Mưu sinh trên miệng núi lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dưới bàn tay cần lao của người nông dân, miệng núi lửa năm nào giờ đã là cánh đồng xanh ngát trù phú. Những giọt mồ hôi mặn mòi, những đôi tay chai sạn đã được đền đáp bằng cuộc sống ấm no.

Cánh đồng Ia Nông (phường Hoa Lư) từ lâu đã là nét chấm phá mát dịu cho TP. Pleiku. Giữa phố phường phồn hoa, cánh đồng rộng hơn 50 ha lọt thỏm trong miệng núi lửa, tạo thành một thung lũng với vẻ mộc mạc, mang lại nét đồng quê đặc trưng cho Phố núi. Nhìn đồng lúa vàng ươm mùa gặt những ngày tháng 5, có lẽ không nhiều người biết rằng Ia Nông vốn được hình thành từ miệng núi lửa đã ngưng hoạt động từ hàng chục ngàn năm trước. Hiện tại, xung quanh cánh đồng ấy đã san sát nhà cửa với những khu dân cư. Ia Nông bây giờ đã là một khung cảnh rất khác khi quá trình đô thị hóa phủ lên mảnh đất chứa đầy tàn tích của những dòng nham thạch.

 

Miệng núi lửa năm nào giờ là cánh đồng lúa. Ảnh: L.V.N
Miệng núi lửa năm nào giờ là cánh đồng lúa. Ảnh: L.V.N

Gia đình bà Trần Thị Lan (tổ dân phố 1, phường Hoa Lư) là một trong những hộ đầu tiên chọn nơi đây để sinh cơ lập nghiệp. Gần 20 năm gắn bó với miệng núi lửa, bà Lan cảm nhận rõ nhất những đổi thay từng ngày của cánh đồng Ia Nông. Ngồi trên đám rau muống cạn, đưa ánh mắt xa xăm nhìn về đồng lúa thoang thoảng hương thơm, bà Lan trầm ngâm nhớ về một thời kỳ gian khó. Năm 2000, vợ chồng bà tích cóp được 11 triệu đồng và dùng số tiền này để mua hơn 2 sào đất ngay bên cánh đồng. “Đất phải mua bằng mấy cây vàng nhưng phải khai hoang từ đầu. Mà gần 1 sào đất chỉ trồng được một vụ, còn lại nước ngập quanh năm. Hồi đó, cả vùng này không có ai, nhìn xa xa phía bên kia cũng chỉ có lác đác một vài nóc nhà thôi, cứ đến chiều là buồn thiu. Nhưng vợ chồng tôi cùng 4 đứa con quyết tâm ở lại dù vất vả lắm”-bà Lan bồi hồi.

Thế rồi, vợ chồng ông bà tận dụng từng tấc đất của miệng núi lửa này để mưu sinh, nuôi 6 miệng ăn trong gia đình. Những năm đầu, ông bà tận dụng mùa nước cạn để trồng rau và nuôi chim bồ câu. Đến “mùa nước nổi”, những lão nông này lại trở thành ngư dân đích thực. Bà Lan chia sẻ: “Mùa mưa, nước ngập đồng, vợ chồng tôi lại đi giăng lưới bắt tép, cá đồng. Ngày đó, tép theo dòng nước về nhiều, có hôm vợ chồng bắt được cả vài chục ký tép, cá đồng cũng nhiều lắm. Nhờ đó mà gia đình có đồng ra đồng vào, chồng tôi còn đi làm thợ hồ nữa, vậy mới có tiền cho các con ăn học tới nơi tới chốn”.

Sau này, khi đã có vốn liếng, gia đình bà mua thêm heo rừng về gây giống rồi nuôi với số lượng lớn. Kinh tế bớt khó khăn, ông bà đã tự bỏ tiền để đổ đất, đá làm con đường dẫn vào nhà. “Trước kia, mỗi khi trời mưa là không thể đi được vì đường trơn, con cái đi học ngã hoài, tội lắm. Vậy nên sau này vợ chồng tôi quyết định phải làm con đường dù gồ ghề sỏi đá. Giờ tôi cũng đổ đất nâng nền cái ruộng trũng lên để mùa nước về vẫn trồng được rau. Mấy chục năm rồi, 2 vợ chồng cùng con cái phải vất vả lắm thì nay mới có được cơ ngơi tàm tạm thế này, nhiều gia đình cũng đến ở xung quanh vùng thung lũng này nên cũng đỡ hiu quạnh hơn”-bà Lan bày tỏ.    

Là cư dân lâu đời ở thung lũng này, mỗi khi nhớ lại những ngày đầu gầy dựng cuộc sống, ông Nguyễn Thế Hải (SN 1960) không khỏi xao xuyến. Ông Hải bày tỏ: “Trước kia, khi tôi chọn vùng đất này để lập nghiệp, gia đình họ hàng ai cũng can ngăn vì dù gần thành phố nhưng hẻo lánh quá, nhất là mùa mưa nước ngập mênh mông. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên quyết ở lại đây. Tích tắc đó mà hơn 15 năm rồi, cũng rau màu tôm cá từ cánh đồng này mà nuôi được con cái ăn học, giàu cũng không giàu nhưng cuộc sống vừa đủ yên bình. Tuổi già có mảnh đất như miền quê giữa lòng thành phố thế này lòng cũng cảm thấy an nhiên”.       

Đứng giữa miệng núi lửa nhìn lên các tòa nhà cao tầng, bao quanh là những bông lúa vàng ruộm nhuốm màu no ấm, những lão nông ở vùng đất này có lẽ đã cảm thấy mãn nguyện bởi mồ hôi công sức của mình khi bám trụ lại nơi đây phần nào được đền đáp.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm