Năm 2011 đào tạo nghề cho khoảng 800.000 nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2011 đào tạo nghề cho khoảng 800.000 nông dân ảnh 1
 
Năm 2011, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động để thực hiện mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo.


Năm 2010 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong cả nước đã có khoảng 300.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trong đó khoảng 40% là các lớp dạy nghề nông nghiệp).

Địa phương vào cuộc, nông dân hưởng ứng

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn thị Kim Ngân cho biết, đến nay, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án và chọn huyện điểm, xã điểm để chỉ đạo triển khai, đảm bảo mục tiêu gắn chặt chẽ nhu cầu học nghề với giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Tại 63 tỉnh, thành phố đều triển khai các lớp dạy nghề theo mô hình mẫu, gắn dạy nghề với tiêu chí giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức cho nông dân vừa học văn hoá, vừa học nghề là cách làm của TP. Cần Thơ. Hiện, các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các quận, huyện; các trường dạy nghề ở TP.Cần Thơ đều liên kết với các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề để mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Từ năm 2005, TP. Cần Thơ đã thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ trung cấp theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề. Mỗi năm TP. Cần Thơ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ trung cấp khoảng 350 học viên. Năm 2011, Cần Thơ sẽ đào tạo khoảng 750 người trình độ trung cấp nghề theo Đề án 1956/QĐ-TTg. Trong đó, các nhóm nghề chính là nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Ông Tiêu Minh Dưỡng- Trưởng phòng Đào tạo nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Cần Thơ cho biết: "Nông dân học trình độ trung cấp theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề đạt hiệu quả rất cao. Trong đó các nghề như nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, xây dựng, điện… hầu hết học viên ra trường đều có việc làm. Đây là xu hướng tất yếu trong tương lai để nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề cho lao động nông thôn…".

Ở Bình Phước, nông dân đã thành lập một số câu lạc bộ (CLB), trong đó có những CLB chuyên sâu trồng trọt hoặc chăn nuôi. Qua đó, một số nông dân đã học được nghề nuôi cá, nuôi ếch, ba ba...; các kỹ thuật lai tạo và áp dụng giống mới vào sản xuất... Những buổi hội thảo đầu bờ do các CLB hoặc trạm khuyến nông tổ chức thực chất là những buổi học nghề ngoại khoá hết sức bổ ích cho lao động nông thôn.

Các cơ sở dạy nghề cũng tập trung vào đào tạo các nghề nông nghiệp như kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chăm sóc khai thác cao su, trồng nấm, kỹ thuật làm vườn và cây cảnh, trồng rau sạch. Sau các khoá học, nông dân lại tự phổ biến kinh nghiệm cho nhau thông qua các CLB của mình.

UBND tỉnh Bình Phước đã duyệt Dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Dự án Xây dựng Trường dạy nghề với kinh phí 21 tỷ đồng; 3 trường dạy nghề công lập thuộc các huyện Bình Long, Phước Long và Bù Đăng đang được đầu tư sửa chữa và nâng cấp. Mục tiêu đặt ra là tới năm 2020, số lao động nông thôn được đào tạo sẽ lên tới 28%.

Đề án đào tạo nghề cho 165.000 lao động nông thôn giai đoạn 2011- 2020, với kinh phí dự tính khoảng 1.165 tỷ đồng, vừa được UBND tỉnh Quảng Nam thông qua. Theo đó, 75.000 lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề trong giai đoạn 2011- 2015. Giai đoạn 2016- 2020, sẽ dạy nghề cho khoảng 90.000 người, trong đó 30.000 người học nghề nông nghiệp, 60.000 người học nghề phi nông nghiệp.

Tại Quảng Trị, năm 2010, Hội Nông dân các cấp phối hợp với các Trung tâm dạy nghề cấp huyện, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức 142 lớp dạy nghề cho 4334 hội viên nông dân (HVND). Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân – Hội nông dân tỉnh trực tiếp triển khai 24 lớp dạy nghề cho 720 HVND.

Tính đến nay, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh đã thu hút được hơn 28.000 học viên. Trong đó, lao động nông thôn, dân tộc thiểu số và người tàn tật là 25.629 người; còn lại chủ yếu là đào tạo nghề cho người nghèo. Nhờ đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 30%.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Tổng cục Dạy nghề chọn 2 mô hình điểm về dạy nghề cho lao động nông thôn là dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Chăm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước với tổng kinh phí 150 triệu đồng cho lao động nông thôn là đồng bào Chăm ở Ninh Thuận. Đây là 2 nghề đang thu hút rất nhiều lao động nông nhàn, cần có sự hỗ trợ để người dân nâng cao kỹ năng sản xuất, tự tạo việc làm, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh. 2 nghề này sẽ được triển khai dạy cho bà con năm 2011.

Tiếp tục đồng bộ các giải pháp

Theo lộ trình đề án, năm 2011, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động để thực hiện mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, để đạt được mục tiêu này, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề; hoàn thành xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 cấp tỉnh; thành lập các trung tâm dạy nghề cấp huyện ở những nơi chưa có.

Bộ sẽ đẩy mạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng kinh phí phân bổ cho các địa phương, ngành và các cơ sở dạy nghề... Đồng thời, Bộ đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo điểm theo các địa bàn ưu tiên.
Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm