Nghề đầu bếp luôn là một công việc đầy khó khăn với những kiều bào xa xứ, đặc biệt là tại một quốc gia có khẩu vị ăn uống rất khác so với Việt Nam như Myanmar.
“Golden Phở” tại thành phố Yangon |
"Hồi tôi mới đến, chỉ có khách Tây mới chịu thử đồ ăn Việt, nhưng bây giờ thì người Myanmar cũng bắt đầu gọi nhiều rồi. Bếp trưởng Trần Văn Chinh |
Nhưng với sự tăng vọt số lượng người Việt tại Myanmar, đặc biệt là thành phố Yangon trong ba năm trở lại đây, số lượng những nhà hàng có món ăn Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều.
Phở Golden
Hỏi thăm cộng đồng người Việt về địa chỉ các nhà hàng món Việt ở Yangon, cái tên được nhắc đến nhiều nhất là “Golden Phở” của chị Kelly Phạm Thị Xuân Phương, một Việt kiều mới sang sinh sống tại Myanmar chưa đầy ba năm.
Tại khu trung tâm thương mại Myanmar Plaza- nơi sầm uất nhất Yangon, quán của chị Phương là một quầy hàng nằm trong khu vực ăn uống (food court).
Khi chúng tôi đến, khoảng hơn 20 bàn của khu vực này đang có khách ngồi, và quá nửa trong số đó là khách của “Golden Phở” - bao gồm cả người Việt, người Myanmar lẫn một số vị khách Tây.
Tuy mang danh là quán phở nhưng thực đơn nơi đây khá phong phú với bún bò, gỏi cuốn, bò né, nem nướng, chả giò, bún thịt nướng và cả một số món chè... Thương hiệu “Golden Phở” cũng ngày càng phổ biến khi hiện đã có đến năm quán tại Yangon.
Đắt khách là vậy nhưng theo chị Phương chia sẻ, nguyên nhân gia đình chị mở quán đến rất tình cờ, và cũng chỉ mới được khoảng một năm rưỡi.
Chồng chị Phương là người Úc và trước đây gia đình chị vốn sống ở Úc, chỉ mới chuyển đến Myanmar khi công ty của chồng mở chi nhánh tại đây. Vốn là một nhân viên ngành thương mại, chị Phương khi sang Myanmar phải bỏ dở công việc làm và chỉ ở nhà nội trợ.
“Chồng của tôi hay mời bạn bè làm cùng công ty đến nhà dùng bữa. Họ phần lớn là người Úc hoặc châu Âu, rất thích ăn món tôi nấu nhưng lại hay than thở không hợp khẩu vị với thức ăn ở Myanmar. Dần dà, họ hỏi sao tôi không mở nhà hàng. Ý tưởng kinh doanh vậy là đến từ đó. Sẵn không có việc gì làm nên tôi mở nhà hàng luôn” - chị Phương cho biết.
“Golden Phở” ban đầu chỉ là một quán ăn nhỏ với hơn 10 bàn đặt tại Dagon Township, khu vực trung tâm của Yangon.
Nấu ăn vốn là sở trường của chị Phương, nhưng mở quán cho hàng chục, cả trăm thực khách lại là chuyện khác. Khó khăn nhất chính là khâu kiếm đầu bếp chính, rồi người phụ bếp.
“Ban đầu tôi tìm được một đầu bếp người Việt nhưng chỉ sau một thời gian anh ấy bỏ về nước. Thời điểm đó tôi chỉ có vài phụ bếp người địa phương và phải tự mình làm mọi việc, từ nêm nếm cho đến xẻ thịt, giao hàng, mà có những tảng thịt lên đến 20kg cũng phải tự mình làm.
Làm việc với các phụ bếp người Myanmar giai đoạn đầu rất cực vì khẩu vị của họ khác mình nhiều quá, trao đổi công việc cũng khó khăn” - chị Phương kể.
Phải đến hồi cuối năm ngoái, chị Phương mới tìm được đầu bếp Việt mới trong một lần tình cờ đến chơi Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu). “Khi đó tôi vào một nhà hàng bài trí rất đẹp, thấy tôi hỏi chuyện nấu nướng khá kỹ, một đầu bếp hỏi tôi mở nhà hàng hay sao, sau khi nghe tôi kể thì cậu ấy xin theo tôi làm luôn” - chị Phương nói.
Người đầu bếp này là anh Nguyễn Thành Nhân, sau này trở thành một trong hai đầu bếp chính của chị Phương.
Dù ban đầu có khó khăn nhưng chuỗi cửa hàng của chị Phương vẫn phát triển một cách thần tốc khi chỉ trong vỏn vẹn một năm rưỡi thành lập, “Golden Phở” đã có đến năm chi nhánh và đều nằm ở những khu vực rất “đắc địa” của trung tâm Yangon.
Một tô phở ở đây có giá từ 3.000 - 6.000 kyat (tương đương 50.000 - 100.000 đồng), các món ăn khác cũng trong khoảng 2.500 - 5.000 kyat.
Hiện tại quán của chị Phương ngoài chuyện thu hút người Việt, du khách Tây, cũng bắt đầu “thích ứng” dần với dân địa phương, trở thành một thương hiệu được người Myanmar yêu thích bên cạnh các quán ăn Thái Lan vốn cực kỳ phổ biến từ lâu.
Đầu bếp “xuyên quốc gia”
Ngoài thương hiệu “Golden Phở”, người Việt còn có thể tìm được hương vị quê hương nếu đến với nhà hàng của khách sạn Melia, cũng nằm trong khu vực Myanmar Center.
Nhà hàng nơi đây có khá nhiều món ăn Việt được phụ trách bởi bếp trưởng Trần Văn Chinh, một đầu bếp có rất nhiều kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài.
Dù chưa đến tuổi 40 nhưng chặng đường hành nghề của anh Chinh chẳng khác gì “đầu bếp phiêu lưu ký” khi anh đã trải qua tổng cộng tám quốc gia khác nhau, bao gồm Trung Quốc, UAE (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), Ấn Độ, Jordan, Oman, Saudi Arabia và hiện tại là Myanmar (cùng với cả Việt Nam).
Ra đời trong một gia đình có truyền thống nghề đầu bếp ở Thái Bình, anh Chinh nhanh chóng thể hiện năng khiếu với việc bếp núc và sớm nối nghiệp ông cha. Đến năm 2002, anh nghe lời rủ rê của một người bạn nên quyết định sang Trung Quốc thử sức.
Sau khoảng hai năm, thấy không hợp với nơi đây, anh Chinh chuyển sang Dubai (UAE) làm việc vì nơi đây vốn là thiên đường du lịch, nhu cầu cho đủ mọi loại khách rất đa dạng.
Và khi đã bắt đầu có được tiếng tăm, anh Chinh liên tục chuyển chỗ làm, khi thì vì nhà hàng mở chi nhánh mới, khi thì anh lại bỏ sang nơi khác theo lời mời của người quen... Chỉ trong 11 năm sau đó, anh nhảy chỗ đến tận sáu lần...
Chỉ vừa chuyển đến Myanmar, công việc ở nhà hàng mới hiện có rất nhiều thách thức với anh Chinh nhưng anh cho biết sẽ sớm thích nghi được bởi từng làm việc ở các quốc gia Hồi giáo vốn còn có khẩu vị khác biệt người Việt nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng nửa năm làm việc, các thực khách địa phương cũng bắt đầu quen thuộc dần với món ăn của anh Chinh.
“Hồi tôi mới đến, chỉ có khách Tây mới chịu thử đồ ăn Việt, nhưng bây giờ thì người Myanmar cũng bắt đầu gọi nhiều rồi. Có thể vì họ có bạn bè là người Việt nên dùng thử rồi sau đó ưa thích, chứ tôi nấu ăn, nêm nếm vẫn như vậy, chỉ thay đổi cách trình bày thôi. Điều tôi luôn tâm niệm khi làm đầu bếp ở nước ngoài là phải luôn giữ được cái hồn quê hương Việt Nam trong món ăn” - anh Chinh kể.
Dù mới mẻ nhưng ẩm thực Việt bước đầu đã chinh phục được thực khách tại Yangon. Một lý do quan trọng để các thực khách Myanmar gọi món ăn Việt là nhu cầu sức khỏe vì các món ăn Việt Nam phần lớn đều... lành tính.
Ông Cao Duy Thịnh - một người có thâm niên làm việc tại Myanmar hơn ba năm - cho biết: “Món ăn truyền thống của người Myanmar thường có nhiều dầu mỡ nhưng theo thời gian, họ cũng ý thức về việc giữ gìn sức khỏe, chủ động tìm ăn các món có nhiều rau, mà đây lại là lợi thế của các món ăn Việt.
Tôi thường dẫn các bạn bè Myanmar đến nhà hàng ở đây ăn, nhiều người chỉ vào thực đơn rồi gọi phở hoặc chả giò vì họ thấy có nhiều rau”.
Theo Tuoitre
Ngoài quán ăn của chị Phương và nhà hàng nơi anh Chinh làm việc, ở Yangon còn có một số địa điểm bán món ăn Việt khác cũng rất thu hút khách địa phương. Nổi tiếng nhất trong cộng đồng người Việt là nhà hàng ở khách sạn Mr.Lee nằm tại khu Lanmadaw Township do một người Việt Nam làm chủ. Ngoài ra, cửa hàng bánh mì Việt Nam ở Myanmar Center cũng rất được người dân Myanmar ưa chuộng vì tính tiện lợi và có rau, cà chua... bổ ích cho sức khỏe. |