Các nước châu Âu chia rẽ về việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây cung cấp để tấn công Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo một phân tích của Đại tá Markus Reisner - được quân đội Áo đăng tải - cuộc tấn công trên nhắm vào một phần của hệ thống răn đe hạt nhân của Nga.
Ông Reisner lập luận tấn công trạm radar khó có thể mang lại giá trị quân sự trực tiếp cho Kiev. Việc vô hiệu hóa nó sẽ làm giảm lượng thông tin tình báo mà Nga thu thập về các vụ phóng tên lửa đạn đạo ATACMS (do Mỹ tài trợ cho Ukraine).
Nhưng trạm này được thiết kế để phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay ở độ cao cao hơn nhiều so với vũ khí chiến thuật mà Ukraine sử dụng.
Vì vậy, chuyên gia này cho rằng Mỹ có thể đã bật đèn xanh cho vụ tấn công để phản ứng trước việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược trong một số trường hợp nhất định.
Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tập trận hạt nhân chiến thuật ở Quân khu phía Nam, giáp biên giới Ukraine. Moscow cho biết đây là động thái đáp trả trước những lời lẽ ngày càng thù địch của các quan chức phương Tây.
Theo ông Reisner, nếu đúng là Mỹ bật đèn xanh cho Kiev tấn công trạm radar hạt nhân của Nga thì có thể dẫn đến tình hình ở Ukraine đang cực kỳ nghiêm trọng và xung đột ở Ukraine càng thêm leo thang.
Chuyên gia quân sự này cũng lưu ý rằng một cuộc tấn công như vậy có thể đủ điều kiện để Nga trả đũa bằng hạt nhân.
Liên quan, theo tờ Izvestia ngày 29/5, Liên minh châu Âu (EU) đang bị chia rẽ về việc liệu Ukraine có được phép sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga hay không.
Đến thời điểm này, Nhà Trắng vẫn ít có dấu hiệu cho thấy sẽ thay đổi lập trường cho phép Kiev sử dụng vũ khí của mình để tấn công Nga.
“Quan điểm của chúng tôi không thay đổi ở giai đoạn này. Chúng tôi không khuyến khích cũng như không cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công đất Nga”, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết.