Nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cán bộ Đoàn ở các xã, phường, thị trấn là người thực hiện vai trò cầu nối giữa ĐVTN với phong trào Đoàn. Vì thế, để nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút tập hợp ĐVTN tham gia vào tổ chức Đoàn, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ, năng lực là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Nhiều khó khăn
 

 Nhiều cán bộ Đoàn có cách làm sáng tạo trong tập hợp thanh niên. Ảnh: P.L
Nhiều cán bộ Đoàn có cách làm sáng tạo trong tập hợp thanh niên. Ảnh: P.L

Thực tế cho thấy, nơi nào đội ngũ cán bộ Đoàn có trình độ, năng nổ thì ở đó chất lượng hoạt động Đoàn-Hội-Đội được nâng cao. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Đoàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, toàn tỉnh hiện có 222 Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn trực thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, có 92 người dân tộc thiểu số. Tính đến tháng 10-2016, toàn tỉnh có 35 Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn từ 33 tuổi trở lên, có 6 đồng chí đến tuổi trưởng thành Đoàn mà vẫn chưa được bố trí công việc khác; có 21 Bí thư Đoàn xã trình độ học vấn chỉ 9/12. Ngoài ra, toàn tỉnh có 214 Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn, trong đó có 119 người dân tộc thiểu số; độ tuổi từ 31 trở lên có 39 người, có 30 người trình độ học vấn 9/12, 1 người trình độ 7/12.

Là người có gần 20 năm làm công tác Đoàn tại xã Nghĩa Hòa (huyện Chư Pah), trong đó 12 năm là Bí thư Đoàn xã, anh Đặng Ngọc Nghĩa chia sẻ: “Tham gia tổ chức Đoàn, tôi được trang bị thêm nhiều kiến thức, phát huy được tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Mặc dù sự nhiệt huyết, sôi nổi vẫn như ngày đầu nhưng giờ đã “quá tuổi” Đoàn, tôi rất muốn được chuyển sang làm một công việc phù hợp với tuổi tác và cũng để tạo cơ hội cho nhiều người trẻ hơn”.

Bên cạnh đó, số lượng cán bộ Đoàn xã, phường, thị trấn được đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị vẫn còn thấp nên việc tổ chức sinh hoạt, tập hợp thanh niên còn yếu, thiếu sự linh hoạt, sáng tạo trong hình thức, nội dung tuyên truyền. Một số cán bộ Đoàn chưa nhiệt tình, đi sâu sát vào đời sống ĐVTN nên hoạt động của nhiều cơ sở Đoàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều cán bộ Đoàn còn bị động, hoạt động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương còn yếu.

Ngoài ra, đặc thù công việc đòi hỏi cán bộ Đoàn xã phải nhiệt tình, thường xuyên bám sát địa bàn, sâu sát với cơ sở; đa số các buổi sinh hoạt, hoạt động phong trào thường diễn ra vào các ngày nghỉ và buổi tối. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ Đoàn còn thấp. Vì vậy, nhiều cán bộ Đoàn sau một thời gian đã xin nghỉ việc để đi làm công việc khác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác Đoàn và phong trào thanh-thiếu niên ở nhiều cơ sở còn yếu kém, không thể duy trì sinh hoạt thường xuyên.

Gỡ “khó” bằng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ

 

 Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Đoàn qua các trại huấn luyện. Ảnh: P.L
Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Đoàn qua các trại huấn luyện. Ảnh: P.L

Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở, nhiều năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chú trọng công tác bồi dưỡng kỹ năng, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ này. Gần đây nhất là chương trình tập huấn cho gần 200 Bí thư, Phó Bí thư các Đoàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tại lớp tập huấn này, các học viên được các báo cáo viên của Tỉnh Đoàn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh hướng dẫn các chuyên đề: kỹ năng nắm bắt, định hướng tư tưởng cho thanh niên; kỹ năng xử lý điểm nóng về an ninh chính trị, an ninh nông thôn; hướng dẫn công tác tổ chức đại hội Đoàn; cách thức thành lập và hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn… Đồng thời, các học viên cũng được trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thuyết phục, quản lý để nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh-thiếu niên tại cơ sở.

Bên cạnh các chương trình tập huấn, hội trại, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo, định hướng hoạt động Đoàn ở cơ sở. Ngoài ra, một số Huyện Đoàn đã chủ động yêu cầu Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn viết tin, bài về hoạt động, phong trào Đoàn của địa phương mình gửi về website của Huyện Đoàn, Tỉnh Đoàn. Đây là một cách đổi mới trong bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn.

Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Những năm qua, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở luôn được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chú trọng. Các chương trình tập huấn, trại huấn luyện được triển khai thường xuyên, qua đó đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều cán bộ Đoàn có năng lực. Đồng thời, Tỉnh Đoàn yêu cầu mỗi cán bộ Đoàn cơ sở phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để nâng cao kiến thức, trình độ. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ Đoàn đi học nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Hiện tại, đã có 76 đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, cao đẳng; 225 đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn có trình độ trung cấp chính trị. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm ra các giải pháp để xây dựng, nâng cao đội ngũ cán bộ Đoàn có tinh thần, trách nhiệm, đưa phong trào Đoàn ngày càng đi lên.

 Phan Lài

Có thể bạn quan tâm