Câu chuyện này được các cựu tù nhân kể lại trong cuốn sách “Vết son thời gian” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Bảo tàng tỉnh xuất bản năm 1999. Theo đó, Trại giam tù binh Pleiku thuộc Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa, có lúc từng giam giữ đến 4.000 người. Điều đáng nói là đằng sau nhiều lớp hàng rào kẽm gai, vô số bãi mìn và những đòn tra khảo tàn tệ, nơi đây đồng thời còn là môi trường rèn luyện của khoảng 400 đoàn viên và 250 đảng viên. Tập thể chiến sĩ cách mạng ưu tú bị đọa đày không chỉ bảo toàn khí tiết, đấu tranh vì dân sinh, dân chủ mà còn tìm cách tiêu diệt kẻ thù.
Năm 1968, Đảng ủy Trại giam tù binh Pleiku đã thành lập các chi bộ diệt ác, trong đó nổi bật là việc thủ tiêu tên chiêu hồi nhiều nợ máu Võ Trọng Thu. Tuy nhiên, kế hoạch diệt ác theo kiểu “mỹ nhân kế” trước đó lại có một kết quả không như mong đợi.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thức (ảnh chụp năm 1997). Ảnh: Nguyễn Hải Liên |
Theo các cựu tù và chính người trong cuộc kể, Trại giam tù binh Pleiku cấm tuyệt đối nam tù binh đến gần nơi giam giữ tù nữ (phòng số 6). Ngược lại, đám trật tự (tù chiêu hồi làm tay sai cho địch) có thể đến khu vực này để hạch họe, đánh đập và… tán tỉnh các nữ tù nhân. Trong đám trật tự ác ôn, có tên Trương Xuân chừng 25 tuổi. Xuân thường xuyên theo đuổi cô Nguyễn Thị Thức, khoảng 19 tuổi, một du kích rất có duyên quê ở Bình Định bị bắt hồi giữa năm 1967, đang là Bí thư Chi Đoàn ở nơi này (từ tháng 7-1967) với 10 đoàn viên.
Theo sự sắp xếp và hướng dẫn của tổ chức, cô Thức chính thức nhập vai “mỹ nhân kế” khi giả đò “chịu đèn” của tên Xuân. Sau thời gian “tìm hiểu” lẫn nhau, thấy thời cơ đã đến, theo kế hoạch, cô Thức hẹn Xuân vào nhà tắm nữ để tâm sự lúc chiều tối. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, kể cả khi cô Thức đã khép cửa nhà tắm và ném gói tro vào mặt tên Xuân rồi hô lên mình bị cưỡng hiếp để báo hiệu cho lực lượng ta từ ngoài ập vào xử lý tên ác ôn. Đáng tiếc là sự phối hợp không được nhịp nhàng nên kết quả chưa như ý muốn. Cụ thể, lực lượng ta (cả nam và nữ) đến chậm nên tên Xuân đã nhanh chân leo qua vách trốn thoát.
Sau tiếng la thất thanh của tên Xuân đêm đó là những trận đòn thù trút xuống đầu một số nữ tù ở phòng số 6. Các tù nhân đều bị nhốt vào chuồng cọp, đưa đi thẩm vấn, tra tấn. Mặc dù “mỹ nhân kế” không thành nhưng khi có cơ hội, các nữ tù phòng số 6 vẫn tiếp tục đấu tranh với đám quan thầy của lũ trật tự về hành động bỉ ổi mà tên Xuân đã gây ra. Nhờ vậy, bọn tay sai bớt hung hăng, thậm chí lo sợ không dám đi một mình, cá biệt có tên làm lành với tù binh sau vụ việc trên. Riêng tên Xuân, kể từ đó bị mất mặt, đầu cúi gằm mỗi khi gặp anh chị em tù binh.
Tháng 2-1968, một tổ Đảng được thành lập tại phòng số 6 gồm 4 đảng viên nữ: Tôn Thị An, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Xích và Tạ Thị Là. Sau tháng 4-1968, khi bị chuyển xuống Trại giam tù binh nữ Phú Tài (Bình Định), tổ Đảng phát triển thành chi bộ rồi thành lập Đảng bộ với trên 30 đảng viên. Người từng nhập vai “mỹ nhân kế” ở Pleiku được kết nạp vào Đảng tại Phú Tài thời gian đó. Người tù can đảm Nguyễn Thị Thức còn trải qua các nơi giam giữ tại Cần Thơ và Biên Hòa, trước khi được trả tự do ngày 15-2-1973.