loại mứt quả như chùm ruột, me, dâu tằm, dâu tây, quất, hồng… có sức mua giảm vì bị các loại bánh kẹo và các loại hạt hạng sang lấn lướt thì năm nay, thị trường mứt truyền thống phục vụ cho Tết Nguyên đán đang dần có tín hiệu vui.

Quầy hàng bánh kẹo của chị Diệu trong Trung tâm Thương mại Pleiku đã bắt đầu nhập về các loại hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán. Bên cạnh những loại bánh kẹo quen thuộc từ hạng sang cho đến bình dân, quầy hàng của chị còn nhập về rất nhiều các loại mứt truyền thống. Những sạp hàng được chị sắp xếp để dành chưng mứt gừng, mứt dừa, khoai lang, mít sấy giòn, mứt lạc… đang ngày càng kín chỗ.

 

Quầy hàng chị Diệu đã nhập các loại mứt truyền thống. Ảnh: N.G
Quầy hàng chị Diệu đã nhập các loại mứt truyền thống. Ảnh: N.G

Với 30 năm kinh nghiệm bán các loại mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết, chị Diệu khẳng định: “Vài năm trước, do cơn sốt bánh kẹo và các loại hạt hạng sang được nhập về từ nước ngoài nên người dân không mấy mặn mà với các loại mứt truyền thống nhưng năm nay, nhu cầu và xu hướng chưng mứt truyền thống đang trở lại. Nếu những người bán không nắm bắt được sự trở lại này thì thị trường mứt Tết truyền thống năm nay có thể sẽ khan hàng”. Cũng theo chị Diệu, các loại mứt Tết năm nay được nhập chủ yếu từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Bến Tre... Tất cả các mặt hàng đều được chú trọng lựa chọn kỹ lưỡng, có xuất xứ rõ ràng vì người mua đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tìm hiểu thêm về xu hướng chưng mứt Tết truyền thống của một số bà nội trợ, chúng tôi mới tin chắc rằng các loại mứt dừa, mứt gừng, các loại quả rim chua ngọt quen thuộc đang dần dần quay trở lại. Chị Thu Thủy (53 Nguyễn Đường, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho biết: “Tết năm ngoái tôi đã bỏ qua tất cả các loại mứt truyền thống vì đã sắm quá nhiều bánh kẹo và các loại hạt. Cứ nghĩ là khách sẽ hài lòng khi trên bàn bày ra rất nhiều loại kẹo bánh, hạt hạng sang nhưng chỉ đến khi có một tốp khách là nhóm bạn thân thiết hỏi và đòi thưởng thức các loại mứt Tết truyền thống tôi mới ngớ người ra. Năm nay, tôi sẽ dành một khay lớn để chưng các loại mứt Tết, mỗi thứ một ít để thêm phần đẹp mắt và tăng hương vị cho những ngày Xuân”.

Còn với các bà, các mẹ có tuổi thơ gắn liền với vô số loại bánh mứt truyền thống mà tự tay bà nội, bà ngoại làm vào mỗi dịp Tết thì cách lựa chọn các loại mứt Tết càng kỹ lưỡng. Chị Nguyễn Thị Năm-người làm các loại mứt gừng, mứt nghệ bán quanh năm ở một góc Trung tâm Thương mại Pleiku là một trong số ấy. Vào mỗi dịp Tết, nhà cô Năm chưa bao giờ thiếu các loại mứt truyền thống. Cách bày trí khay mứt cũng rất cầu kỳ, chị nói: “Một khay mứt dù nhiều hay ít vẫn phải luôn đầy đủ quất, gừng, táo, lạc tương ứng với chua, cay, ngọt, bùi đặc trưng cho hương vị cuộc sống cũng như thể hiện khí trời của bốn mùa trong một năm. Phải làm sao để hương vị của các loại mứt hài hòa với nhau khiến cho những người thưởng thức như đang được tận hưởng cả một mùa trái chín. Không những thế, các loại mứt truyền thống còn là một món quà Tết có giá trị thể hiện được tình cảm thân thiết, chân tình vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm