Nan giải bài toán nhân lực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Áp lực công việc lớn, chế độ đãi ngộ chưa thực sự tương xứng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều bác sĩ quay lưng với bệnh viện công. Tình trạng đó đã xảy ra ở hầu hết các bệnh viện công trên toàn quốc, và Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đang phải đối mặt với bài toán về nhân lực này.

Nhiều bác sĩ xin nghỉ việc

Thời gian vừa qua, tình trạng bác sĩ “nhảy việc”, xin nghỉ ở bệnh viện công để chuyển sang các bệnh viện tư nhân với mức thu nhập cao hơn đã diễn ra ở khá nhiều địa phương. Thực trạng này cũng đang diễn ra tại  Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, 6 bác sĩ làm đơn xin nghỉ việc để chuyển công tác, trong đó bệnh viện đã giải quyết nghỉ việc cho 3 bác sĩ. Cụ thể: Khoa Hồi sức Tích cực-Chống độc 3 bác sĩ, Khoa Cấp cứu 2 bác sĩ và 1 bác sĩ ở Khoa Lão. Trước đó, năm 2017, tại đây cũng xảy ra các trường hợp bác sĩ là Trưởng, Phó Trưởng khoa xin nghỉ việc trước thời hạn.

 

Dù đã có nhiều chế độ ưu đãi nhưng không ít bác sĩ vẫn “quay lưng” với bệnh viện công. Ảnh: V.N
Dù đã có nhiều chế độ ưu đãi nhưng không ít bác sĩ vẫn “quay lưng” với bệnh viện công. Ảnh: V.N

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều bác sĩ không còn mặn mà với Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ yếu là do kinh tế. Bên cạnh đó, một số bác sĩ trẻ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng cho rằng họ phải chờ quá lâu nhưng không được tạo điều kiện đi học chuyên sâu nên sẵn sàng xin nghỉ việc để chủ động đi học. “Nếu bệnh viện cử đi học thì vẫn được hưởng lương cơ bản, có tiền hỗ trợ nhưng tôi nghỉ việc để tự học dù phải bỏ tiền túi, vì nhiều người vào làm 6-7 năm vẫn còn chưa được tạo điều kiện thì mình không biết chờ đến bao giờ. Giờ còn trẻ thì phải học chuyên khoa nâng cao trình độ, sau này lớn tuổi, vướng bận gia đình có muốn học cũng không được nên khó phát triển”-một bác sĩ chia sẻ và cho biết đã có một bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh nhận vào làm với mức lương hấp dẫn, hứa hẹn tạo điều kiện đào tạo nâng cao tay nghề.

Trao đổi với P.V, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế cho hay, nguyên nhân quan trọng nhất mà các bác sĩ tại Gia Lai xin nghỉ việc là do áp lực công việc và chế độ đãi ngộ thấp. Ví dụ, sau hàng chục năm công tác, nhưng lương Giám đốc Sở của ông cũng chỉ hơn 9 triệu đồng/tháng. Với một bác sĩ mới ra trường, lương khởi điểm chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ngành y là ngành đặc thù vì ngoài giờ hành chính, các bác sĩ còn phải trực, giải quyết nhiều việc khác, rồi rủi ro nghề nghiệp... “Tất nhiên, các bác sĩ có thể mở phòng mạch tư nhân để nâng cao thu nhập nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Hơn nữa, nếu trong quá trình làm việc, không may xảy ra chuyện gì thì áp lực sẽ rất lớn”-ông Hải bày tỏ. Cũng theo ông Hải, đối với các trường hợp xin nghỉ việc, ông đều gặp gỡ, động viên ở lại cũng như trò chuyện, tìm hiểu tâm tư xem có uẩn khúc gì hay không, nhưng việc lựa chọn rời đi hay ở lại bệnh viện là do họ quyết định.

“Trải thảm” nhưng không có người về

Việc bác sĩ bỏ việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh khiến nhiều khoa chuyên môn gặp khó khăn bởi lượng bệnh nhân đông nhưng bác sĩ hạn chế. Một bác sĩ tại Khoa Nội cho hay, số lượng bệnh nhân hàng ngày trong khoa luôn  dao động 120-130 người nhưng cả khoa chỉ có 3 bác sĩ chính thức, 1 bác sĩ của Trường Trung cấp Y Dược cùng 3 bác sĩ hợp đồng học việc. Bởi vậy, để đảm bảo công tác khám-chữa bệnh, các bác sĩ phải đối diện với một lịch trực dày đặc và đã không tránh khỏi căng thẳng.  

Trao đổi với P.V, ông Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định, câu chuyện nhân lực luôn được đơn vị này quan tâm hàng đầu. Bệnh viện luôn ưu tiên chào đón các bác sĩ ở khắp nơi về làm việc. Đồng thời, chủ động làm việc với các trường Đại học Y Dược làm công tác tư tưởng với các sinh viên tại đây để sẵn sàng về cống hiến tại Gia Lai. Để thu hút các bác sĩ tương lai, bệnh viện cũng có nhiều chế độ ưu đãi như sẵn sàng chi trả học phí nếu các em cam kết sau này về phục vụ. Ông Mỹ thẳng thắn: “Giờ bác sĩ nào xin về là chúng tôi nhận ngay, đặc biệt là với các bác sĩ có chuyên môn cao. Sắp tới, bệnh viện sẽ đưa vào hoạt động khu chữa trị chất lượng cao nên càng cần những bác sĩ giỏi, yêu nghề”.   

 

Vẫn ưu tiên đào tạo nâng cao năng lực

Ông Phạm Bá Mỹ cho biết, câu chuyện bệnh viện không tạo điều kiện cho các bác sĩ đi học để nâng cao trình độ là không chính xác. Hàng năm, bệnh viện vẫn bố trí cho 10% bác sĩ trở xuống so với tổng số bác sĩ tại bệnh viện được đi học chuyên khoa, thạc sĩ, tiến sĩ… “Các bác sĩ muốn đi học phải đạt tiêu chuẩn về thời gian công tác cũng như theo quy trình, phải có quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.  Vì đây là vấn đề liên quan đến kinh phí, hơn nữa, nhiều người đi học thì lấy ai làm nhiệm vụ chuyên môn”-bác sĩ Mỹ nói.

Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện đang gặp khó trong công tác “chiêu mộ” nhân tài. Bác sĩ Mỹ cho hay, đợt tuyển gần nhất là năm 2016, chỉ tiêu tuyển là 50 nhưng bệnh viện chỉ tuyển được 15 người. Lý giải cho việc này, ông Mỹ cho rằng, đa số bác sĩ thường ưu tiên đến vấn đề kinh tế, hoàn cảnh gia đình, trong khi nhiều bệnh viện tư nhân giá dịch vụ cao, nguồn thu cao nên chế độ cho nhân viên cũng cao gấp nhiều lần bệnh viện công. “So với các bệnh viện công trong khu vực thì thu nhập và chế độ khác của bác sĩ tại Gia Lai cũng tương đối. Từ năm 2018, chúng tôi được giao tự chủ về tài chính nên dần dần sẽ cân đối các nguồn thu-chi, sau đó sẽ có phương án tăng lương để giữ chân bác sĩ. Trên thực tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh  là bệnh viện công, mục tiêu chính là phục vụ nhân dân chứ không phải làm kinh tế, không thể đặt cao vấn đề lợi nhuận. Vậy nên, rõ ràng không thể so sánh thu nhập của bệnh viện với các bệnh viện tư nhân được”-ông Mỹ cho hay.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm