(GLO)- Mớ rau, xấp vé số của những cụ già lưng còng, tóc bạc ngoài 80 tuổi gây sự chú ý nhất định đối với nhiều người. Có lẽ hình ảnh ấy gợi lên sự cảm thông, trắc ẩn trong mỗi con người trước dòng chảy cuộc sống bộn bề, hối hả. Còn với các cụ, tuổi già mưu sinh lắm lúc cũng là niềm vui.
Long đong những phiên chợ
Bà Luân giật mình vì không ngờ tôi đến thăm nhà như lời hứa ban sáng. Vỗ nhẹ vào tay tôi, bà móm mém cười: “Mô Phật! Vậy mà con đến thật à?”. Rồi bà chỉ tôi ngồi xuống mép chiếc giường cũ kỹ.
Chỗ bà nằm hướng ra ô cửa sổ trông thấy vườn rau mùa nào thức nấy. Cạnh cửa sổ là chiếc bàn gỗ nhỏ xíu để đồ dùng thiết yếu. Một bì ni lông đựng đầy ve chai bà lượm lặt được chưa kịp bán. Nồi cơm nhỏ đặt ngay đầu giường, trên thùng sơn đựng gạo để tiện cắm phích điện. Bếp gas mini bà để sát tường đối diện giường, dành để nấu nướng... Tất cả đều cũ kỹ.
Con dâu bà nói, mấy chục năm nay, bà kiên quyết ăn uống riêng mặc cho con cháu năn nỉ. Bà muốn tự làm tự ăn, không nhờ vả nhiều vào con cái.
Bà Nguyễn Thị Ngận trong căn phòng nhỏ cũ kỹ của mình. Ảnh: Phương Linh |
Mọi người ở cuối con hẻm 29 Lê Duẩn (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thường gọi bà Nguyễn Thị Ngận là “bà Luân bán rau”. Hơn 30 năm nay, thời gian biểu của bà đơn giản là sáng, chiều ra chợ Phù Đổng làm bạn với mớ rau, quả ớt; trưa và tối về nghỉ ngơi trong căn phòng rộng chưa đầy 9 m2 cũ kỹ ấy.
Từ nhà ra đến chợ cũng chỉ hơn 1 cây số nhưng lại là quãng đường dài với người 88 tuổi như bà. Con dốc cao từ đường Lê Duẩn dẫn vào hẻm nhà bà khiến chiếc xe máy của tôi lắc lư. Vì thế, những khi đứa cháu bận, bà thường xách đồ ra đầu ngõ quá giang ai đó ngang qua để lên hết đầu đường. Nhiều người thương tình thì chở giùm luôn ra tới chợ. Buổi trưa, có ông xe thồ đều đặn chở bà về nhà với 10.000 đồng tiền công.
Bà Ngận có lẽ là “tiểu thương” lớn tuổi nhất ở chợ Phù Đổng. Sạp rau của bà trông đơn sơ khi tất cả bày biện trên một tấm bao tải trải dưới đất. Tuổi cao nên không thể đi chợ đầu mối để lấy hàng. Mỗi sáng, bà đến thật sớm, đợi sang lại rau của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số gùi ra, khi thì vài bó rau muống, rau cải, bắp sú, lúc là đọt su, cà ghém, ớt hay mớ hành, ngò. Thỉnh thoảng, sạp rau có thêm bì rau má, mớ đậu bắp hay vài bó ngò gai bà “thu hoạch” từ vườn nhà.
Năm 1975, bà đưa 4 đứa con nhỏ từ huyện Chư Prông về khu thung lũng cuối con hẻm đường Lê Duẩn dựng lều sinh sống. Chồng mất trong chiến tranh, một mình bà gồng gánh trồng rau, làm thuê nuôi con khôn lớn. Bây giờ, cả 4 người con đều đã có gia đình. “Đứa nào cũng có công việc, nó phải chăm con cái, kinh tế cũng không khá giả gì nên bà tự làm tự ăn. Già rồi, ăn uống bao nhiêu đâu hả con”-bà Ngận nói bằng chất giọng Bình Định đặc sệt.
Khẽ nhìn, tôi hiểu khách hàng mua vì thương bà già lọm khọm mà phải bươn chải kiếm sống nhiều hơn là vì giá trị, sự hấp dẫn của món hàng. “Mỗi ngày bán được chừng vài trăm ngàn đồng cả vốn, lời vài ba chục ngàn đủ để bà mua mắm ăn qua ngày thôi con. Bán buổi sáng thôi, buổi chiều bà lên nhặt hành, ngò cho sạch sẽ để hôm sau bán tiếp, chứ để hôm sau làm đâu kịp”-bà Ngận nói.
Mặc dù đã 86 tuổi nhưng bà Trần Thị Bồng vẫn phải bươn chải mưu sinh. Ảnh: Phương Linh |
Nếu như bà Ngận tự làm để nuôi mình thì bà Trần Thị Bồng (thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) phải gồng gánh thêm 3 miệng ăn trong nhà. Gần 1 năm nay, bà Bồng ngày 2 lượt đi về giữa huyện Đak Pơ và TP. Pleiku, khi thì xe buýt, lúc bằng xe đò để họp chợ. Hành trang đi cùng là vài giỏ rau củ các loại do mấy đứa cháu ở nhà trồng được. Bà thường ngồi bán bên mé vỉa hè đường Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku), cạnh vài hàng bán cá.
Thắc mắc sao phải đi bán ở chợ xa như thế, bà Bồng cười nheo nheo đôi mắt nói: “Bà có đứa cháu ở trên này, nó nói đem rau lên đây bán cho được giá nên theo thôi. Bán ngày cũng được vài trăm mà đi xe hết mấy chục ngàn đồng. Nhiều khi nhà xe thương người già, lấy giá rẻ thôi đó”.
Hỏi ra mới biết, con gái bà Bồng đi làm trong TP. Hồ Chí Minh để lại 3 đứa cháu cho bà chăm sóc. Đứa lớn năm nay 14 tuổi đã nghỉ học ở nhà phụ giúp bà trông 2 em nhỏ và làm việc nhà. Số tiền 1 triệu đồng con gái gửi về hàng tháng không đủ để trang trải cuộc sống của 4 bà cháu. Vậy nên, bà Bồng phải “kiếm kế sinh nhai” dù đang ở cuối con dốc cuộc đời. Vóc người nhỏ bé, dáng lom khom của cụ bà 86 tuổi loay hoay sắp xếp mớ rau củ ra vỉa hè khiến nhiều người thương cảm.
Bà Trần Thị Út-chủ sạp cá bên cạnh chia sẻ: “Ở đây, ai thấy bà cũng thương hết. Tuổi của bà lẽ ra được an hưởng mà giờ vẫn phải chật vật, lặn lội đường xa để bán buôn kiếm tiền nuôi cháu, ai mà không chạnh lòng. Có hôm đau ốm, mưa gió mà bà vẫn không chịu nghỉ”. Đôi khi, bà Út và các tiểu thương khác lại đến mua giúp bà Bồng quả bầu, vài ký cà chua, dưa leo… cũng bởi cảm thông với hoàn cảnh của bà Bồng.
Còn sức còn bán buôn
Đúng như dự đoán, khi tôi đến, bà Hồ Thị Đức (77 tuổi) đã có mặt ngay chân cột đèn giao thông đường Trường Chinh-Lê Thánh Tôn (phường Trà Bá, TP. Pleiku). Người dân Phố núi đã quá quen thuộc với hình ảnh bà cụ có dáng người thấp nhỏ, thường mặc áo bà ba ngồi bên thúng bánh ít lá gai. Thậm chí, tôi thuộc lòng lịch trình của bà.
Buổi sáng, bà sẽ ngồi bán bên đường Nguyễn Đình Chiểu. Khoảng 10 giờ, bà sẽ chuyển sang trước quán cơm Ngọc Lâm (đường Phan Đình Phùng). “Giờ đó, xe khách họ đến ăn cơm đông nên bán bánh cũng dễ hơn”-giọng bà Đức có vẻ phấn khích.
Buổi chiều, bà về ngồi ngay cột đèn giao thông này. Thúng bánh vơi đi cũng là lúc con gái ghé đón bà về bán thêm một chút tại khu chợ gần nhà ở làng Nhao (xã Ia Kênh, TP. Pleiku). Hiếm khi bà chịu về nhà khi còn hàng. Ngày ít nhất bà bán chừng 300 chiếc bánh, nhiều thì khoảng 500 chiếc.
“Đi bán quen rồi. Ở nhà, bà buồn sinh bệnh, con ơi!”-bà Đức kéo dài chữ “ơi” một cách hài hước. Mau mắn, xởi lởi nên bà được lòng khách, bán được nhiều bánh dù cả ngày buôn bán ở vỉa hè. Trên mảnh đất nhỏ ở làng Nhao có 3 căn nhà nằm cạnh nhau: mặt đường là nhà con gái, tiếp đến là nhà bà, sau cùng là nhà của đứa cháu ngoại.
“Già mà còn vất vả là để kiếm tiền chi dùng, ăn uống, mua quà bánh cho cháu. Đi bán cho khỏe, gặp người này người kia nói chuyện vậy mà vui. Cả năm hầu như bà không nghỉ ngày nào đâu”-bà Đức chia sẻ.
Dù hành trình bán vé số nhiều khó khăn nhưng ông Lê Văn Nhứt vẫn luôn vui vẻ. Ảnh: Phương Linh |
Người già ít khi chịu ngồi yên, họ luôn muốn kiếm việc gì đó làm để tay chân không bị rảnh rỗi, để máu huyết lưu thông, phụ giúp con cái và hơn hết là để thấy mình còn có ích. Giống như ông Lê Văn Nhứt (tổ 9, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) lấy việc đi bán vé số làm cớ… tập thể dục mỗi ngày.
Bắt đầu từ 7 giờ, ông chậm rãi đi qua từng con hẻm mời chào mọi người mua “vận may”, “nhấm nháp” niềm vui khi được làm việc mình thích. Khi nào mệt, ông ngồi nghỉ dưới bóng cây bên đường, trò chuyện cùng bác xe thồ hay chị “đồng nghiệp”. “Con cái biết tôi đi bán vé số nó không cho đâu nhưng mà tôi thích vậy, coi như đi thể dục cho khỏe người mà có thêm thu nhập”-ông Nhứt nói.
Hành trình mỗi ngày của ông cố định từ các con hẻm ngang dọc của tổ 8, tổ 3 (phường Phù Đổng), vòng qua đường Nguyễn Viết Xuân-Lê Thánh Tôn-Trường Chinh rồi về đại lý vé số. Ông tâm sự: “Thường thường đại lý phát 300 tờ, có khi 500 tờ. Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 150-200 tờ thôi. Trưa thì ăn bánh mì, bánh chưng qua bữa. Tiền kiếm được không nhiều nhưng đủ để tôi dành dụm khi đau ốm. Vậy mà tôi đã có thâm niên bán vé số được 9 năm rồi đấy”.
Bán thêm được mấy tờ vé số, ông Nhứt vui lắm và chỉ kịp nói vài câu với tôi rồi vội vàng rảo bước. Sắp đến giờ xổ số mà trên tay ông vẫn còn cả cọc vé dày cộm. Dáng người dong dỏng cao của ông cụ râu dài, đội chiếc mũ vành rộng, vai đeo chiếc cặp đựng nước, cuốn sổ ghi chép nghiêng nghiêng xuống mặt đường dưới ánh nắng chiều đông lạnh sắt se.
PHƯƠNG LINH