(GLO)- Khi Phố núi Pleiku lên đèn cũng là lúc những người kiếm tìm phế liệu bắt đầu hành trình mưu sinh. Lấy đêm làm ngày, họ len lỏi khắp các con phố, ngõ hẻm để nhặt nhạnh những thứ gì có thể bán được mà người khác bỏ đi.
“Nghề” cho miếng cơm, manh áo
Cứ 20 giờ, vợ chồng bà Nguyễn Thị Ba (tạm trú tại tổ 4, phường Chi Lăng) đã có mặt tại bãi rác trên đường Hai Bà Trưng-đoạn trước Siêu thị VinMart để tìm kiếm từng hộp giấy, chai nhựa, vỏ lon bia… mà người dân và các tiểu thương tại Trung tâm Thương mại Pleiku bỏ đi sau một ngày buôn bán. Thấy tôi đến gần muốn hỏi thăm, bà Ba vội kéo chiếc khẩu trang che kín mặt càu nhàu: “Có mấy người nhặt phế liệu như cô ngoài kia. Cháu ra đó hỏi đi”.
Buông câu nói giữa chừng, bà Ba gấp gáp đẩy nhanh chiếc xe ba gác chở phế liệu quày quã bỏ đi. Thấy tôi nấn ná mãi, bà Ba ngoái đầu lại giải thích: “Dạo này, không biết sao có nhiều người cũng đi nhặt phế liệu vào ban đêm. Vì thế, tôi phải tranh thủ tìm để còn di chuyển tới nơi khác. Nếu chậm chân là họ nhặt hết”.
Hàng đêm, vợ chồng bà Nguyễn Thị Ba nhặt phế liệu để mưu sinh. Ảnh: Nhật Hào |
Phải chờ đến khi bà hoàn thành việc tìm phế liệu tại các đống rác trên đoạn đường dài bao quanh Trung tâm Thương mại Pleiku, tôi mới được nghe bà Ba trải lòng. Trước đây, vợ chồng bà không có công việc ổn định, cứ ai thuê gì làm nấy. 4 năm nay, sức khỏe giảm sút, chọn việc nhặt phế liệu ban đêm để mưu sinh.
Sau bữa cơm chiều, khoảng 17 giờ, vợ chồng bà bắt đầu hành trình mưu sinh. Nơi ông bà thường xuyên lui tới là các điểm tập kết rác gần chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Bởi đây là những nơi có nhiều phế liệu nhất. Hành trang mưu sinh là chiếc xe ba gác, cây móc sắt dùng để bới rác và đôi găng tay. Đêm nào cũng vậy, qua 2 giờ sáng, vợ chồng bà mới trở về.
Tuy vất vả nhưng mỗi đêm, vợ chồng bà kiếm được 100-200 ngàn đồng. Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, lượng bao bì phế liệu nhiều hơn nên kiếm được 200-300 ngàn đồng. Nhìn chiếc xe chất đầy phế liệu, bà Ba bảo, 2 năm trước, từ tiền bán phế liệu, vợ chồng bà gom góp mua được chiếc xe này để tiện cho việc di chuyển và chở phế liệu.
“Tôi già rồi, không còn sức để đi làm thuê nay đây mai đó nữa. Chỉ có công việc này là phù hợp. Ban đêm đi làm. Còn ban ngày, tôi phân loại phế liệu để bán, nấu cơm và dành thời gian nghỉ ngơi. Ấy vậy mà công việc này cũng có cái để đắp đổi qua ngày”-bà Ba thầm khoe.
Cũng như bà Ba, bà Thái Thị Dư (quê ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) chọn công việc nhặt ve chai để kiếm sống đã 8 năm nay. Gặp bà, chúng tôi không khỏi khâm phục trước người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi nhưng đều đặn mỗi ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số tìm nhặt phế liệu. Dáng người gầy guộc, bà cố hết sức đẩy chiếc xe đạp lên con dốc đường Nguyễn Tất Thành. Chiếc xe cũ kỹ thỉnh thoảng phát ra tiếng kêu kĩu kịt.
Giúp bà đẩy chiếc xe lên hết con dốc, tôi mời bà ghé vào quán bún bên vỉa hè để có thêm thời gian trò chuyện. Đón tô bún mà đôi tay gân guốc của bà cứ run run vẻ ái ngại. “Chiều nay, bán phế liệu xong đã 18 giờ nên tôi tranh thủ đi luôn. Chưa kịp ăn gì nên đói quá. Cảm ơn cô nhiều!”-bà Dư phân trần.
Vợ chồng bà Dư có 3 người con. Ở quê đất chật người đông, quanh năm chỉ trông vào vài sào ruộng nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Cách đây 8 năm, được người bạn sống ở TP. Pleiku “mách nước” về công việc nhặt ve chai có thể cho cơm ăn, áo mặc, bà rời quê lên đây “lập nghiệp”. Đầu tiên, bà mua đi bán lại phế liệu vào ban ngày. Sau này, thấy chiều đến có nhiều người bỏ rác trước nhà có lẫn phế liệu, bà đi nhặt thêm buổi tối. Có ngày bà kiếm được gần 70 ngàn đồng.
Mở bao ni lông đựng nào là quần áo cũ, xoong nồi cũ và một số bánh trái nhưng vì bận bịu với công việc mà chưa kịp ăn, bà trải lòng: “Nhiều người cũng thơm thảo lắm. Mỗi lần thấy tôi đi qua trước nhà, họ gọi vào cho chai nhựa, vỏ lon bia. Gia đình nào nhiều họ đổi lấy 5-10 ngàn mua bim bim cho con. Có người còn cho tôi các vật dụng sinh hoạt đã cũ không dùng tới nữa”.
Cuối con đường Lê Lợi, chị Nguyễn Thị Hồng Phấn (quê ở tỉnh Bình Định) cũng đang tỉ mẩn bới tìm trong từng bao rác để nhặt nhạnh những thứ có thể bán được. Chiếc xe dream cũ dựng bên lề đường được chị gắn thêm mấy thanh gỗ để chở được nhiều phế liệu hơn. Sau yên xe, hai bên chị treo các bao đựng lon bia, chai nhựa, còn bìa giấy cát tông được cột trên yên. Khuôn mặt chị lấm lem vữa xi măng sau 1 ngày phụ hồ mệt mỏi.
Nhanh tay nhặt từng lon bia, chị Phấn rầu rĩ cho biết: Cả tuần rồi, mãi tới hôm nay chị mới có người gọi đi đổ bê tông cống thoát nước. Làm việc dưới tiết trời nắng nóng, người chị như muốn rệu rã. Thế nhưng, nghĩ tới bữa cơm ngày mai của cả nhà, tối đến, chị lại xách xe rong ruổi các tuyến đường tìm nhặt phế liệu.
Công việc nhặt phế liệu giúp cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Phấn đỡ chật vật hơn. Ảnh: Nhật Hào |
Chị Phấn không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy. Gần 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị thường xuyên phải ngồi ở nhà. Chồng chị đi bán vé số, nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Bởi vậy, công việc tìm kiếm phế liệu ban đêm đã trở thành “cứu cánh” của gia đình.
Bắt đầu từ 17-18 giờ là chị rời khỏi nhà. Thấy ở đâu có rác để trước nhà dân, chị lại xin chủ nhà phân loại để tìm nhặt phế liệu. Chị cũng không quên gom rác gọn gàng trước khi đi. Hôm nào khỏe, chị rong ruổi khắp các ngõ ngách phố phường tới 0 giờ mới về. “Từ ngày đi nhặt thêm phế liệu buổi tối, cuộc sống của gia đình tôi đỡ chật vật hơn. Có đêm tôi kiếm được 70 ngàn đồng đấy”-chị Phấn chia sẻ.
Chỉ mong có thật nhiều sức khỏe
Thấy tôi không ngần ngại tiến gần đống rác, bà Ba buột miệng nhắc nhở: “Cháu đi chỗ khác đi, chứ đứng đây lâu không khéo ngửi phải mùi hôi là về đổ bệnh đấy”. Những ngày đầu mới “vào nghề”, bà thường có cảm giác buồn nôn mỗi khi mùi hôi xộc vào mũi. Sau này, khi đã quen với cái mùi đặc trưng của rác, bà không còn buồn nôn khổ sở nữa. Song thỉnh thoảng, bà lại xuất hiện vài cơn ho vào lúc nửa đêm về sáng.
