Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm học 2015-2016, nhiều học sinh sinh viên (HSSV) gặp tai nạn, bệnh tật đã được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đồng chi trả, giúp các em và gia đình yên tâm trong việc khám-chữa bệnh. Bên cạnh đó, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã có thêm điều kiện chăm lo sức khỏe ban đầu cho HSSV thông qua việc sử dụng nguồn kinh phí được trích lại từ quỹ BHYT.

Từ chia sẻ gánh nặng tài chính khi bệnh tật    

Với HSSV, lứa tuổi còn hiếu động, việc xảy ra tai nạn, thương tích trong trường học luôn hiện hữu. Chính vì vậy, tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho chính bản thân các em và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn thương tích, bệnh tật. Nhà trường cũng có thêm cơ hội, thêm điều kiện chăm lo sức khỏe ban đầu cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Gia Lai, năm học 2015-2016 trên địa bàn tỉnh có 325.879 HSSV tham gia BHYT, đạt gần 86% học sinh tham gia. Trong số này, học sinh tham gia BHYT theo đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng là 130.210 em; học sinh tham gia theo đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi 75.270 em; học sinh tham gia theo nhóm đối tượng tại nhà trường 120.399 em, tăng 2,35% so với  năm học 2014-2015.

 

Tham gia BHYT giúp HSSV giảm bớt gánh nặng tài chính khi bệnh tật. Ảnh: N.N
Tham gia BHYT giúp HSSV giảm bớt gánh nặng tài chính khi bệnh tật. Ảnh: N.N

Trong năm học qua, BHXH đã chuyển cho cơ sở khám-chữa bệnh BHYT và các trường có HSSV tham gia BHYT trên 12,8 tỷ đồng để chi BHYT cho HSSV. Trong đó, chi thanh toán khám-chữa bệnh BHYT cho HSSV tại cơ sở khám-chữa bệnh BHYT 33.833 lượt, với số tiền trên 4,556 tỷ đồng; chi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV ở 463 trường với số tiền trên 6,956 tỷ đồng; còn lại chi thanh toán hoa hồng cho người làm công tác BHYT HSSV tại các trường.

Nhiều trường hợp HSSV không may bị bệnh tật, tai nạn thương tích đã được quỹ BHYT đồng chi trả với số tiền lớn, như trường hợp em Đ.T.T.H. (học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Pưh) bị bệnh K, điều trị tại Trung tâm Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, với số tiền trên 114 triệu đồng; em P.N.V. (học sinh Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku) điều trị tại Trung tâm Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, với số tiền trên 94 triệu đồng; em L.V.D. (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) bị bệnh tim bẩm sinh, điều trị với số tiền trên 50 triệu đồng; em N.T.N.Y. (xã Song An, thị xã An Khê) điều trị bệnh bướu ác ở não với số tiền trên 18 triệu đồng… Nhiều trường hợp khác cũng được quỹ BHYT chi trả, giúp các em và gia đình có thêm cơ hội trong việc khám-chữa bệnh. Chị Nguyễn Thị Hương (tổ 2, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Dù điều kiện gia đình không mấy khá giả, bố cháu đi phụ hồ, còn tôi giúp việc vặt cho quán ăn gần nhà nhưng đều đặn 6 năm nay chúng tôi đều mua BHYT cho con. Năm ngoái cháu bị tai nạn gãy tay khi đang chơi ở trường, số tiền điều trị cho cháu gần chục triệu đồng. Rất may, nhờ có BHYT nên gia đình tôi đã được chia sẻ một phần tài chính.  Năm nay, con thứ hai cũng vào lớp 1, gia đình tôi sẽ tiếp tục mua BHYT cho hai cháu…”.

Đến nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu

Tham gia BHYT, học sinh không chỉ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học, được chia sẻ nếu chẳng may bệnh tật, bị thương tích mà các trường còn có thêm nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV ngay tại nhà trường. Hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, nhiều trường học tích cực vận động HSSV tham gia. Một số địa phương có số học sinh tham gia BHYT tại nhà trường cao như: Đak Đoa 90,91%; Krông Pa 88,99%; Kông Chro 87,17%; An Khê 82,85%; TP. Pleiku 81,22%...

Năm học qua, toàn tỉnh có 236 nhân viên phụ trách công tác y tế học đường, trong đó khối Tiểu học 108 người, THCS 85 người, THPT 43 người. Đây là nguồn nhân lực quan trọng trong công tác y tế học đường, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Với tổng số tiền 6,959 tỷ đồng (tăng 20,8% so với năm học 2014-2015) được trích lại từ quỹ BHYT cho các trường trong năm học qua góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV và từng bước đảm bảo cho hệ thống y tế trường học tiếp tục được củng cố và phát triển. Nguồn kinh phí quan trọng này giúp các nhà trường thực hiện y tế học đường cho HSSV, giúp các em có sức khỏe để học tập, rèn luyện…

Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH Gia Lai thì tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp so với tiềm năng. Mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng đối với HSSV không thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ tới 70% mức đóng đối với HSSV thuộc hộ cận nghèo nhưng trên địa bàn tỉnh hiện còn 14,01% HSSV chưa tham gia BHYT, tương ứng 53.108 HSSV. Một số trường chưa quan tâm đúng mức đến công tác BHXH, BHYT cho cán bộ, giáo viên và BHYT HSSV; vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tại trường thấp như: Ia Pa 26,43%; Phú Thiện 29,93%; Chư Pưh 32,11%; Kbang 52,08%.

Bên cạnh đó, công tác y tế trường học ít được quan tâm đầu tư, củng cố và phát triển; nhiều trường không tổ chức được y tế học đường; nhiều nơi tuy có được tổ chức, nhưng chất lượng hoạt động hạn chế, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV ngay tại nhà trường…

Để nâng cao tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trong thời gian đến, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, nhất là ngành Giáo dục-Đào tạo, ngành Y tế và BHXH. Trong đó, nhà trường, các thầy-cô giáo có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT. Tin rằng, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương cùng với những quyền lợi thiết thực mà chính sách BHYT mang lại trong chăm sóc sức khỏe học đường, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT sẽ tiếp tục tăng lên trong năm học 2016-2017.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm