Làng tôi nơi xứ “nẫu” tựa mình vào hai dãy núi, bởi vậy khi lớn lên đã nghe những chuyện rùng mình truyền tụng từ thuở lập địa về ông Ba mươi- chúa sơn lâm- kẻ thống soái của muôn loài trong các dãy núi quanh làng. Khi “ông” đã nhàm chán với những món mồi tự nhiên và như bất tận mà tạo hóa ban cho, đôi khi buồn tình bỏ núi ra làng, tìm của lạ để thay đổi khẩu vị. Và tai vạ bắt đầu từ đó! Chuyện kể rằng đã có không ít người và vật nuôi của làng làm mồi cho hổ. Nghe vậy nhưng tôi nào đã thấy hổ đâu cho dù làng vẫn đây và núi vẫn đấy...
Cho đến khi theo chân “những người nhảy núi” lên rừng, tôi mới có nhiều cơ hội đối mặt với “ông” Ba mươi. Hồi ấy, những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, vùng Kbang, Kông Chro, An Khê, Đak Pơ (Gia Lai)... rừng còn là đại ngàn theo đúng nghĩa, nên hổ khá nhiều, “thiên thời, địa lợi” nên sinh sôi phát triển khá nhanh, chúng vào các làng đồng bào Bahnar, “phục kích” những lối mòn có người và súc vật hay qua lại để vồ mồi. Người ta còn kể rằng có khi sau những trận đánh trên đường 19, xác của người chết trận chưa kịp đem đi hổ đã mò ra cướp, rồi hổ vồ cả những cán bộ, giao liên trên đường công tác... Và, hổ đã trở thành nỗi sợ hãi của những người giao liên chúng tôi, là kẻ thù trong tiềm thức của tôi! “Ghét của nào trời trao của ấy”, trong số những giao liên ngày ấy, tôi là người “có duyên” với hổ nhất.
Minh họa: Thanh Huyền |
Một ngày nọ trên đường công tác, tôi và hai anh du kích đã không may lọt vào ổ phục kích của địch, hai anh ấy đã ngã xuống trước làn đạn như mưa từ những nòng súng oan nghiệt của kẻ thù. Còn lại một mình tôi băng rừng tìm về đơn vị, đêm đã khuya với khẩu súng M16, mò mẫm ngược con suối 407, giữa đen ngòm rừng già và suối cạn, không đâu tốt hơn thế để cho hổ tìm mồi- nghĩ vậy mà nỗi sợ hãi càng lúc càng đè bẹp ý chí trở về của tôi, nhưng đã vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đành phó mặc mình cho... hổ. Càng ngược dòng 407, rừng càng mịt mùng, bí ẩn hơn, đêm như sâu hun hút vào nơi không đáy. Nghe tiếng hổ bép, nai kêu, tiếng xao xác của những loài chim ăn đêm... tôi tưởng mình đã rơi vào một thế giới khác. Chỉ có tiếng súng và mùi khét của đạn mới có thể vực tôi về với thực tại; mỗi một tiếng động lạ dù bất cứ phương nào quanh tôi vọng lại là tôi sẵn sàng nhả đạn vào đó. Âm thanh của đạn nổ từ khẩu súng trong tay tôi đã xua đuổi những âm thanh kỳ quái của rừng già và làm cho đôi chân của tôi như tự tin hơn mỗi bước hướng về ngược dòng 407. Đã thoát khỏi họng súng của con người, chẳng lẽ lại rơi vào mồm của con vật- nghĩ vậy nên tôi quyết “chiến đấu” với chúng- những “con hổ” trong trí tưởng tượng của tôi bằng những phát súng xé rách đêm rừng!
Về đến nơi cơ quan đóng chân trời đã gần sáng, biết mình vẫn còn nguyên vẹn, cho dù đã lọt vào hang ổ của hai kẻ thù- một, bọn biệt kích và hai là... “hổ”, tôi đổ gập người vào anh Thám- Đội trưởng giao liên của chúng tôi mà hai dòng nước mắt cứ tự nhiên chảy như chưa bao giờ được khóc.
Trên đây là lần cuối cùng tôi “đối mặt” với hổ. Ba lần trước đó, mỗi lần gặp hổ là một câu chuyện hài khác nhau để lại trong chúng tôi. Điển hình, một hôm cũng trên đường giao liên, đã quá Ngọ, lững thững một mình theo con suối cạn, bỗng trước mắt tôi hiện ra một đống rằn ri vằn vện trên một tảng đá to bất động, dụi mắt tôi cố nhìn kỹ, thì ra là một “ông chúa tể sơn lâm” đang ngồi hong nắng. Hai chân tôi như bị ai rút hết xương, cố gượng đứng lên nhưng gần như lực bất tòng tâm, nó cứ rũ xuống và con hổ đã nhìn thấy tôi. Khẩu súng như muốn rơi ra khỏi tay, lấn bấn thế nào cướp cò, một loạt đạn rú lên... khi bừng tỉnh lại, trước mắt tôi là một vũng toàn những thứ bèo nhèo, tỏa ra một thứ mùi kinh khủng còn chú hổ chắc là đã cao chạy xa bay? Và, trên người của tôi cũng có mùi là lạ... Người ta bảo hổ là con vật không chỉ mạnh khỏe, hung dữ, tham lam và kiên nhẫn trong việc rình mồi mà nó còn là một “ông” chúa thù dai và quyết trả thù, vì thế thời đó người ta ngại làm hại đến “ngài”. Nhớ lại đã có lần nghe điều ấy, tôi cũng vội vàng “cao chạy xa bay”, kẻo “ông” trở lại báo thù...
Đó là những chuyện của ngày trước, còn bây giờ thì... con người chúng ta ngày càng đông đúc, nhu cầu mưu sinh từ “rừng vàng” cũng vì thế mà ngày càng lớn hơn, thế nên rừng đã bị tàn phá khá nặng nề, không gian sinh tồn của hổ đã hết “thiên thời địa lợi”. Hổ đã không còn là mối hiểm họa của con người nữa, ngược lại chúng đã và đang bị con người đưa đến thảm họa diệt chủng, không những ở ta mà cả thế giới đã ghi tên chúng vào Sách đỏ- một trong những loài thú hoang dã cần bảo vệ quyết liệt.
Đoàn Minh