Khi tôi hỏi, bà có lo ngại công việc này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình, bà Ba tặc lưỡi: “Nghề nào chẳng có rủi ro. Ốm như vậy đã ăn thua gì cháu”. Như chợt nhớ, bà cởi bỏ đôi găng tay và chìa đôi bàn tay thô ráp, sần sùi của mình nói: “Đôi tay này đụng phải mảnh vỡ thủy tinh bị tứa máu là thường. Dù vậy, đêm nào có phế liệu mang về đã là may lắm rồi”.
Chiếc xe đạp là phương tiện để bà Dư di chuyển và chở phế liệu. Ảnh: Nhật Hào |
Còn với bà Dư đã 8 năm gắn bó với nghề thu gom phế liệu nhưng số ngày nghỉ của bà chưa đếm hết 10 đầu ngón tay. Bởi lẽ, vắng 1 ngày không đi làm, bà sẽ không có tiền tiết kiệm để gửi về mua thuốc điều trị cho người chồng bị tai biến đã hơn 1 năm nay. Mấy năm gần đây, dù các con đã trưởng thành, nhưng chưa khi nào bà cho phép mình nghỉ ngơi ngay cả khi đau ốm.
Giọng bà lạc đi: “Công việc này có thu nhập. Dù ít, nhưng nếu cứ thấy mệt là nghỉ thì lấy đâu ra tiền mua thuốc và cơm nước cho chồng. Rồi mai này, thằng út nó lấy vợ, lấy gì để lo cho nó. Trong khi đó, đứa con đầu và thứ 2 đã yên bề gia thất nhưng hoàn cảnh khó khăn nên không giúp được gì nhiều. Nghĩ tới điều này, nhiều đêm tôi không chợp mắt được”. Nói rồi, bà Dư đưa 2 tay lên quệt dòng nước mắt: “Giờ tôi chẳng mong gì hơn ngoài có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục mưu sinh”.
Những buổi tối nhặt phế liệu đã trở thành cứu cánh của gia đình chị Phấn. Vậy nên, tối nào chị cũng tranh thủ đi sớm để có thể nhặt nhạnh được nhiều hơn. Chị lấy chồng đã gần 20 năm nay. Cuộc sống ở quê những tưởng êm xuôi thì chồng chị 2 lần bị tai nạn phải đi bằng nạng.
Thương con, năm 2011, bố mẹ chồng vay mượn 140 triệu đồng mua cho vợ chồng chị 1 lô đất thuộc hẻm nhỏ đường Trần Phú nối dài để cả nhà lên đây lập nghiệp. Vì vậy, chồng chị chỉ còn cách bán vé số mới có thể có thu nhập đỡ đần vợ nuôi 3 đứa con. Đó là chưa kể số tiền chữa trị cho chồng hàng chục triệu đồng chưa trả hết thì cách đây 5 năm, chị lại thêm món nợ vay mượn làm nhà để có chỗ tá túc.
Phụ giúp chị cột mấy bao phế liệu lên xe để chuẩn bị di chuyển sang tuyến đường khác, chị Phấn thổ lộ, từ ngày bị tai nạn đến nay, sức khỏe của chồng chị giảm sút hẳn. Di chuyển khó khăn nên công việc bán vé số với anh chỉ để cho khuây khỏa là chính. “Điều an ủi lớn nhất với tôi là các con rất hiếu học, đứa lớn hiện đã là sinh viên năm thứ 2 tại TP. Hồ Chí Minh. Mong ước lớn nhất của tôi là bản thân có thật nhiều sức khỏe để kiếm tiền lo cho cuộc sống và nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn”-chị Phấn bày tỏ.
*
* *
Đêm dần khuya, đường phố Pleiku đã vắng bóng người qua lại. Dọc đường về, thỉnh thoảng, tôi vẫn bắt gặp một vài người lom khom bươi tìm đống rác nhặt phế liệu. Bóng dáng họ liêu xiêu lẫn trong làn sương mờ ảo.
NHẬT HÀO