Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Mỹ thuật hướng về cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên (khu vực V) lần thứ 25 đã bị hủy vào phút cuối để tập trung phòng-chống dịch Covid-19. Gần 130 tác phẩm thuộc các thể loại hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, mỹ thuật ứng dụng được chuyển về trưng bày tại Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai để Hội đồng nghệ thuật Trung ương chấm giải.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn-Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật-cho biết: “Triển lãm mỹ thuật lần thứ 25 của khu vực V đứng trước những thách thức rất lớn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nhiệt tình, hội viên đã gửi những tác phẩm tốt nhất tham dự. Chúng tôi đánh giá cao trách nhiệm của Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, đồng thời cảm ơn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất để các họa sĩ trong khu vực đang có dịch như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đưa tác phẩm về để Hội đồng nghệ thuật chấm giải trực tiếp”.
Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 2020 đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng giải thưởng mỹ thuật vẫn có sự tập trung đông đảo tác giả với các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao. “Điều này ghi nhận sự nỗ lực rất lớn trong sáng tạo nghệ thuật của hội viên. Những tác phẩm được ghi nhận, được chấm giải đều xứng đáng, xứng tầm. Chúng tôi đã đi khắp các khu vực trong nước và nhận thấy khoảng cách vùng miền đang ngày một thu hẹp, bình đẳng trong sân chơi mỹ thuật. Các tác phẩm của khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên đang có những bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt Gia Lai có những tác giả nổi bật, đó là tín hiệu vui trong đời sống mỹ thuật của tỉnh và khu vực”-họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.
Gia Lai năm nay thắng lớn tại giải thưởng mỹ thuật khu vực với 1 giải A và 2 giải C. Không đứng ngoài với cuộc chiến chống dịch bệnh, 2 trong 3 tác phẩm đạt giải của các họa sĩ tỉnh nhà phản ánh nội dung phòng-chống dịch bệnh bằng ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật gây ấn tượng mạnh. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung xuất sắc giành giải A với tác phẩm “Phòng dịch vùng cao”. Anh cho biết, đây là tác phẩm sáng tác trong đợt phòng-chống dịch bệnh nhằm cổ vũ tinh thần chống dịch, ghi nhận những đóng góp lặng thầm của các chiến sĩ áo trắng và lực lượng mang quân hàm xanh đối với nhân dân, đất nước. Với tác phẩm sắp đặt “Nắm đấm sắt”, nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Vinh cũng mang đến nhiều cảm xúc trước tinh thần phòng-chống dịch của cả nước. “Một tờ báo Pháp đã dùng từ “nắm đấm sắt” để ca ngợi tinh thần chống dịch của Việt Nam. Điều đó khiến tôi thực sự tự hào và xúc động trước sự đồng sức, đồng lòng, đoàn kết của dân tộc, vì vậy đã đặt tên này cho tác phẩm của mình”-nhà điêu khắc Nguyễn Vinh chia sẻ.
Tác phẩm “Nắm đấm sắt” của nhà điêu khắc Nguyễn Vinh truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tinh thần phòng-chống dịch. Ảnh: Minh Châu
Tác phẩm của nhà điêu khắc trẻ này mang thông điệp từ những hình tượng sắp đặt ở 4 mặt, 1 mặt là các bác sĩ-những người trên tuyến đầu chống dịch, một mặt là hình tượng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở những nơi gian khổ, hiểm nguy nhất, 1 mặt là cây ATM gạo của người Việt-biểu tượng cho tinh thần nhân văn, đoàn kết “lá lành đùm lá rách” được phát huy qua chiều dài lịch sử và mặt còn lại là cảnh gia đình nắm tay trong niềm hạnh phúc, thể hiện niềm tin, sự lạc quan của con người ngay trong gian khó. “Nắm đấm sắt” chính là sức mạnh đoàn kết dân tộc, là truyền thống nhân ái, nhân văn và tinh thần thép của con người Việt Nam. Tất cả cộng hưởng để tác phẩm truyền đi thông điệp mạnh mẽ, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát lần thứ 2.
Nhiều tác phẩm đạt giải thưởng mỹ thuật khu vực năm nay cũng phản ánh chân thực và giàu cảm xúc tinh thần toàn dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến phòng-chống dịch bệnh. Điều đó cho thấy các tác giả thâm nhập cuộc sống với tinh thần không ngừng sáng tạo ngay trong “tâm dịch”. Đó không chỉ là đam mê mà còn là tiếng nói đầy trách nhiệm của giới mỹ thuật đối với những vấn đề lớn của đất nước. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, các tác giả cập nhật rất nhanh vấn đề thời sự và chuyển tải bằng hình tượng và ngôn ngữ nghệ thuật. Dù vậy, cần nhiều hơn những tác phẩm thực sự giá trị và có sức lay động mạnh mẽ tâm can người thưởng lãm. “Cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn dài. Đời sống nghệ thuật và đời sống xã hội vì vậy sẽ luôn song hành cùng nhau. Bản thân tiếng nói nghệ thuật là tiếng nói độc lập nhưng phản ánh trung thực, chân xác nhất hình ảnh người Việt, xã hội Việt trước những thách thức rất lớn của dịch bệnh đối với đất nước, dân tộc. Trong sự chia sẻ cộng đồng ấy, có những tình cảm, xúc cảm chân thành của người nghệ sĩ, nhất là giới mỹ thuật đương đại Việt Nam”-họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm